Mỹ nâng cấp tiêm kích F-15, Nga “vỗ tay” khen ngợi

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia Nga đều đồng tình rằng người Mỹ cần thực hiện chương trình nâng cấp tiêm kích F-15 thay vì đầu tư cho F-22 hay F-35.

Bộ Quốc phòng Mỹ tuần trước xác nhận họ sẽ chi ra 12 tỷ USD để nâng cấp dòng máy bay tiêm kích F-15 Eagle vốn ra đời từ thập niên 1970. Đây vốn là máy bay mà Mỹ dự định cho nghỉ hưu để thay thế bởi chiến đấu cơ F-22 Raptor thế hệ mới hơn. Về phần mình, các chuyên gia Nga liền mỉa mai rằng, đây có thể là động thái thông minh nhất của Lầu Năm Góc đã đạt được trong những năm gần đây.
Đại diện không lực Mỹ phát biểu với CNN tuần trước rằng, gói nâng cấp trị giá 12 tỷ đô cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 chiếm ưu thế trên không F-15, sẽ bao gồm việc trang bị cho 435 chiếc máy bay thế hệ radar mới, cập nhật phần mềm và nâng cấp máy tính cùng các cảm biến theo dõi hồng ngoại hiện đại. Từ đó cho phép máy bay có thể phòng thủ tốt hơn trong môi trường chiến tranh điện tử, đồng thời nhờ hệ thống thông tin liên lạc mới, các máy bay có thể nâng cao hơn sự phối hợp với nhau trong tác chiến.
My nang cap tiem kich F-15, Nga
 Tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15 phóng tên lửa AIM-7.
Ban đầu Không quân Mỹ dự định loại bỏ hoàn toàn phi đội tiêm kích F-15 vốn đã lớn tuổi để thay thế bằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-22 Raptor đã đi vào sản xuất loạt từ năm 2005. Tuy nhiên, việc sản xuất máy bay đã bị dừng lại vào năm 2009 khi mà chỉ có 188 chiếc được xuất xưởng thay vì 749 chiếc như kế hoạch ban đầu.
Cũng theo Boeing, một số máy bay F-15 sau nâng cấp còn có thể mang gấp đôi số tên lửa hiện tại, từ 8 lên tới 16 tên lửa. Việc nâng cấp F-15 cho phép chiến đấu cơ này tiếp tục phục vụ cho đến tận năm 2040, dự kiến việc nâng cấp sẽ diễn ra trong khoảng thời gian giữa năm 2024 tới 2030.
Theo Defense News, Mỹ đang có tổng cộng 1.971 phi cơ chiến đấu và tấn công bao gồm các loại A-10, F-15, F-16, F-22 và F-35A, và họ cần ít nhất 1.900 chiếc luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Gần đây, Lầu Năm Góc cũng bày tỏ lo ngại về việc giảm số lượng máy bay chiến đấu trong đội bay của Không quân Mỹ. Việc các máy bay nghỉ hưu không tìm được sự thay thế, trong khi F-22 đã dừng sản xuất, để nhường chỗ cho F-35, chiếc máy bay được giới thiệu sau nó 6 năm.
Bình luận về quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc nâng cấp mới các máy bay, các chuyên gia quân sự Nga thừa nhận với tờ Tin tức trực tuyến độc lập SvobodnayPressa rằng, có thể Bộ Quốc phòng Mỹ đã chọn phương án tốt nhất để nâng cao sức mạnh của không quân.
My nang cap tiem kich F-15, Nga
 F-15 có lịch sử sáng chói kể từ khi đưa vào hoạt động.
Tiêm kích F-15 gợi cho chúng ta nhớ lại về một dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 đã giành được hơn 100 chiến thắng trên không. Chiếc máy bay đã cho thấy tiềm năng của việc hiện đại hóa rất lớn chỉ ngay sau khi chúng đi vào hoạt động vài thập niên, những nâng cấp sửa đổi dẫn tới việc ra mắt của biến thể hiện đại chiếm ưu thế trên không F-15C, và biến thể đa nhiệm F-15E, các máy bay đã lần lượt được nâng cấp vào năm 2007. Trước sự chậm chễ của chương trình F-35, các quyết định về việc nâng cấp F-15 đã được thúc đẩy, kể từ đó chúng ta không thấy có nhiều sự thay đổi, được biết Bộ chỉ huy Không quân Mỹ mới chỉ công bố sự sẵn sàng chiến đấu của F-35 vào tháng trước.
