Kỹ sư Lê Quang Liên: Người đầu tiên đưa cây luồng di thực, “đổi đời” người dân

Google News

Giờ đây, cây luồng đã trở nên quen thuộc với người dân nhiều vùng trung du, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Nhưng it ai biết, người có công đầu đưa cây luồng về với bà con là người kỹ sư giản dị - ông Lê Quang Liên.

Đưa cây luồng từ Thanh Hóa đi muôn nơi
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, kỹ sư Lê Quang Liên (nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Lâm sinh Cầu Hai, Đoan Hùng, Phú Thọ) cuộc đời ông gắn liền với đam mê cây cối, với rừng, trong đó đặc biệt là cây luồng.
Cây luồng có tên khoa học: Dendrocalamus membranaceus Munro thuộc họ phụ tre trúc Bambusoideac.
Ky su Le Quang Lien: Nguoi dau tien dua cay luong di thuc, “doi doi” nguoi dan
 Ông Lê Quang Liên, người đầu tiên đưa cây luồng di thực từ Thanh Hóa đến các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Luồng là loài có thân thẳng, tròn đều, độ thon nhỏ, nhiều cành, cành không có gai. Cây trưởng thành có đường kính từ 10 —12cm, chiều dài 18-20m. Trọng lượng tươi của cây nặng từ 40-50kg, cá biệt có cây nặng trên 70 kg. Thân luồng cứng rắn, tỷ lệ Cellulose khá cao, 46,5 % ở đoạn gốc và 57,7 % ở đoạn giữa và đoạn ngọn.
Luồng là loài cây có rất nhiều giá trị. Luồng là nguồn thức ăn rất quí cho gia súc như trâu, bò, cá trắm cỏ trong mùa hanh khô ít cỏ.
Đặc biệt, cây luồng có giá trị kinh tế cao. Luồng được sử dụng làm vật liệu xây dựng, đan lát đồ dùng dân dụng, làm nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất giấy, tơ nhân tạo và làm nguyên liệu để sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu như, đũa, ván trang trí nội thất, chiếu…
Trong khi đó, luồng sinh trưởng và phát triển nhanh. Sau khi trồng từ 4 — 5 năm, cây đã cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 40 —50 năm liền, chu kỳ khai thác ngắn (1-2 năm/lần). Lượng khai thác mỗi lần từ 1.200-1.400 cây/ha, khoảng 30 % trữ lượng rừng. Luồng là loài cây trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều lần.
Tuy nhiên, dù dễ trồng và có giá trị kinh tế cao, nhưng việc nhân giống luồng lại có nhiều hạn chế. Trước đây, cây luồng chủ yếu chỉ trồng ở vùng Thanh Hóa. Và bà con nhân giống luồng theo cách truyền thống, đó là bằng gốc.
Theo đó, những cây bánh tẻ có tuổi dưới 1 năm, của vụ măng trước, đã đầy đủ lá sẽ được xỉa đứt hệ rễ xung quanh. Khi đánh giống và vận chuyển không được làm dập chồi ngủ gốc giống. Cách làm này cho năng suất thấp.
Chính vì vậy, đề tài “Di thực và tạo giống cây luồng Thanh Hóa trên vùng đất trung du” của ông Lê Quang Liên, với phương pháp tạo giống bằng cách chiết cành đã như một bước đột phá, có ý nghĩa rất lớn đối với bà con trung du, miền núi phía Bắc.
Phương pháp của ông Liên, thay vì nhân giống từ cây luồng con dưới gốc luồng như xưa, thì giờ từ cành luồng, có thể tạo ra cây luồng giống. Và một cây luồng có thể cho ra vô số cây luồng giống.
