Triều Tiên chế tạo đầu đạn hạt nhân cho tên lửa?

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi phóng vệ tinh vào tháng 12/2012, Bình Nhưỡng có thể đang tiến gần tới việc sản xuất đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp lên tên lửa.

Tên lửa lắp đầu đạn hạt nhân

Nghi vấn này vẫn còn là dấu hỏi chưa có lời giải giống như nhiều vấn đề trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. "Đó là một câu hỏi vượt quá khả năng của hệ thống theo dõi, giám sát của các nước liên quan. Ý đồ của Triều Tiên khi thực hiện các hành động đó không rõ ràng để nước khác nhìn ra và chỉ có vài người ở Triều Tiên mới biết chính xác", ông Daniel Pinkston, một chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận định.

Theo một báo cáo năm 2009 của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, họ nghi ngờ Triều Tiên “có thể có một nơi bí mật nào đó chứa 6-12 đầu đạn hạt nhân, hoặc ít nhất là các thiết bị nổ"; nhưng cũng lưu ý rằng, các đầu đạn được chia ra để cho dù xảy ra bất kỳ tình huống nào thì số vũ khí này cũng sẵn sàng được sử dụng. Chúng có thể đủ nhỏ để được gắn vào tên lửa và đủ “bền” để chịu được các mối nguy hiểm của các chuyến bay.

"Rõ ràng Triều Tiên sử dụng những công nghệ tiên tiến nhưng các hệ thống đó còn gặp môt số thách thức về mặt kỹ thuật. Để có thể làm chủ các công nghệ này, chúng phải trải qua một số cuộc thử nghiệm”, ông Pinkston nhận định.

Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của cố lãnh đạo Kim Jong Il, Triều Tiên phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo;  báo hiệu rằng tên lửa tầm xa của Triều Tiên có thể “chạm” Mỹ. 

Nổ bom hạt nhân?

Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua một nghị quyết tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi nước này phớt lờ mọi cảnh báo của cộng đồng quốc tế khi phóng tên lửa mang theo vệ tinh vào tháng 12/2012. 

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, giới chức Bình Nhưỡng đáp trả bằng một "tuyên bố chiến tranh" và đe dọa thử tên lửa tầm xa hơn nữa, cũng như sẽ thử nghiệm một vụ nổ hạt nhân. Đây được coi là một giai đoạn mới của cuộc đối đầu giữa Triều Tiên với Mỹ.

"Đó sẽ là lần nổ bom hạt nhân dưới lòng đất thứ 3 của Triều Tiên, sau hai lần thử nghiệm trước đó vào năm 2006 và 2009. Khi đó, máy ghi địa chấn có thể xác nhận Triều Tiên thử hạt nhân dưới lòng đất hay không. Tuy nhiên, kích thước và năng lượng thoát ra từ vụ nổ hạt nhân cũng sẽ rất khó được xác định chính xác”, ông Pinkston nhận định.

"Theo tôi thì Triều Tiên hầu như không che giấu một cuộc thử nghiệm hạt nhân trước máy ghi địa chấn. Tuy nhiên, việc xác định chính xác về cuộc thử nghiệm hạt nhân như thế nào rất khó khăn và nó diễn ra ở đâu là điều không dễ dàng", ông Pinkston nói thêm.

Chuyên gia ước tính, kích thước hoặc năng lượng được giải thoát từ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên năm 2009 từ 2,5 kiloton đến 6 kiloton, nhỏ hơn quả bom Mỹ  thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản là 16 kiloton.

Cùng với nỗi ám ảnh của thế giới về việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, thường thử nghiệm tên lửa... là nguy cơ công nghệ nguyên tử của Bình Nhưỡng thúc đẩy thị trường chợ đen. Nếu Bình Nhưỡng thực hiện thành công, họ có thể trở thành nước cung cấp công nghệ, nhiên liệu... cho các nước có chung tham vọng.

ĐANG ĐỌC NHIỀU
TIN LIÊN QUAN
Nhật Anh

Bình luận(0)