|
Nga thử nghiệm tên lửa siêu thanh Yu-71 ngày 26/2. Ảnh: Ibtimes |
Theo Ibtimes, Nga đang phát triển một tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân để xuyên thủng mọi lá chắn hiện có. Vũ khí mới nằm trong chương trình hiện đại hóa lực lượng tên lửa chiến lược của Nga.
Trong các chương trình phát triển vũ khí mới của Moscow, giới phân tích quân sự phương Tây đặc biệt quan tâm đến tên lửa siêu thanh Yu-71. Nó thuộc dự án 4202 được phát triển bí mật trong nhiều năm. Theo Jane’s Defence Weekly, tên lửa mới có tốc độ Mach 10 (khoảng 11.200 km/h). Nga đã tiến hành 4 vụ thử nghiệm với Yu-71, lần bắn thử gần nhất diễn ra ngày 26/2.
Yu-71 được lắp bên trong tên lửa liên lục địa UR-100N (SS-19) để đưa nó lên không gian. Sau đó, tên lửa sẽ tách khỏi phương tiện mang phóng và trở lại trái đất với tốc độ gần như không thể đánh chặn. “Vũ khí này sẽ giúp Nga có khả năng tấn công quy mô nhỏ trên các mục tiêu có giá trị cao”, trích dẫn nhận xét của Ibtimes.
Mối họa với Washington
|
Máy bay ném bom chiến lược PAK DA sẽ có khả năng mang vũ khí siêu thanh, điều đó khiến phi cơ này trở nên đặc biệt nguy hiểm với nước Mỹ. Ảnh đồ họa: Theaviationist |
Phát triển vũ khí siêu thanh đang trở thành xu hướng mới trong nỗ lực khẳng định sức mạnh quân sự giữa các nước lớn. Nga, Mỹ và Trung Quốc đang ra sức chạy đua trong cuộc chiến công nghệ siêu thanh. Bên cạnh đó, việc Washington thiết lập lá chắn tên lửa toàn cầu đến sát biên giới đang đe dọa khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Moscow.
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga có hệ thống mồi bẫy khá tinh vi, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ. Moscow cần một vũ khí có khả năng vượt qua lá chắn phòng thủ. Tốc độ chính là mấu chốt trong vấn đề chọc thủng hệ thống đánh chặn.
Một vũ khí có tốc độ siêu thanh chính là chìa khóa để vượt qua lá chắn. Điều đó đã thôi thúc Nga chi tiền phát triển phương tiện chiến tranh đặc biệt này. Nếu không thể xuyên thủng lá chắn tên lửa, Nga khó lòng thiết lập cán cân quân sự với Mỹ.
Theo Jane’s Defence Weekly, Moscow bắt đầu phát triển khái niệm vũ khí siêu thanh từ những năm 1980. Tuy nhiên, tình hình khó khăn sau khi Liên Xô tan rã khiến chương trình bị gián đoạn. Từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền và nền kinh tế hồi sinh, chương trình đã được nối lại.
Nhà phân tích quân sự Zachary Keck thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhận xét, điểm đáng sợ của Yu-71 là tốc độ cực nhanh cùng khả năng linh hoạt cao. Các nhà thiết kế Nga thiết lập cho tên lửa quỹ đạo bay rất khó lường để né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa. Mặt khác, vũ khí siêu thanh của Nga sẽ mang đầu đạn hạt nhân chứ không phải thuốc nổ thông thường khiến nó đặc biệt nguy hiểm.
Nga dự kiến đưa vào biên chế khoảng 24 tên lửa siêu thanh Yu-71 trong giai đoạn 2020 đến 2025, theo Sputnik. Thời điểm đó, Moscow có thể đã hoàn thành chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat để làm phương tiện mang phóng cho Yu-71.
Robert Farley, trợ lý giáo sư tại Trường Thương mại và Ngoại giao quốc tế Patterson nhận định, nhiều khả năng máy bay ném bom tàng hình trong chương trình PAK DA của Nga sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh. Điều đó mang lại cho Moscow thêm một “át chủ bài” để thiết lập sức mạnh răn đe chiến lược. Bên cạnh Yu-71, Nga hợp tác với Ấn Độ trong chương trình phát triển tên lửa siêu thanh BrahMos II.
Một quan chức của liên doanh BrahMos Aerospace Private cho biết, BrahMos II sẽ đạt tốc độ khoảng Mach 7 (8.575 km/h), tầm bắn khoảng 300 km. Tên lửa mới có thể phóng từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng trên đất liền, đem lại lợi thế chiến thuật rất cao.
Như vậy, với hai chương trình phát triển vũ khí siêu thanh tiến hành song song, Moscow đang có trong tay nhiều lựa chọn để uy hiếp hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Nga sẽ sử dụng vũ khí siêu thanh như một quân bài để mặc cả với Mỹ trên bàn đàm phán kiểm soát vũ khí trong chương trình phòng thủ và tấn công toàn cầu của Washington, nhà phân tích Jeffrey Scott Shapiro của tờ Washington Times nhận xét.