7.000 người Việt về từ các điểm nóng Covid-19: Việt Nam là an toàn nhất!

Google News

(Kiến Thức) - 7.000 người Việt về từ các điểm nóng Covid-19 đã minh chứng Việt Nam là nơi an toàn thời điểm này. “Nghĩa đồng bào”, đất nước dang rộng vòng tay nhưng cũng cần đặt ra vấn đề ngăn chặn dịch từ ngoài lan vào...

Việt Nam vẫn là nơi an toàn nhất
7.000 người Việt trở về từ các nước điểm nóng Covid-19 ở châu Âu và khu vực ASEAN cho thấy, công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua rất tốt, đạt được nhiều kết quả cao được quốc tế ghi nhận, người dân trong nước và kiều bào tin tưởng.
Trong lúc gian khó nhất của cuộc đời, nhiều công dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài đã về nước cho thấy không nơi nào bằng được quê hương và đối với họ, Việt Nam vẫn là nơi an toàn nhất trước diễn biến phức tạp của Covid-19 trên toàn thế giới.
Mới đây, dù theo công bố của Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận 76 ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, con số trên so với nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang kiểm soát, ngăn ngừa tốt.
Cụ thể, hiện Covid-19 đã lan đến 173 quốc gia với tốc độ nhanh ngoài sức tưởng tượng khi ca nhiễm bệnh đã lên tới 219.388 người mắc, 8.970 người tử vong.
Nhiều quốc gia có ca nhiễm và tử vong cao như Trung Quốc (80.929 người mắc; 3.245 người tử vong), Italia (31.506 ca nhiễm, 2.503 người tử vong); Iran (17.361 ca nhiễm, 1.135 ca tử vong); Tây Ban Nha (13.910 ca nhiễm, 623 ca tử vong)…
Trong khi đó, Việt Nam đã có ca nhiễm 76 nhưng đã chữa khỏi 16 ca và chưa có bệnh nhân nào tử vong.
7.000 nguoi Viet ve tu cac diem nong Covid-19: Viet Nam la an toan nhat!
 Lượng lớn người Việt trở về nước trong thời gian gần đây. 
Những con số thống kê trên cho thấy, dù hiện diễn biến tình hình Covid-19 trên thế giới rất phức tạp, nhanh hơn nhiều dự kiến của các chuyên gia thế giới nhưng Việt Nam vẫn đang hạn chế tốt số ca nhiễm mới.
Điều này thể hiện những nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia từ đầu tới nay là rất đúng đắn. Đồng thời cho thấy, năng lực quốc gia của Việt Nam trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp.
Trong suốt giai đoạn 1 phòng chống Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã chú trọng thực hiện nghiêm công tác phát hiện sớm, cách ly và dập dịch triệt để. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đạt được kết quả bước đầu quan trọng, toàn diện, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.
Việt Nam đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng với kết quả cả nước 22 ngày không có ca nhiễm mới, 16 ca nhiễm bệnh đều được điều trị khỏi hoàn toàn và hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Bước vào giai đoạn 2 với dự báo phức tạp, khó khăn khi tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam hội nhập sâu rộng, nguồn lây nhiễm dịch bệnh cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên “từ chiến thắng mở màn trong giai đoạn 1” các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng chuyển trạng thái từ việc tập trung ngăn chặn sang trạng thái ngăn chặn và giảm lây lan trong cộng đồng.
Với việc "Chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh", chúng ta vẫn tự tin sẽ chiến thắng dịch bệnh với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh" với ưu tiên vấn đề sức khỏe người dân là quan trọng nhất và điều quan trọng hơn “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đồng tâm, đồng sức tham gia chiến dịch phòng, chống dịch bệnh ở quy mô chưa từng có tiền lệ”.
Không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” để kiểm soát lây nhiễm, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh, quyết liệt nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của Covid 19 như thực hiện nghiêm việc hạn chế tối đa tụ tập đông người nhằm hạn chế lây nhiễm; đồng thời thực hiện nghiêm cách ly tập trung, cách ly tại các cơ sở, cách ly tại gia đình theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, nâng cao ý thức, trách nhiệm toàn dân…
Đặc biệt, để ngăn chặn sự lây lan của Covid 19, Việt Nam đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ ngày 18/3. Đồng thời, cách ly tập trung người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN, hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam…
Cùng với đó, chúng ta đã đặc biệt quan tâm, tăng cường năng lực y tế cả Trung ương và địa phương. Việt Nam có khoa học công nghệ, có đội ngũ y bác sĩ giỏi, có bệnh viện lớn, chuyên sâu đã từng chữa cho 16 người khỏi bệnh, ra viện. Hệ thống cơ sở y tế từ tuyến huyện, tuyến tỉnh đến trung ương đã được “kích hoạt” với tinh thần “phát hiện, cách ly, khoanh vùng và tập trung điều trị tại chỗ”.
