Konrad Lorenz: Người tiên phong nghiên cứu hành vi của động vật

Google News

Khám phá của nhà khoa học người Áo Konrad Lorenz là nền tảng để tìm hiểu mối liên hệ giữa hành vi và bản năng của các loài động vật với hoạt động của con người trong đời sống xã hội.

Nếu một ngày bố mẹ nói với bạn rằng bạn chỉ là con nuôi, thái độ ứng xử của bạn với họ có khác không? Nếu họ đã yêu quý và nuôi nấng bạn như con ruột, liệu bạn có yêu họ hơn sau khi biết thông tin mới này hay không? Những câu hỏi tương tự được đặt ra trong lĩnh vực nghiên cứu về tập tính học (ethology), hoặc lĩnh vực nghiên cứu về hành vi của động vật.
Konrad Lorenz: Nguoi tien phong nghien cuu hanh vi cua dong vatCon ngỗng lầm tưởng Konrad Lorenz là mẹ của nó. Ảnh: Famous Psychologists
Khi động vật học cách xác định cha mẹ của chúng, dù thông qua đặc điểm sinh học hoặc bằng cách khác, chúng đã trải qua một quá trình gọi là “ghi dấu ấn”. Nhà khoa học Konrad Lorenz là người đầu tiên tìm hiểu về tập tính học, đặc biệt là hiện tượng ghi dấu ấn. Ông đã được trao giải Nobel năm 1973 về Sinh lý học hoặc Y học cho công trình nghiên cứu hành vi của động vật.
Lorenz sinh ra tại Vienna, Áo vào năm 1903. Ngay từ lúc nhỏ, ông đã thích chơi với động vật. Ông thường mang chúng về nhà và nuôi những sinh vật như cá, chim, mèo, chó, thỏ, khỉ. Ông thậm chí còn ghi chép nhật ký về hành vi của các loài chim, cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những con vật bị bệnh từ vườn thú địa phương.
Cha của Lorenz là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và luôn muốn con trai vào học trường y. Vì vậy, Lorenz đã đăng ký vào chuyên ngành y khoa của Đại học Columbia ở New York (Mỹ) năm 1922. Sau khi tốt nghiệp, ông quay trở lại quê nhà để hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Vienna. Năm 1937, ông tham gia công tác giảng dạy về tâm lý học động vật (animal psychology) và giải phẫu học so sánh ở ngôi trường này.
Không lâu sau đó, Lorenz trở thành giáo sư và trưởng khoa Tâm lý học tại Đại học Albertus (Đức). Ông làm bác sĩ trong quân đội Đức trong giai đoạn từ năm 1942-1944, sau đó bị quân đội Liên Xô bắt và trở thành tù binh trong bốn năm. Khi được trả tự do, ông quay trở về Áo và giữ chức vụ lãnh đạo Viện Tập tính học So sánh.
Thử nghiệm hành vi động vật
Lorenz đã thực hiện một số thí nghiệm với động vật để tìm hiểu hành vi của chúng trong giai đoạn từ năm 1935–1938. Nhiều người biết đến ông với công trình nghiên cứu nổi bật liên quan đến hiện tượng “ghi dấu ấn sai lầm” trên động vật non.
Một người bạn của Lorenz, Oscar Heinroth, quan sát thấy ngỗng graylag có thể bám theo con người thay vì mẹ của chúng ngay sau khi nở. Lorenz cảm thấy hứng thú với điều thú vị này. Ông tiến hành các thí nghiệm liên quan đến hiện tượng ghi dấu ấn nhằm tìm hiểu cách thức hoạt động của nó và những tác động mà nó có thể gây ra.
Trong một thí nghiệm, Lorenz đã lấy một vài quả trứng ra khỏi ổ của một con ngỗng. Khi những quả trứng nở ra, ông xuất hiện trước mặt chúng và bắt chước tiếng kêu của vịt mẹ. Ông là “người mẹ” duy nhất mà chúng nhìn thấy, bởi vì chúng hoàn toàn do ông chăm sóc. Những con ngỗng khác, từ các quả trứng mà ông để lại, chỉ biết đến mẹ ruột của chúng.
