Tiềm năng năng lượng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC)

Google News

Theo Báo cáo Lộ trình điện gió ngoài khơi tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng đạt được công suất gió ngoài khơi từ 11GW đến 25GW cho đến năm 2035, có thể tạo ra tới 700.000 việc làm mỗi năm và giảm thiểu được 217 triệu tấn khí thải CO2.

Báo cáo năm 2024 của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) vừa qua đã đã nêu bật tiềm năng của điện gió ngoài khơi đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Cụ thể, báo cáo năm 2024 của GWEC dự đoán một nửa công suất điện gió ngoài khơi được lắp đặt trên toàn thế giới trong 10 năm tới sẽ tập trung ở khu vực này.

Ngoài ra, GWEC cũng ước tính Việt Nam có khoảng 600 GWh điện gió chưa khai thác, gồm 300 GWh điện gió ngoài khơi và 300 GWh điện gió trên bờ.

Nội dung chú thích ảnh

Giám đốc mảng Năng lượng Tái tạo của RSK – ông Peter Gettinby tại các hội nghị về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi tổ chức tại Manila, Đài Bắc, Singapore, Seoul, Busan, Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội đã chia sẻ: 'Chỉ riêng năm 2023, chúng ta đã chứng kiến nhiều sáng kiến đột phá quan trọng tại nhiều thị trường, trong đó có khu vực APAC, có thể kể đến Việt Nam ban hành Quy hoạch Phát triển Điện VIII, đặt ra mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi (ở Việt Nam) đạt 6GW vào năm 2030 và đến năm 2050, con số này sẽ lên đến 70-91,5 GW. Dự kiến đến năm 2035, sẽ có khoảng 450 tuabin gió ngoài khơi cỡ lớn vận hành tại Việt Nam, được lắp đặt trong khoảng 10 trang trại gió ngoài khơi móng cố định và một hoặc hai trang trại gió móng nổi.

Ngoài ra, còn có Bangladesh đã công bố kế hoạch xây dựng dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của nước này. Hàn Quốc cấp giấy phép kinh doanh điện gió ngoài khơi (EBL) cho công suất hơn 20,8 GW và đang phát triển hệ thống 'kép' cho phát triển điện gió ngoài khơi. Philippines đang tiến tới phiên đấu giá năng lượng xanh đầu tiên cho điện gió ngoài khơi'.

Tuy nhiên, một số thị trường vẫn chưa có chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường rõ ràng, đồng thời cần thêm định hướng về quy hoạch không gian biển, cho phép hay chấp thuận để các tổ chức/ doanh nghiệp sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi. Nhưng với đà phát triển hiện tại, các chính sách hiệu quả để đưa điện gió ngoài khơi vào thị trường hoàn toàn có thể được triển khai nhanh chóng trong tương lai gần.

Giám đốc Vận hành RSK khu vực APAC - bà Jessica Finch nói thêm rằng ngành điện gió ngoài khơi đang có nhu cầu lao động lớn, mở ra nhiều cơ hội việc làm và chuyển đổi việc làm từ các ngành nghề không còn cần thiết. Theo Báo cáo Lộ trình điện gió ngoài khơi tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng đạt được công suất gió ngoài khơi từ 11GW đến 25GW cho đến năm 2035, có thể tạo ra tới 700.000 việc làm mỗi năm và giảm thiểu được 217 triệu tấn khí thải CO2. Do đó, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang sở hữu tiềm năng rất lớn để Việt Nam tiếp tục phát triển hơn nữa về năng lượng tái tạo cũng như cung cấp thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Bình luận(0)