Ngoài những chính sách quyết liệt mạnh mẽ để ngăn chặn đẩy lùi Covid 19, chúng ta cũng quan tâm rất nhiều đến cuộc sống của những người phải cách ly, từ bữa cơm hàng ngày đến chỗ ngủ không để ai phải thiếu thốn bất an. Đồng thời, dù kinh tế còn nhiều khó khăn, “túi tiền” ngân sách eo hẹp, Việt Nam vẫn miễn hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh, hỗ trợ chi trả chi phí tiền ăn đối với các trường hợp bị cách ly y tế. Hiếm ở quốc gia nào, người bị cách ly được ở những nơi sạch sẽ, được phục vụ những bữa cơm ăn chu đáo mỗi ngày, được cung cấp đồ dùng cá nhân như đi nghỉ dưỡng như ở Việt Nam.
“Đấy là nghĩa đồng bào”
Những dẫn chứng ở trên có thể lý giải vì sao người Việt Nam dù sang nước ngoài làm ăn, học tập, sinh sống nhưng khi bùng virus Corona chỉ nghĩ đến hồi hương như trường hợp rich kid Tiên Nguyễn. Khi nghi nhiễm, gia đình đã thuê hẳn một chuyên cơ tốn kém để đưa cô về nước vì tin tưởng vào nền y học Việt Nam. Một ví dụ gần đây hơn là trường hợp 7.000 người Việt Nam vừa về nước trong những ngày qua.
Dù biết rằng, lượng lớn người Việt Nam ở nước ngoài về nước là một thách thức không nhỏ trong kiểm soát dịch bệnh. Bởi đây cũng là nguồn virus corona “nhập khẩu” vào Việt Nam.
Tuy nhiên, như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây đã nói: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”.
Nhắc đến “nghĩa đồng bào” chúng ta hẳn vẫn còn nhớ mới đây, khi dịch bệnh mới bùng lên tại Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã nỗ lực đưa các công dân từ tâm dịch Vũ Hán về nước. Tổ bay của Vietnam Airlines cùng cả các y, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam đã không ngần ngại những khó khăn thử thách, sự sống và mối nguy hiểm lây lan sang đón các công dân về nước. Cũng bởi nghĩa đồng bào, Chính phủ đã nỗ lực đưa 39 thi thể tử vong tại Anh về quê hương. Đó chính là đạo lý, là tình người là một tinh thần “Thương người như thể thương thân” vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Những năm qua, người Việt đi sinh sống, làm ăn, học tập tại các quốc gia trên thế giới ngày một lớn do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng. Người Việt ở nước ngoài vẫn hướng về quê hương đất nước, hàng năm lượng kiều hối gửi về liên tục tăng, năm 2018 là 15,9 tỉ USD và năm 2019 là gần 17 tỉ USD. Trong khi du học sinh Việt ở nước ngoài cũng mong học xong sẽ về góp sức cho sự phát triển của đất nước.
Tất nhiên, họ là người Việt Nam, họ có quyền trở về nơi mà họ đã sinh ra, lớn lên. Có nhiều lý do để người Việt rời xa quê hương lập nghiệp nơi xứ người nhưng chỉ có một lý do để trở về trong thời điểm Covid-19 đang là nỗi ám ảnh của toàn thế giới như hiện nay: Vì quê hương là nơi an toàn nhất, ở đó có người thân thiết, nơi sẵn sàng chào đón, dang rộng vòng tay đón họ trở về, nơi có thể quan tâm, chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của họ. Như lời Thủ tướng mới đây đã nói: “Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước”.
Dù thực tế, lượng người từ nước ngoài trở về quá lớn, có ngày lên đến 7000 người như ngày 18/3 vừa qua khiến nhiều người dân lo ngại nguy cơ lây nhiễm, bùng phát Covid 19 từ những nguồn lây mới và thực tế mới đây, Chính phủ đã phải họp bàn thảo luận giải pháp kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh để ngăn chặn dịch từ ngoài lan vào trong nước.
Tuy nhiên, “Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể”. Bởi trong lúc “thiên tai, địch họa”, lúc khốn khó nhất trong cuộc đời, quê hương luôn là nơi tốt nhất, nơi an toàn nhất để trở về. Một phần vì Việt Nam là đất nước của họ, nơi đây có người thân luôn ngóng chờ họ trở về, một phần khác, do những kết quả đã làm được trong thời gian qua trong phòng chống, ngăn chặn, chữa trị Covid-19 khiến họ tin tưởng.
Biết rằng, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ một bộ phận người Việt ở nước ngoài về Việt Nam là hiện hữu khi thực tế có trường hợp như ca nhiễm 73 ở Hải Dương, biết rằng, đón lượng lớn người Việt trở về, chúng ta sẽ phải tốn thêm chi phí lớn cho ngân sách để hỗ trợ cách ly, điều trị nhưng vì “nghĩa đồng bào”, vì “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau của người Việt Nam, đất nước luôn mở rộng vòng tay chào đón những người con trở về. Lúc gian khó nhất cũng là cơ hội để nhân lên hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng, trân quý nhất.
Tuy nhiên, trở về nước, mong rằng những người Việt Nam từng sinh sống ở các quốc gia trên thế giới, nhất là vùng tâm dịch cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm với quê hương đất nước. Tự nguyện khai báo y tế thành khẩn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tránh giấu bệnh rồi lây nhiễm ra cộng đồng. Khi người dân cùng chung sức đồng lòng “chống dịch như chống giặc” mới hi vọng đẩy lùi, ngăn chặn Covid-19.
>>> Mời độc giả xem thêm video Toàn cảnh phòng chống Covid-19 ngày 18/3/2020:

Nguồn VTV 24.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)