“Sau nhiều nghiên cứu, thử nghiệm, thì tôi nhận thấy, chiết cành có bọc nylon tỷ lệ chiết cao, rất phù hợp với người nông dân. Vật liệu dùng để chiết là rơm, dễ dùng, nếu dùng hóa chất thì người dân cũng không biết pha. Đề tài của tôi một phần được đánh giá cao là vì vậy. Với phương pháp này, từ gốc lên đỉnh ngọn, bất cứ cành nào có mắt đều có thể nhân giống được. Trong khi đó, gốc luồng vẫn giữ nguyên, lại có thể tiếp tục đẻ măng, tạo búi. Thắng lợi là ở chỗ đó”, ông Liên nói.
“Một rừng cây, một đời người”
Ông Lê Quang Liên sinh năm 1943, tuổi đã cao, nhưng trông ông Liên vẫn tràn đầy năng lượng, sự khỏe khoắn, truyền cảm hứng tích cực với những người tiếp xúc. Để có được điều đó, theo ông, đó là nhờ tình yêu với thiên nhiên, với cây cối, với rừng và vườn tược.
Nhà ông được bao quanh bởi rừng. Từ bao nhiêu năm nay, ông vẫn giữ thói quen chăm sóc cây cối. Vườn nhà ông, cũng luôn có nhiều cây “độc”, “lạ” do ông lai tạo hoặc sưu tầm giống về trồng.
Ông chia sẻ: “Chỉ có người yêu thiên nhiên, cây cỏ mới thấy được cây cối cũng có tâm hồn. Mỗi khi cây cối héo rũ, là tôi biết chúng đang buồn. Còn khi hoa nở, chồi nụ mỡi màng, cũng như cô gái đang yêu đầy sức sống. Ngồi giữa cây cối, cỏ hoa, sẽ thấy lòng lắng lại, bình an”, ông Liên nói.
Đặc biệt, một điều quan trọng để luôn cảm thấy khỏe mạnh, an vui, theo ông Liên, đó là không làm những điều để tâm phải vướng bận, băn khoăn.
Khi kết thúc đề tài về cây luồng, còn dư tiền của Nhà nước giao cho để thực hiện đề tài, ông đã trả lại cho Nhà nước. Nhiều người cười, cho rằng ông “kỳ lạ”. Nhưng đó là lựa chọn và cách sống của ông.
Hiện giờ, điều khiến ông còn trăn trở, đó là căn bệnh chổi xể ở tre luồng khiến diện tích trồng luồng hiện đang ngày bị thu hẹp lại.
“Bệnh chổi xể khiến búi tre, luồng có những “bùm” cây như tổ chim, chổi xể. Ngày nắng, “bùm” nhẹ. Ngày mưa tựa như nơi trữ nước, có thể nặng tới 50-60kg kéo cây luồng đổ sập. Bệnh này lây rất nhanh” , ông Liên nói.
Gần trọn cuộc đời gắn với rừng, với cây, ông Liên chia sẻ, lúc nào ông mong nhìn thấy những cánh rừng phủ kín màu xanh. Rừng đối với ông như cuộc sống, như hơi thở. Nhiều cánh rừng gắn với tuổi trẻ của ông giờ vẫn đang xanh tốt. Đó là điều khiến ông cảm thấy hạnh phúc.
Năm 1990, ông Lê Quang Liên đã bảo vệ xuất sắc đề tài cấp Nhà nước, được nhận nhiều bằng khen. Cây luồng từ Thanh Hóa đã di thực đến nhiều vùng trung du, miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình… Cứ nơi nào có mưa từ tháng 5 – 8, ông Liên đều đem về thử nghiệm trồng, và cây luồng đều phát triển tốt.
“Niềm vui lớn nhất của tôi là đã đem lại sinh kế cho nhiều người dân. Nhiều hộ gia đình từ cây luồng đã thoát nghèo, thậm chí từ nghèo mà thành giàu, xây được nhà tầng, có cuộc sống no đủ, đổi đời. Và nhiều cánh rừng đã được phủ xanh, hồi sinh”, ông Liên nói.

Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ về ý nghĩa của công trình đầu tiên về hạn hán trên khu vực Đông Nam Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)