Bi kịch của người đàn bà trượt dốc vì kiếm tiền bằng mọi giá

Google News

Nhà lầu, xe hơi, xưởng may với gần trăm công nhân và một người chồng thủy chung, phong độ cùng đứa con trai kháu khỉnh, bụ bẫm nhưng Trần Thị Bích T., SN 1982, quê Ninh Bình vẫn không vừa lòng. 

Cô đã lấn sân sang bất động sản, để rồi trong cơn bong bóng ấy, cô đã thất bại. Nhằm gỡ gạc, T. đã phạm sai lầm để rồi mất tất cả...
Khi con không nghe lời...
Khi Trần Thị Bích T., ở tù thì cũng là lúc chồng cô mang đơn đến làm thủ tục ly hôn. Còn gia đình bên ngoại cũng từ bỏ vì cho rằng việc cô phá sản, đi tù đã khiến người mẹ quẫn trí bỏ đi tu. Tâm sự với chúng tôi, cô bảo muốn câu chuyện về cuộc đời mình được đăng tải để mọi người, nhất là những bạn trẻ lấy những sai lầm, vấp ngã của cô làm bài học.
Trải lòng về cuộc đời mình, Trần Thị Bích T. bảo rằng, sau này có lẽ cô có gắng bao nhiêu đi chăng nữa cũng khó có thể lấy lại được cuộc sống như xưa. Ngồi đối diện với chúng tôi, khuôn mặt ưa nhìn, có phần sắc sảo là điều dễ nhận thấy ở người phụ nữ này, nhất là đôi mắt sáng và cái nhìn thẳng cho thấy cô là người rất năng động. T. nói chuyện rành rẽ và không giấu giếm. Cô kể hết về gia đình, bố mẹ, chồng con và cả chuyện đã lún chân vào con đường phạm pháp. Thậm chí, cả việc bị trầm cảm sau những thất bại trong làm ăn, cảm giác chơi vơi, mất thăng bằng như thế nào. Cô bảo chỉ còn ít ngày nữa, cô sẽ được ra trại và trở về với cuộc sống, trở về với cộng đồng. Nhưng nghĩ đến ngày về, T. bảo mình vẫn còn ngổn ngang lắm, chưa biết sẽ bắt đầu như thế nào.
Theo lời T. thì cô được sinh ra trong một gia đình công chức. Nhà có ba chị em, cô lại là con gái duy nhất trong nhà lại út ít nên được cưng chiều hơn. Hai người anh, theo lời khuyên của cha mẹ, trở thành những bác sĩ, kỹ sư. Chỉ có cô là không theo sự chỉ bảo của cha mẹ. Hỏi lý do, T. bảo không muốn làm giáo viên bởi đó là nghề lặp đi lặp lại, vừa nhàm chán vừa chẳng được mấy học sinh nhớ tới. Cô muốn bay nhảy, muốn kiếm được nhiều tiền và cuộc sống giàu sang, đầy đủ chứ không khép mình vào cuộc sống nhàn tản của một công chức.
Bi kich cua nguoi dan ba truot doc vi kiem tien bang moi gia
 Phạm nhân Trần Thị Bích T mong gia đình sẽ mở vòng tay thứ tha.
Tuy nhiên, để bố mẹ không cảm thấy mất mặt với thiên hạ, cô vẫn nộp hồ sơ thi ĐH nhưng khi đang học năm thứ 3 ĐH T. lợi, cô đã bỏ về. Lần bỏ học ấy, T. bị bố đánh cho một trận mà tới giờ nghĩ lại cô vẫn thấy đau buốt ở bắp chân. Nhưng vốn tính ngang bướng nên dù bị bố đánh cho không thể bò được, cô vẫn cương quyết không quay lại giảng đường. Ở nhà một năm thì T. lấy chồng, một anh thợ may có tiếng ở phố huyện.
Trước ngày lên xe hoa, cô được bố mẹ gọi vào phòng riêng nói chuyện. Mẹ bảo sẽ cho cô 2 cây vàng làm của hồi môn, còn bố bảo số tiền đó coi như để nuôi cô những năm học ĐH. Cô chọn con đường khác thì từ nay sẽ không có sự chi viện nào nữa. Hiểu tính bố một khi đã nói là làm, T. chỉ biết ngậm ngùi.
Về làm vợ anh thợ may nhưng bản tính là người thông minh năng động nên chỉ một thời gian ngắn cô đã biết cách phát huy lợi thế của mình. Cô không biết cắt may nhưng lại biết cách tư vấn cho khách nên cắt kiểu quần áo nào phù hợp với dáng người.