Do đó, tờ Svobodnaya Pressa lưu ý: “Câu hỏi được đặt ra là: Mức độ nâng cấp sẽ được thực hiện như thế nào, để cho ra mắt biến thể F-15 hiện đại hoạt động trong giai đoạn 2024-2040, và chúng có thể đối chọi với không quân Nga?”.
Để trả lời cho câu hỏi này, trang tin đã chuyển đến một số chuyên gia quân sự, trong đó có trung tướng Valery Gorbenko. Tướng Gorbenko nhớ lại, ban đầu MiG-29 được thiết kế để chống lại F-16, trong khi Su-27 được thiết kế để đối trọng với F-15. Tuy nhiên, nếu chúng ta phân tích những phát hiện của các chuyên gia nước ngoài, chúng ta có thể kết luận rằng, hiện đại hóa dựa trên nền tảng máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba gần như là tốt bằng với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 khi chưa nâng cấp. Các lĩnh vực nâng cấp bao gồm radar hiện đại, hệ thống điện tử tiên tiến, các máy bay thế hệ thứ 4 có thể dễ dàng bị hạ bởi các máy bay thế hệ trước đó được nâng cấp.
My nang cap tiem kich F-15, Nga
 Khung thân máy bay có thể tăng tuổi thọ, lắp các thiết bị điện tử mới vào.
Theo đó, ông Gorbenkocho rằng, từ một chiến đấu cơ F-15 có một động cơ hiệu quả và khung máy bay tốt, trong tương lai nó có thể được nâng cấp hệ thống điện tử tân tiến mới và vũ khí hiệu quả - những thứ sẽ được hoạch định để lắp đặt cho chúng.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh: “Khung thân của một chiếc máy bay có thể kéo dài tuổi thọ hoạt động trong thời gian dài. Vấn đề thường được bắt nguồn từ các động cơ, nhưng nếu tuổi thọ động cơ cho phép, việc lắp đặt các thiết bị điện tử mới cho phép biến máy bay thành một biến thể tương đối hiện đại. Trong không chiến tầm xa, khung máy bay đóng một vai trò gián tiếp, điều chính yếu là hệ thống điện tử tốt để có thể phát hiện, theo dõi và tấn công đối phương ở đằng xa”.
Về phần mình, khi được hỏi, đại tá không quân Vladimir Karyakin-một giảng viên tại Đại học Quân sự của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, theo thông tin đã được công bố về việc hiện đại hóa F-15, trong đó bao gồm trang bị một radar mảng pha chủ động AESA mới, lắp đặt hệ thống cảnh báo nguy hiểm sớm EPAWSS do Bae Systems phát triển, và trang bị hệ thống thông tin liên lạc HATE Talon, hệ thống này có thể giao tiếp an toàn với F-22 (vốn được trang bị kênh giao tiếp riêng), hơn nữa các báo cáo lan truyền cũng cho thấy máy bay nâng cấp được tăng tải trọng vũ khí và nhiên liệu.
Ông này nói thêm rằng, việc thận trọng nâng cấp máy bay F-15 chắc chắn là một chiến lược tốt hơn so với việc tạo ra những sản phẩm mới đắt đỏ.
“Việc hiện đại hóa những dòng máy bay trong thời gian gần đây được chứng minh là một xu hướng mới của Mỹ. Ví dụ, trong năm 2015, Lầu Năm Góc đã thông báo sự trở lại của các máy bay ném bom B-1B Lancer siêu âm trong vai trò máy bay tác chiến toàn cầu của Không quân Mỹ. Và ngay sau đó Boeing đã nhận được đơn hàng nâng cấp để tiếp tục sự hoạt động tích cực của máy bay B-1B vốn đã hoạt động từ năm 1985, không những thế những chiếc B-52 phục vụ từ những năm 1955 cũng được hiện đại hóa để đưa chúng vào hoạt động phù hợp với thời đại kỹ thuật số”.
