“Tử huyệt” khiến sư Toàn mất chức, trắng tay

Google News

(Kiến Thức) - Sư Thích Thanh Toàn mắc nhiều vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế, Hiến chương Giáo hội đến mức phải xin xả giới, hoàn tục, bãi nhiệm chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng. Trong đó, nhà sư này đã phạm phải 2 "tử huyệt" dẫn đến vừa mất chức, vừa trắng tay.

Sự việc Đại đức Thích Thanh Toàn vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế và Hiến chương giáo hội đến mức phải xin xả giới, hoàn tục, bị bãi nhiễm chức trụ trì chùa Nga Hoàng, thậm chí trắng tay dù theo nhà sư này ông sở hữu khối tài sản lên đến 300 tỷ đồng. Nhìn lại toàn bộ diễn biến vụ việc trên, có thể thấy có hai tử huyệt khiến nhà sư Thích Thanh Toàn mất chức, thậm chí trắng tay.
Gạ tình nữ phóng viên
Những vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế và Hiến chương Giáo hội PGVN khiến sư Thích Thanh Toàn phải xin xả giới, hoàn tục được phát hiện từ việc cuối tháng 9 vừa qua, báo Phụ nữ TPHCM phản ánh việc một nữ phóng viên của báo này trong quá trình tác nghiệp viết bài điều tra tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), đã bị nhà sư Thích Thanh Toàn (khi đó là trụ trì chùa Nga Hoàng ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo) có hành vi "gạ tình".
Cụ thể, theo nội dung bài báo, Trụ trì chùa Nga Hoàng bị tố "đòi quan hệ tình dục", lấy tay vuốt vào phần nhạy cảm trên cơ thể nữ phóng viên, liên tục “gạ” phóng viên chat sex, đòi gửi hình ảnh hở hang...
Thậm chí, trong một ngày lễ trang trọng, hàng trăm Phật tử đội sớ lên đầu rước lễ Vu lan báo hiếu, sư Toàn đọc kinh dẫn đầu đoàn rước lễ nhưng sau đó lại có những lời nói khiếm nhã... đối với phóng viên. Cụ thể, theo lời bài viết, sau cuộc áp vong chữa bệnh, sư Toàn tranh thủ lúc nghỉ lễ, vắng vẻ, cứ lấy tay đụng chạm vào người phóng viên, mồm thì liên tục nói: “Vừa cúng xong mệt quá! Cho thầy xin tí khí”.
Trong một lần khác, khi đi xem đất trong đêm, theo nội dung bài viết, sư Toàn đã nhảy lên ô tô của nữ phóng viên, sau đó lao vào, đòi cởi quần áo nữ phóng viên để “quan hệ”. Khi không thể tấn công được nữa, sư thầy quay ra kéo quần, tự thỏa mãn mình trên ô tô.
“Tu huyet” khien su Toan mat chuc, trang tay
Nhà sư Thích Thanh Toàn và quang cảnh chùa Nga Hoàng. 
Ngay khi thông tin trên xuất hiện trên báo chí đã khiến dư luận phẫn nộ. Ngày 4/10, Trung ương Giáo hội PGVN có công văn số 275/CV-HĐTS ngày 04/10/2019 của Trung ương Giáo Hội PGVN về việc thi hành kỷ luật đối với Đại đức Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng.
Công văn nêu rõ, những ngày gần đây trên các báo và phương tiện truyền thông có những bài viết phản ánh về sự việc liên quan đến Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến bàn luận trong xã hội làm ảnh hưởng đến Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng. Căn cứ vào báo cáo của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Đảo và thông báo kết luận của Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Đại đức Thích Thanh Toàn đã vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế và Hiến chương Giáo hội.
Giáo hội PGVN đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ Hiến chương Giáo hội và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thi hành kỷ luật Đại đức Thích Thanh Toàn và báo cáo bằng văn bản gửi gấp về Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để có cơ sở làm việc với cơ quan, ban ngành ở Trung ương.
Thực hiện chức năng và quyền hạn của Ban Trị sự tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 5/10, Chư tôn đức Thường trực BTS PG Tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức phiên họp chính thức chỉ ra các khuyết điểm sai phạm của Đại đức Thích Thanh Toàn trong thời gian trụ trì chùa Nga Hoàng cũng như sự việc xảy ra theo tờ báo Phụ Nữ Online đưa tin.
Tại buổi họp Đại đức Thích Thanh Toàn một lần nữa nhận thấy các khuyết điểm, lỗi lầm của mình vi phạm nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến Giáo hội và Tăng đoàn. Đại đức Thích Thanh Toàn đã thành tâm phát nguyện sám hội Đại Tăng và xin có tờ trình xả giới hoàn tục, bàn giao chùa Nga Hoàng cho Giáo hội Tỉnh quản lý.
“Trong thời gian qua, con đã có làm một số việc ảnh hưởng đến Giáo hội và con cảm thấy không xứng đáng làm một người đệ tử xuất gia. Nay con làm đơn này xin xả giới và hoàn tục, đồng thời con cũng xin giao chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc quản lý”, sư Toàn viết trong đơn tường trình.
Ngày 7/10, Hoà thượng Thích Thanh Duệ, Trưởng Ban Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định về việc bãi nhiệm chức danh trụ trì và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng đối với Đại đức Thích Thanh Toàn. Đồng thời, quyết định cho Đại đức Thích Thanh Toàn xả giới hoàn tục và giao cho Ban Tăng sự thuộc Ban Trị sự PGVN tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành các thủ tục xả giới hoàn tục theo Luật Phật chế; Thu hồi các giấy tờ do Giáo hội cấp.
Đáng chú ý, mới đây, trong một clip được đăng tải, khi nói về vụ việc mình bị tố “gạ tình”, sư Toàn khiến cộng đồng mạng bàng hoàng khi khẳng định: “Mình làm mình chịu, đàn ông không sợ gì”. “Nếu muốn lấy vợ bây giờ lấy vợ thoải mái không sợ gì cả. Ăn chơi thoải mái không sợ gì cả. Mặc áo cà sa này họ mới "chơi" còn không bình thường không ai nói được”.
“Thánh chém” khoe có 200, 300 tỷ…nguy cơ trắng tay
Không chỉ bị mất chức, sư Thích Thanh Toàn còn có nguy cơ trắng tay khi “chém gió” sở hữu khối tài sản lên đến 300 tỷ đồng.
Trước khi bị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc bãi nhiệm chức danh trụ trì chùa Nga Hoàng, sư Toàn đã viết tờ trình xin xả giới và hoàn tục nhưng mong muốn được giữ lại tài sản cá nhân.
Trong một đoàn clip được đăng tải, sư Thích Thanh Toàn xin giữ lại tài sản cá nhân. Sư Toàn giải thích rằng mua trang trại không phải cho riêng mình, để nuôi các cháu ăn học và làm từ thiện cho bệnh viện và nói rằng: “Trang trại quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai hay chuyển như thế nào. Nếu tính tài sản bây giờ cũng khoảng 200-300 tỷ đấy”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV ngày 9/10, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Giáo hội nhận được báo cáo cho thấy, nhà sư Thích Thanh Toàn tự mua hơn 6.000 m2 đất xung quanh chùa Nga Hoàng của người dân. Tuy nhiên, đất này chưa được chuyển nhượng theo Luật Đất đai nên UBND huyện Tam Đảo đã ra thông báo đề nghị giao lại toàn bộ diện tích đất nói trên cho UBND xã Hợp Châu quản lý.
>>> Mời độc giả xem clip đại đức Thích Thanh Toàn sám hối và khoe tài sản trị giá 200-300 tỷ đồng:
  
