Học sinh chạy nước rút trước kỳ thi lên lớp 10 tại Hà Nội

Google News

Chỉ còn hơn hai tuần nữa, gần 100 nghìn học sinh lớp 9 tại Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh THPT. Đây là giai đoạn ôn thi căng thẳng nhất đối với các em học sinh trong năm nay bởi số lượng môn thi nhiều gấp đôi so với những năm trước.

Hoc sinh chay nuoc rut truoc ky thi len lop 10 tai Ha Noi
Các học sinh hiện nay đang nóng lòng để chờ công bố tỷ lệ chọi vào lớp 10 tại Hà Nội
Năm nay, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh. Sau khi đăng ký nguyện vọng lần 1 và có nhu cầu đổi nguyện vọng dự tuyển, học sinh làm đơn và nộp tại các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
Đến thời điểm hiện nay, các học sinh lớp 9 các trường THCS Hà Nội đã hoàn thành toàn bộ điểm số các môn học. Đây là thời gian các em được tăng cường ôn tập 4 môn thi vào lớp 10 gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử mà Sở GD-ĐT vừa công bố. Việc tổ chức thi 4 môn, tăng gấp đôi số môn so với năm học trước cũng bị đánh giá là tăng áp lực cho học sinh thi vào 10, vốn đã rất căng thẳng ở Hà Nội vì chỉ có 60% học sinh được chọn vào trường công lập.
Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, việc chọn phương án 4 bài thi nhằm chủ ý học sinh học đều tất cả các môn còn lại, tránh học lệch như hiện nay học sinh chỉ tập trung ôn Văn, Toán để đối phó kỳ thi. Các môn thi đã được thống nhất là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử. Thời gian làm bài đối với các bài thi Toán, Ngữ văn là 120 phút, thời gian làm bài đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài thi.
Trao đổi với phóng viên về không khí ôn thi tại trường mình trước kỳ thi quan trọng nhất của học sinh, ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết hiện nay các học sinh và giáo viên vẫn đang trong giai đoạn ôn tập vì khối lượng kiến thức rất nhiều. "Thực tế học sinh đã hoàn thành công việc học cách đây 2 - 3 tuần và thời gian này để ôn tập, sắp xếp lại thời khóa biểu để tăng lượng tiết học ôn các môn thi cho học sinh. Các môn kiến thức rất nhiều, đặc biệt là 2 môn Toán và Ngoại ngữ lấy hệ số 2 khiến cho học sinh khá lo lắng, phải dành nhiều thời gian ôn tập".
Bên cạnh đấy, ông Thống cũng cho biết việc nhà trường định hướng cho các em trong việc lựa chọn hướng nghề cũng là một cách giảm áp lực thuận lợi.
Cũng như ông Thống, chị Nguyễn Hoàng Lan, có con đang theo học tại trường THCS Giảng Võ cho biết năm 2019 kỳ thi vào lớp 10 sẽ nóng hơn các năm trước vì Sở GD-ĐT chính thức bãi bỏ cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ nghề THCS trong tuyển sinh vào lớp 10 và cả điểm cho thí sinh thi học sinh giỏi. "Việc chỉ áp dụng điểm ưu tiên cho học sinh con em gia đình chính sách, dân tộc ít người.... là điều đúng đắn, điều này sẽ khiến các học sinh khác buộc phải học và thi đúng với năng lực của mình. Tuy lịch học của con tôi kín mít cả tuần, nhưng tôi cho rằng để thi vào một trường tốt thì chính học sinh phải thật sự cố gắng. Đó mới là thực lực chính xác của các em học sinh trong kỳ thi lên lớp 10 năm nay", chị Lan chia sẻ.
Theo nhiều giáo viên trung học tại Hà Nội, năm nay học sinh sẽ áp lực hơn vì nhiều bạn chưa có sự chuẩn bị trước, đặc biệt là chưa biết lượng sức mình trong chọn trường. “Năm nay thi 4 môn nên việc lựa chọn 1 trường phù hợp sẽ khó hơn vì mỗi em phải ước lượng được năng lực của mình trong mỗi môn để ra được phần điểm số, từ đó chọn trường cho phù hợp. Thời điểm này, các em học sinh nên tập trung học đều và nắm chắc được các đơn vị kiến thức cơ bản. Giai đoạn cuối khi ôn thi thì các em làm các đề thi kiểm tra để có được định hướng cho phù hợp”, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Anhxtanh (Hà Nội) đưa ra lời khuyên.
Mặc dù theo tỷ lệ là có 60% học sinh được học trường công, tuy nhiên tỷ lệ này tính chung toàn Hà Nội, trong khi đó, các trường ngoại thành có điểm tuyển sinh vào lớp 10 thấp, tỷ lệ vào trường có khi là 100%. Còn các trường trong nội thành thường có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 đông hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh nên học sinh không còn cách nào khác là tăng cường học thêm để nhằm tìm kiếm một suất vào trường công lập theo đúng nguyện vọng. Chưa dừng lại ở đó, các trường chuyên tại Hà Nội cũng có tỷ lệ cạnh tranh khá cao và lịch học ôn thi của các em cũng nặng lên rất nhiều.
Đơn cử như trường THPT chuyên Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố lịch thi vào ngày 30 và 31.5 với 350 chỉ tiêu vào 7 lớp chuyên. Ngoài chỉ tiêu các lớp chuyên ở trên, căn cứ kết quả thi, trường còn tuyển thêm 4 lớp cận chuyên với 180 HS.
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội có lịch thi vào ngày 2.6 và công bố kết quả tuyển sinh trước ngày 22.6. Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội cũng chính thức công bố thi vào lớp 10 trong hai ngày 3 và 4.6. Mỗi thí sinh được đăng ký dự thi tối đa vào 2 trong 5 lớp chuyên toán học, tin học, vật lý, hóa học, sinh học. Thí sinh phải làm bài thi viết 3 môn ngữ văn, toán (vòng 1) và môn chuyên. Đề thi vào trường này được xây dựng theo hình thức tự luận đối với môn toán (vòng 1) và các môn chuyên; trắc nghiệm kết hợp với tự luận đối với môn ngữ văn.
Sau khi tổng kết hiệu quả của việc sử dụng hệ thống ôn tập trực tuyến môn Lịch sử, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi các bộ môn khác, từ đó bổ sung thêm các bộ đề trực tuyến cung cấp miễn phí cho học sinh để giảm áp lực ôn luyện, tránh tình trạng học sinh học thêm tràn lan trong kỳ thi có tính cạnh tranh cao như kỳ tuyển sinh lớp 10. Trong hai tuần còn lại trước kỳ thi, phụ huynh, học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý, học đúng trọng tâm, không nên chạy đua học thêm, ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe của các em.
Theo Một Thế Giới

>> xem thêm

Bình luận(0)