Kết quả là những con ngỗng do Lorenz chăm sóc luôn đi theo ông một cách hoàn toàn tự nhiên. Ngay cả khi ông trộn lẫn những con ngỗng con với nhau, chúng sẽ tách ra và trở về với “người mẹ” mà chúng nhận dạng được thông qua các kích thích thị giác và thính giác khi chúng vừa chào đời.
Lorenz kết luận: “Ngỗng con có xu hướng nhận dạng âm thanh và ngoại hình của ngỗng mẹ trong một thời gian ngắn sau khi nở, và từ đó hình thành mối liên kết lâu dài với mẹ. Ngỗng con có thể đi theo các vật chuyển động mà chúng nhìn thấy đầu tiên và lầm tưởng đó là mẹ”.
Khám phá nổi bật khác của Lorenz liên quan đến đời sống xã hội của chim. Ông nhận thấy nhiều khía cạnh quan trọng trong hành vi của các loài chim mang tính bẩm sinh và bản năng, thay vì thông qua học hỏi – chẳng hạn như tư thế chiến đấu và đầu hàng. Ông gọi đó là “mẫu hành vi cố định”.
Các kiểu hành vi theo bản năng của loài động vật được lập trình về mặt di truyền, do cấu trúc của hệ thần kinh phản ứng với các tác nhân kích thích từ môi trường sống. Lorenz cho rằng hành vi bản năng như vậy cũng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống con người.
Theo Lorenz, hành vi của động vật có liên quan đến quá khứ tiến hóa của chúng, và đặc điểm hiếu chiến, hung hăng ở động vật có tính chất di truyền. Trong tác phẩm “On Aggression” được xuất bản vào năm 1963, ông đề xuất giả thuyết cho rằng chiến đấu (hoặc gây gấn) là một hành vi bẩm sinh không thể sửa đổi. Ông cũng tin rằng giao tranh có thể xảy ra giữa các loài động vật, bởi vì nó hỗ trợ cho sự tồn tại của chúng bằng cách giữ cho các đối thủ cạnh tranh tách biệt nhau ở những vùng lãnh thổ khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng ý với Lorenz, và lý thuyết này đã gây ra một số tranh cãi giữa các nhà hành vi động vật và nhà tâm lý học con người.
Giống như Darwin, Lorenz cho rằng đặc điểm thể chất và sự thay đổi hành vi của các loài động vật bắt nguồn từ việc chúng cố gắng thích nghi với môi trường xung quanh để tăng cơ hội sống sót. Đây là một trong những yếu tố then chốt của quá trình chọn lọc tự nhiên.
Tập tính của động vật hình thành dựa trên hai cơ chế: phản xạ không điều kiện và có điều kiện. Tập tính bẩm sinh là chuỗi phản xạ không điều kiện, do kiểu gene qui định, bền vững, không thay đổi. Tập tính học được là chuỗi phản xạ có điều kiện, không bền vững và có thể thay đổi. Sự hình thành tập tính học được ở động vật phụ thuộc vào mức độ tiến hóa của hệ thần kinh và tuổi thọ của chúng.
Một số dạng tập tính ở động vật là tập tính kiếm ăn (rình mồi, vồ mồi, bỏ chạy, lẩn trốn), bảo vệ lãnh thổ, sinh sản, di cư và tập tính xã hội (tập tính sống bầy đàn, trong đàn có thứ bậc. Ví dụ hươu, nai, voi, khỉ, sư tử,...có con đầu đàn).
Ngoài những nghiên cứu về động vật, Lorenz cũng xây dựng các lý thuyết về hành vi của con người, cũng như cấu trúc gia đình. Phần lớn điều này được rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân ông. Ví dụ, ông tin rằng một số nỗi sợ hãi, chẳng hạn như sợ rắn, là do con người học được chứ không phải do bẩm sinh. Ông cũng tin rằng các gia đình nên đông người, bởi vì các thành viên có thể thay phiên nhau hỗ trợ trẻ em phát triển.
Theo Quốc Lê/Khoa học phát triển

>> xem thêm

Bình luận(0)