“Chắp cánh” cho chiến sĩ đặc công Việt Nam

Google News

Được "chắp cánh" bằng sức mạnh cơ động của không quân, những người lính đặc công vốn đã tinh nhuệ nay còn tinh nhuệ hơn.

Bộ đội Đặc công "bay"

Mới 6h sáng, nắng đã trải vàng trên Sân bay Hòa Lạc. Những chiến sĩ đặc công thuộc Đoàn 1, Đoàn 113 và Trường Sĩ quan Đặc công trong trang phục chính quy thống nhất, trang bị gọn gàng đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng nhảy dù.

Những chiếc máy bay trực thăng của Trung đoàn Không quân 916 (Quân chủng Phòng không-Không quân) được khởi động từ một vị trí, nhanh chóng bay đến điểm bốc quân đã xác định.
Những chiến sĩ đặc công tinh nhuệ lên trực thăng.

Gần 20 chiến sĩ đặc công trong đợt nhảy dù đầu tiên hùng dũng, tự tin bước lên máy bay, trong ánh mắt chăm chú theo dõi của đồng đội. Chiếc máy bay cất cánh lao vút lên chiếm lĩnh bầu trời, lượn vòng cua đầu tiên thả khí tượng. Những vòng cua tiếp theo, ở cự ly cách mặt đất khoảng 1.000m, lần lượt từng tốp 4 đến 5 chiến sĩ đặc công với động tác thuần thục nhanh chóng rời cửa máy bay, bật dù, khéo léo điều khiển dù, tiếp đất nhẹ nhàng, thu dù nhanh chóng và sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ tiếp theo…

Sau gần 2 tiếng huấn luyện, lần lượt hơn 50 cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện xong bài nhảy dù thuần thục, điêu luyện các kỹ thuật động tác “làm chủ bầu trời” và tiếp đất an toàn, để lại ấn tượng về những màn trình diễn đẹp mắt…

Điều đáng ghi nhận là các chiến sĩ rất bình tĩnh, tự tin, dũng cảm và có kỹ thuật điều khiển dù trên không rất linh hoạt, 100% tiếp đất trong khu vực bãi đáp. Trung úy Đỗ Tiến Tự, chiến đấu viên Đội 12 (Đoàn 113) thực hiện thành công 10 chuyến nhảy dù, cho biết: “Cơ động bằng máy bay và nhảy dù, người chiến sĩ đặc công như được “chắp cánh”, nâng cao trình độ, khả năng cơ động, chiến đấu, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ …”.

Thiếu úy Lê Minh Tuấn (Trường Sĩ quan Đặc công) bày tỏ: “Nội dung học tập rất thiết thực và mang lại những cảm xúc mới mẻ, nhảy xong rồi chúng tôi lại muốn nhảy lượt tiếp theo…”.
Chiến sĩ đặc công bung dù đổ bộ.

Theo dõi, chỉ đạo, động viên bộ đội trong suốt buổi nhảy dù, sau khi buổi tập kết thúc, Thiếu tướng Trịnh Xuân Chuyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Đặc công đã tổ chức rút kinh nghiệm với các cơ quan, đơn vị ngay tại thực địa và khẳng định: “Các đơn vị và từng cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nhảy dù theo kế hoạch của Binh chủng, bảo đảm an toàn tuyệt đối về con người, vũ khí trang bị. Qua đợt nhảy dù, trình độ kỹ, chiến thuật của từng cá nhân được nâng lên rõ rệt… Kết quả này khẳng định Bộ đội Đặc công không ngừng phát huy truyền thống, nâng cao khả năng tác chiến, khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ trước yêu cầu mới…”.

Gắn kết tinh nhuệ và hiện đại

Trong huấn luyện, Bộ đội Đặc công luôn chú trọng đến kỹ thuật ngụy trang và khả năng cơ động lực lượng. Việc cơ động bằng máy bay và đổ bộ đường không là phương thức cơ động mới, hiệu quả, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ để kịp thời đưa lực lượng vào triển khai thực hiện nhiệm vụ trong các tình huống khẩn cấp, cự ly xa, địa hình khó khăn, phức tạp…

Đại tá Nguyễn Thành Cải, Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công cho biết: “Khi nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, vũ khí trang bị phát triển thì nghệ thuật tác chiến cũng sẽ phải nghiên cứu phát triển theo. Việc kết hợp cơ động nhanh với phát huy tối ưu hóa kỹ thuật ngụy trang chính là yếu tố tạo nên “Bí mật bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm”, bảo đảm cho người chiến sĩ đặc công tiếp tục phát huy tốt truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ-Anh dũng tuyệt vời-Mưu trí sáng tạo- Đánh hiểm thắng lớn”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Đại tá Nguyễn Đình Tuyên, Trưởng phòng Quân huấn, nhà trường (Quân chủng Phòng không -Không quân) khẳng định: “Quân chủng mà trực tiếp là các đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ đã phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện đến bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt cho đơn vị bạn trong quá trình huấn luyện”.

Còn Thượng tá Vũ Văn Sâm, Trưởng phòng Cứu hộ, Cứu nạn (Quân chủng Phòng không-Không quân), người chỉ huy chung điều hành toàn bộ buổi nhảy dù nhận xét: “Bộ đội nhảy, điều khiển dù tốt, bảo đảm an toàn là do từ chỉ huy đến từng cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, từ huấn luyện đến luyện tập theo kế hoạch thống nhất”.
Đổ bộ an toàn.

Từ kết quả đạt được, hai lực lượng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các bài tập phong phú hơn, gắn kết giữa kỹ thuật và chiến thuật, cơ động và chiến đấu, theo các phương án tác chiến cụ thể để tăng cường rèn luyện thực hành, nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu của bộ đội.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn…, Bộ đội Đặc công đang được lãnh đạo, chỉ huy các cấp chăm lo xây dựng vững mạnh toàn diện. Cùng với nghiên cứu đổi mới phương thức tác chiến sát với đối tượng, nhiệm vụ, địa bàn, việc hiện đại hóa trang bị cũng được Đảng ủy, Bộ tư lệnh hết sức quan tâm.

Thiếu tướng Trịnh Xuân Chuyền cho biết: “Con người là nhân tố quyết định, song trang bị kỹ thuật hiện đại cũng rất quan trọng, không thể thiếu. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng đầu tư, mua sắm thêm những trang thiết bị mới, hiện đại, có tính năng cao, gọn nhẹ, phù hợp với hoạt động tác chiến của Bộ đội Đặc công”.

Những năm vừa qua, Binh chủng Đặc công đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm, trang bị nhiều vũ khí trang bị mới, hiện đại, tăng cường khả năng tác chiến của bộ đội. Bộ đội Đặc công từng được mệnh danh là lực lượng chiến đấu “xuất quỷ, nhập thần”; việc sử dụng máy bay của không quân cơ động, nhảy dù, sẽ tiếp thêm khả năng cơ động của bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ.

Lịch sử quân đội ta đã từng có Sư đoàn 305 dù trong kháng chiến chống Mỹ và Tiểu đoàn 45 dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.  Quân đội ta đang tiến lên chính quy, hiện đại, do đó cần nghiên cứu tính đến việc “hiện đại hóa” vũ khí trang bị của Bộ đội Đặc công, trong đó có việc bảo đảm phương tiện cơ động.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Theo Quân đội Nhân dân

Bình luận(0)