Nói về thỉnh nguyện sở hữu tài sản của sư Thích Thanh Toàn, Thượng tọa Thích Đức Thiện, dù có đúng theo Luật Đất đai nhưng theo Luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì họ đang sử dụng đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn). Đến khi vị tỳ kheo mất đi, ngay cả tài sản trên mình gồm 3 tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định.
Căn cứ Hiến chương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội như chùa chiền, cơ sở tôn giáo. Căn cứ theo Nội Quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản, Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện, chùa địa phương, cao nhất là Giáo hội.
Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ là sau khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện, tức thuộc Tăng. Sư Toàn sở hữu tài sản cho mục đích hoạt động của cơ sở tự viện, tài sản vẫn thuộc về Tăng, thuộc về Giáo hội và Giáo hội có quyền định đoạt tài sản đó.
Do vậy, việc sư Toàn lý luận do công đức cá nhân thì cá nhân thuộc về Tăng. Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Việc đề nghị là việc của sư Toàn, còn quyết định là việc của Giáo hội.
Theo đó, nếu việc mua bán hơn 6.000 m2 đất là hợp pháp, tài sản này cũng thuộc về chùa Nga Hoàng và phải bàn giao lại cho Ban trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc. Còn tất cả tài sản mà sư Toàn kê khai, sau khi xác minh cũng do Giáo hội quyết định chứ không có việc sư Toàn sau khi hoàn tục sẽ được hưởng.
Trao đổi với báo chí sáng 10/10, Đại đức Thích Tâm Vượng - Phó Ban trị sự kiêm chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cái khó mà Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đang phải đối mặt để giải quyết khối tài sản của sư Thích Thanh Toàn sau khi ông này xin xả giới hoàn tục, giữ lại tài sản cá nhân. Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tuân thủ theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nhưng trước tiên phải xác định được cụ thể hiện trạng của tài sản, tính pháp lý của tài sản đó hiện nay thế nào, tài sản đó có thật hay không, làm rõ giá trị 300 tỷ có thật hay không.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)