F-35B “lỗi tùm lum”, Mỹ níu kéo AV-8B Harrier

Google News

(Kiến Thức) - Trước sự chậm trễ của chương trình tiêm kích F-35B, Mỹ bắt buộc nâng cấp duy trì máy bay chiến đấu AV-8B Harrier trên các tàu tấn công đổ bộ.

Theo trang tin Strategypage, lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ đang có kế hoạch nâng cấp số lượng lớn trong tổng số 140 cường kích cơ phản lực AV-8B Harrier. Điều này nhằm tiếp tục duy trì sự phục vụ của AV-8B cho đến năm 2030 (thay vì năm 2027 như dự tính ban đầu).

Hiện nay, trên các tàu tấn công đổ bộ có boong phóng máy bay của Hải quân Mỹ sử dụng rất nhiều cường kích phản lực AV-8B. Sở dĩ loại này có thể hoạt động trên boong phóng chật hẹp của tàu đổ bộ là nhờ đặc tính cất hạ cánh thẳng đứng như trực thăng.

Chương trình phát triển tiêm kích F-35B cũng có đặc tính tương tự AV-8B, thậm chí nó còn nổi trội hơn với khả năng tàng hình, hệ thống điện tử mạnh hơn. Tuy nhiên, dự án F-35B gặp một số vấn đề kỹ thuật bắt buộc phải trì hoãn thêm ít nhất 2 năm. Chính vì lẽ đó, người Mỹ buộc phải tính tới phương án tiếp tục dùng AV-8B.
Chậm trễ chương trình F-35B buộc Mỹ phải tiếp tục duy trì AV-8B Harrier.

Kế hoạch nâng cấp cũng vấp phải không ít khó khăn vì việc sản xuất máy bay này đã ngừng vào năm 1997, hoạt động nâng cấp lớn cũng ngừng vào năm 2003. Rất may cho Quân đội Mỹ, 3 năm trước, Hải quân Anh đã cho 74 chiếc BAE Sea Harrier (thiết kế tương tự AV-8B) nghỉ hưu như một biện pháp cắt giảm chi phí. Loại máy bay này được đưa vào niêm cất, bảo trì để sẵn sàng hoạt động trở lại. Người ta hi vọng rằng sẽ tìm được một khách hàng quan tâm đến loại máy bay này.

Ban đầu, Lính thủy Đánh bộ Mỹ đã không quan tâm đến Sea Harrier, bởi vì họ sắp có những chiếc F-35B để thay thế. Thế nhưng F-35B có quá nhiều chậm trễ và thậm chí còn bị đe dọa hủy bỏ. Điều này dẫn đến việc Mỹ mua lại máy bay Sea Harrier của Anh và phụ tùng thay thế. Nếu không có sự bổ sung các thiết bị phụ tùng từ Anh, máy bay AV-8B của Mỹ chỉ tồn tại tới khoảng năm 2020.

Hiện tại, hầu hết các máy bay AV-8B của Anh đang được phía Mỹ tháo dỡ lấy phụ tùng thay thế. Tuy thiết bị điện tử 2 loại khác nhau nhưng một số thành phần vẫn có thể được hoán đổi cho nhau. Theo một số nguồn tin, Quân đội Mỹ đã trả 180 triệu USD cho số của phụ tùng thay thế và các máy bay đã ngừng hoạt động của Anh.

Mỹ không phải là nước duy nhất gặp vấn đề trong việc duy trì lực lượng máy bay Harrier của họ. 5 năm trước, nước Anh đã bán 4 máy bay Sea Harrier cho Ấn Độ để lấy phụ tùng thay thế. Hiện nay, Không quân Hải quân Ấn Độ duy trì 15 chiếc tiêm kích BAE Sea Harrier trang bị trên tàu sân bay hạng nhẹ INS Viraat.
AV-8B Harrier hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ Hải quân Mỹ.

Máy bay cường kích AV-8B Harrier được thiết kế để hoạt động trên các tàu sân bay hạng nhẹ, tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn. Các tàu này đều có boong phóng máy bay nhưng chiều dài đường băng ngắn, không có máy phóng, các tiêm kích thông thường khó có khả năng cất cánh hay hạ cánh.

Vì thế AV-8B Harrier với kết cấu động lực đặc biệt cho phép chiếc máy bay có thể cất cánh và nhất là hạ cánh thẳng đứng hoàn toàn giống trực thăng hoàn toàn hoạt động tốt trên các loại tàu đó. Tuy nhiên, AV-8B chỉ có khả năng đạt tốc độ bay cận âm 1.083km/h.

AV-8B Harrier có khả năng mang tới 6 tấn vũ khí gồm: tên lửa đối không; tên lửa đối đất; tên lửa đối hải và bom có điều khiển.

Tuy rằng có khả năng cất hạ cánh đặc biệt nhưng chính điều này cũng là nguyên nhân làm mất an toàn máy bay. AV-8B Harrier được xem có tỷ lệ tai nạn cao nhất của trong các máy bay chiến đấu hiện nay. Bản thân chiếc Sea Harrier của người Anh cũng vậy.

Theo một số nguồn tin, Lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ đã mất đi 1/3 trong số 397 máy bay AV-8B do tai nạn trong 32 năm. Tỉ lệ tai nạn gấp 3 lần so với tiêm kích hạm F/A-18C.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lương Minh

Bình luận(0)