Quán quân Olympia 2021 chưa hứng thú du học: ĐH trong nước đã hấp dẫn?

Google News

Tân quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 Hoàng Khánh chưa hứng thú du học khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng, đại học trong nước đã hấp dẫn.

Sau khi xuất sắc đăng quang ngôi vị quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21, Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) khi nói về cơ hội du học cho biết, chưa tính tới chuyện du học với lý do "hiện tại em chưa có hứng thú với du học", mà sau này sẽ cân nhắc kỹ càng với sự tư vấn của gia đình và thầy cô.
Chia sẻ của Hoàng Khánh khiến nhiều người bất ngờ bởi đa số quán quân Olympia chọn con đường du học và số ít trong số đó trở về nước để lập nghiệp. Việc Hoàng Khánh cân nhắc chuyện đi du học khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đại học trong nước đã hấp dẫn?
Quan quan Olympia 2021 chua hung thu du hoc: DH trong nuoc da hap dan?
Khoảnh khắc Nguyễn Hoàng Khánh trở thành tân quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, lựa chọn của các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia và các thế hệ trẻ hiện nay khi theo đuổi ở bậc đại học hoặc trên đại học, việc du học ở các trường đại học nước ngoài hay học ở các trường đại học trong nước tùy thuộc vào từng em.
“Chúng ta không phủ nhận các trường đại học ở quốc tế bởi trên thế giới có nhiều trường đại học nổi tiếng, có chất lượng cao nhưng không phải tất cả. Nhưng phải nói khách quan, trong hệ thống đại học ở Việt Nam, nhiều cơ sở đào tạo đại học, trên đại học có chất lượng tốt. Nhiều trường đang hướng tới vào các trường trong top 100, 500 khu vực và một số ngành, lĩnh vực có điều kiện phát triển về mặt tài năng và có đủ các điều kiện để đào tạo sinh viên trở thành các nhà khoa học trong tương lai” - PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.
Theo PGS.TS. Lâm Bá Nam, một số học sinh lựa chọn theo học các trường đại học trong nước, sau này có điều kiện có thể đi du học ở các bậc học khác nhau nhưng sự lựa chọn các trường đại học trong nước cũng là một sự lựa chọn tốt.
“Tất nhiên, theo học đại học trong nước cũng phải lựa chọn các cơ sở đào tạo có truyền thống, có chất lượng và đang trong quá trình hội nhập, đổi mới hiện nay. Nhiều tài năng ở Việt Nam đã được đào tạo trong nước. Nền học thuật ở Việt Nam đang hướng tới, vươn lên để trở thành nền giáo dục đại học tiên tiến ở trong khu vực và lọt vào top các trường đại học có chất lượng trên thế giới, tất nhiên đó là tương lai” - ông Nam nói.
Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng, một một số ngành, chuyên ngành và một số đại học ở Việt Nam có chất lượng tốt. Một số lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh tại Việt Nam và hoàn toàn có thể nói rằng, những cơ sở đó có đủ các điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
“Không phải ngẫu nhiên, có rất nhiều người từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đến theo học ở bậc đại học và sau đại học tại một số cơ sở đào tạo của Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn là một trong những trung tâm mà rất nhiều học giả và công dân ở một số quốc gia phát triển đến theo học”, ông Nam nói.
Đề cập đến chính sách thu hút nhân tài hiện nay, PGS.TS. Lâm Bá Nam cho biết, hiện nhiều địa phương đã trải thảm đỏ để thu hút nhân tài nhưng dường như tính hiệu quả không cao.
“Địa phương trải thảm đỏ là một chủ trương đúng đắn để thu hút nhân tài. Tuy nhiên, với những người làm khoa học, người ta cần môi trường về mặt học thuật và các điều kiện để triển khai các nghiên cứu. Nếu trải thảm đỏ, tạo điều kiện về mặt đời sống nhưng không tạo ra môi trường, các điều kiện về mặt học thuật thì tài năng đó sẽ bị thui chột. Tài năng phải được đặt ở trong các môi trường và không gian sống của học thuật và các điều kiện để triển khai các nghiên cứu. Nếu chỉ trải thảm đỏ, ưu đãi về lương thưởng nhưng phòng thí nghiệm không có thì sao nghiên cứu được” - ông Nam nói.
Nguyễn Hoàng Khánh đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 diễn ra sáng 14/11. Hoàng Khánh là người mang vòng nguyệt quế thứ ba về cho tỉnh Quảng Ninh, đưa tỉnh vươn lên dẫn đầu danh sách các tỉnh, thành phố có nhiều quán quân Đường lên đỉnh Olympia nhất đến thời điểm hiện tại.
Sau khi trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2021, Nguyễn Hoàng Khánh cho biết sẽ học tập, nỗ lực hơn nữa để theo đuổi ước mơ trở thành doanh nhân của mình.
Đáng chú ý, chiến thắng trận chung kết năm, Hoàng Khánh nhận được phần thưởng trị giá 40.000 USD và có cơ hội du học. Tuy nhiên, trước câu hỏi về định hướng du học, Khánh cho hay em đang cân nhắc kỹ càng. Bởi em không có hứng thú với việc đi du học.
“Em sẽ nghe thêm góp ý của bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Trong thời gian dịch bệnh này thì Việt Nam vẫn là một nơi tuyệt vời để em có thể học tập và theo đuổi ước mơ”, Khánh nói. Nam sinh Quảng Ninh chưa tiết lộ về trường đại học trong nước mà mình có ý định theo học.
Chiều 14/11, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, đã trực tiếp gặp gỡ, động viên, chúc mừng Hoàng Khánh và gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Ký nói rằng, em Nguyễn Hoàng Khánh đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế Olympia 21 là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh – tỉnh duy nhất toàn quốc đến thời điểm này có 3 nhà vô địch Olympia sau 21 năm tổ chức. Điều này cũng khẳng định sự quan tâm, chủ trương đúng đắn của tỉnh trong công tác tổ chức, chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT. Quảng Ninh coi phát triển GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng tài năng trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Câu hỏi "mặn" nhất chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2021:

Nguồn: VTV24

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)