Khi đã tạo dựng được thương hiệu của tiệm may, cô bàn với chồng đặt địa điểm ở các xã để thu gom khách hàng một cách triệt để. Chồng cô là người trực tiếp đo, cắt còn việc may ráp thành sản phẩm sẽ thuê người về làm. Riêng cô, không chỉ lên mạng cập nhật mẫu mã mới mà mỗi khi lên Hà Nội lấy vải về may hàng cho khách, cô lại tranh thủ tạt vào những tiệm may lớn để “ăn cắp” nghề. Không dừng lại ở việc chờ khách tới đặt may quần áo, T. bàn với chồng may những bộ quần áo do cô tự thiết kế rồi đem ký gửi ở các shop thời trang, cửa hàng buôn bán quần áo trong khu vực.
Gần 30 tuổi cô trở thành bà chủ xưởng may với 30 máy may hoạt động hết công suất, chuyên may quần áo đổ buôn cho các đại lý, các shop quần áo ở TP. Ninh Bình và nhiều chợ trong tỉnh. Chưa kể gần chục hàng may ở các xã trong huyện, là chân rết may cắt hàng đặt của vợ chồng cô. Nhìn vào cuộc sống của vợ chồng cô với ô tô, nhà biệt thự, ai cũng ao ước. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, mọi thứ đã rời bỏ cô ra đi.
Mong được thứ tha...
Khi hay tin cô phá sản vì bong bóng bất động sản, mọi người kéo đến đòi nợ, giữ đồ đạc để trừ nợ. Trước cơn bão nợ nần, chồng cô dắt con vào Nam lánh nạn. Còn lại mình cô bơ vơ, không biết đi đâu, về đâu.
Trong cơn đói và mệt, cô đã lả đi và may mắn được một người đàn bà đơn thân thương tình, cho cô tá túc và cũng người đàn bà đó đã giúp cô dần lấy lại tinh thần sau những ngày trầm cảm. Thế nhưng, một lần nữa cô lại đánh mất lòng tin ở đây và nợ người phụ nữ ấy một ân tình.
Từ người phụ nữ ấy, T. trở thành người giúp việc cho những người chuyên lấy hàng quần áo từ Lào, Campuchia, Thái Lan về Việt Nam. Khi những chuyến đi Lào, Thái Lan để “áp tải” hàng đã trở thành hành trình quen thuộc, cô đã biết tranh thủ kiếm thêm bằng việc mua son phấn, túi, ví về đổ buôn cho các đại lý, shop mỹ phẩm. Cô nhẩm ngay được tiền lời mà chủ hàng nhận được sau mỗi chuyến đi. Cô cũng muốn làm ăn như họ, cũng muốn mỗi chuyến du lịch về có hàng sấp tiền lời nhưng ngặt nỗi không có vốn. T. bảo rằng, cô đã hồ đồ khi nghĩ rằng nếu kiếm được nhiều tiền, chuộc lại nhà cửa, tài sản thì chồng con sẽ quay về. Và cô không ngờ được thất bại lần 2.
Để có vốn buôn bán, thay vì hỏi vay người phụ nữ đã cho mình mối làm ăn, cô lén mua hồng phiến đem về nước. Lần đầu cô mua 50 viên nhưng để bán được nó, T. đã phải tìm mối mua và cách tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất, theo cô là lên sàn và cắn thuốc. Khi T. thông thạo việc bán ma túy thì cũng là lúc cô dính nghiện. Và rồi, khi đang bán “kẹo” tại một vũ trường, T. đã bị bắt và sau đó phải nhận bản án 7 năm 6 tháng về tội mua bán và sử dụng ma túy. Về trại giam Ninh Khánh cải tạo, nhưng điều cô không ngờ tới là chồng T., sau khi hay tin vợ đi tù đã đến thăm với lá đơn xin ly hôn...
Tâm sự với chúng tôi, T. bảo rằng điều đau đớn nữa đối với cô cũng vì mình mà mẹ phải đi tu. Mẹ cô đã không chịu nổi cú sốc do cô gây ra cho gia đình. “Giờ đây khi những thất bại cuộc đời đã cho em những đắng cay. Những ngày tháng trong trại giam, em đã thấm và ân hận. Chỉ mong rằng, sau này em ra trại, gia đình mở lòng đón nhận và tha thứ cho em một lần, để em có cơ hội quay về làm lại cuộc đời...”, phạm nhân Trần Thị Bích T. chia sẻ.
(Bài đăng trên ấn phẩm Hôn nhân & Pháp luật số 95 của Báo Đời sống & Pháp luật)
Theo Nguyên Vũ/Đời sống pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)