Do đó, cựu giảng viên, đại tá Karyakin cũng giải thích thêm rằng: “Việc hiện đại hóa các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 là một cách tiếp cận hợp lý để điều hành phi đội chiến đấu cơ của Không lực Mỹ, bởi nó không chỉ đơn giản về chi phí khai thác, mà còn các vấn đề xảy ra đối với các máy bay chiến đấu quá hiện đại thế hệ thứ 5 như thực tế đã chứng minh qua kết luận chỉ ra rằng, phi công sẽ mất 40% hiệu quả chiến đấu khi điều khiển máy bay mới cho tới khi họ có thể thành thục sử dụng chúng.
My nang cap tiem kich F-15, Nga
 Khi phải đối đầu với địch thủ kém về không quân thì việc điều các tiêm kích F-22, F-35 là không cần thiết. Trong trường hợp này, F-15 là lựa chọn khả thi nhất.
Theo Karyakin dẫn giải, trong các cuộc xung đột, đặc biệt là xung đột cường độ cao, số lượng máy bay được điều động vào không chiến sẽ đóng một vai trò quan trọng, do đó, logic lấy “số lượng nhiều bù vào chất lượng kém” vẫn đúng ngay trong cả chiến tranh hiện đại. Thậm chí có những dấu hiệu cho thấy Không quân Mỹ có thể trang bị những công nghệ của máy bay thứ 5 F-22 cho máy bay thứ 4 F-15, như vậy, khả năng chiến đấu của F-15 sẽ nâng lên một tầm cao mới.
Trong khi đó, Andrei Frolov, tổng biên tập của tạp chí Arms Export lại cho rằng, việc nâng cấp phi đội F-15C của Không quân Mỹ sẽ là một động thái thận trọng, còn nếu thay thế phi đội này bằng máy bay thế hệ thứ 5 F-22 tuy hiệu quả, nhưng sẽ làm ngân khố đất nước bị đổ bể. Điều này đặc biệt đúng trong một số tình huống chiến đấu, khi F-22, F-35 đối đầu với một bên không có hệ thống phòng không và không quân hiệu quả, việc điều động máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là quá mức cần thiết. Hơn nữa, theo Frolov, F-15 sau nâng cấp sẽ nhiều khả năng được dùng nhiều cho việc bảo vệ cơ sở hạ tầng hành chính và kinh tế bên trong biên giới quốc gia.
Cuối cùng, đại tá MikhaiKhodarenok, cựu giám đốc điều hành thứ nhất thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga nhấn mạnh rằng, ông tin rằng quyết định của Lầu Năm Góc dựa trên một thực tế là công nghệ radar của Nga đã có hiệu quả, và công nghệ tàng hình của Mỹ đã lỗi thời.
“F-22 và F-35 đã chứng minh là quá đắt đỏ và hiệu quả của chúng trong chiến đấu thực sự có vấn đề, bởi vì họ cá cược vào việc tránh được tầm nhìn của radar là vô lý”, ông Khodarenok nói.
"Đúng là trong băng tần S-band, bề mặt phản chiếu của máy bay tàng hình F-117A Nighthawk đã giảm rất mạnh trên radar. Nhưng nó vẫn cũng có thể nhìn thấy bằng radar trong dải tần VHF, đây vốn là radar xương sống được sử dụng bởi quân đội Nga, trong khi đó ngay cả tầm nhìn trong S-band, radar vẫn có thể bắt được tín hiệu máy bay tàng hình và có thể dẫn bắn tiêu diệt nó. Vì vậy nếu khung máy bay cho phép, thì việc hiện đại hóa F-15 có lẽ là hợp lý, trong không chiến hiện đại, kết quả phần nhiều được quyết định bởi hệ thống điện tử mà máy bay trang bị”, ông này kết luận.
Việt Hùng

Bình luận(0)