GS. Nguyễn Văn Tuấn: Từ phụ bếp đến… cha đẻ loạt công bố quốc tế

Google News

Là tác giả và đồng tác giả của 300 công trình khoa học công bố quốc tế, con đường thành danh của GS. Nguyễn Văn Tuấn vô vàn khó khăn. Từ bài báo đầu tiên bị vứt sọt rác, “người phụ bếp” trở thành một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới. 

GS. Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wale đồng thời là giáo sư ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Notre Dame Australia. Ông là tác giả và đồng tác giả của 300 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng thế giới và là một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới.
GS. Nguyen Van Tuan: Tu phu bep den… cha de loat cong bo quoc te
 GS. Nguyễn Văn Tuấn.
Ông là người gốc Á duy nhất được bầu vào Viện Hàn lâm Y học Australia và cũng là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia bởi những đóng góp xuất sắc của ông cho y học, đặc biệt là lĩnh vực loãng xương.
Ngoài ra, GS. Nguyễn Văn Tuấn là giáo sư gốc Việt đầu tiên ở Australia được trao học vị Doctor of Science, học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học Australia.
Nói về sự nghiệp đồ sộ của mình, nhà khoa học gốc Việt cho biết đấy là một hành trình không những dài mà còn rất gian nan.
Người phụ bếp chăm chỉ
GS. Nguyễn Văn Tuấn sinh ra và lớn lên ở Kiên Giang. Những ngày đầu đặt chân đến Australia, với vốn tiếng Anh hạn hẹp, ông làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Thời gian đầu ông làm phụ bếp, rồi làm phụ tá trong phòng thí nghiệm sinh học, trong xưởng,…
GS. Nguyen Van Tuan: Tu phu bep den… cha de loat cong bo quoc te-Hinh-2
GS. Nguyễn Văn Tuấn có một sự nghiệp khoa học đáng mơ ước. 
Trong thời gian đi làm như thế, ông đi học ban đêm, gọi là học bán thời gian. Suốt 5 năm liền, đêm nào ông cũng về nhà lúc 10 hay 11 giờ đêm. Ông luôn khát khao phải đi học và lúc nào cũng nghĩ học để thoát khỏi cảnh phụ bếp.
Vừa học tiếng Anh vừa học văn hóa, vừa đi làm để tồn tại là điều không dễ dàng. Nhưng ông biết để bằng hoặc hơn người bản xứ thì phải có hai cái đầu nên lúc nào ông cũng dặn lòng phải cố gắng hết mình.
Đến bài báo vứt vào sọt rác
GS. Nguyễn Văn Tuấn kể, bài báo đầu tiên ông miệt mài viết trong 8 tuần lễ  dài hơn 30 trang. Nhưng vừa nhìn qua bản thảo, Giáo sư hướng dẫn vứt ngay vào sọt rác.
Sau đó, trước sự ngạc nhiên và xấu hổ của học trò, vị Giáo sư đã nhặt bản thảo lên, giải thích những sai sót và điểm chưa đúng với chuẩn mực khoa học. Vừa giải thích, ông vừa sửa (bằng bút mực đỏ), gạch bỏ chỗ này, viết thêm chỗ kia, ghi chú trên hình ảnh…
“Kết quả là một bản thảo đầy màu đỏ, nó không còn là bài của tôi nữa. Tôi còn nhớ Giáo sư phê bình văn viết của tôi nặng chất thơ quá, không hợp cho bài báo khoa học vốn trung dung và lạnh lùng. Văn chương khoa học có đặc thù và thuật ngữ chỉ có người trong chuyên ngành mới am hiểu”.
Bản thảo chưa dừng ở đó mà còn qua nhiều chỉnh sửa, gửi đi rồi bị trả lại, bị chê đến mức "choáng váng". Nhưng ông không nản. Cuối cùng mất gần 1 năm chỉnh sửa bài báo mới được đăng.  
GS. Nguyễn Văn Tuấn kể, sau bài báo đầu tiên đầy sóng gió, ông lao vào nghiên cứu và viết một loạt bài báo khoa học. Nhưng bài nào cũng bị giáo sư sửa đến nỗi ông không còn nhận ra bài của mình nữa. Tuy nhiên, ông luôn kiên trì và nỗ lực… Đến bài thứ 10 của 4 năm sau đó, ông đã vô cùng tự tin khi tự mình soạn một bài báo.
Khắc tên Việt trong lĩnh vực di truyền loãng xương
Từ anh phụ bếp, từ những bài báo bị sửa đi sửa lại, hơn 30 năm sau, GS. Nguyễn Văn Tuấn đã trở thành một nhà khoa học nổi danh khắp nơi. Ông liên tiếp có công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới.
Ngoài ra, ông cũng là nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có những đóng góp lớn cho lĩnh vực dịch tễ học và di truyền loãng xương.
Trong những đóng góp đó, phải kể đến việc xác định mối liên quan giữa mật độ xương và gãy xương, phát hiện này đã được Tổ chức Y tế Thế giới đề ra tiêu chuẩn để chẩn đoán loãng xương cho toàn thế giới.
Đóng góp lớn nữa của GS. Nguyễn Văn Tuấn là phát hiện sự mất xương ở người cao tuổi tăng theo thời gian chứ không ngừng lại như sách giáo khoa viết, phát hiện này đã viết lại một phần sách giáo khoa về loãng xương và nội tiết học...
Đóng góp nữa là ông cùng đồng nghiệp đã phát hiện mất xương có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong, phát hiện này cũng làm thay đổi nhận thức của giới chuyên ngành về bệnh lí loãng xương…
Đóng góp mà GS. Nguyễn Văn Tuấn tâm đắc là phát triển mô hình tiên lượng gãy xương. Sự ra đời của mô hình này làm nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới làm theo, và có khi họ gọi là “Nguyen’s Model.”
Đặc biệt, dù sống xa quê hương, nhưng GS. Nguyễn Văn Tuấn luôn hướng về Việt Nam. Ông quan tâm nhiều đến nghiên cứu và điều trị loãng xương ở Việt Nam như gãy xương không được điều trị hay không được điều trị đúng, chi phí điều trị... 
Ngoài ra, ông còn hợp tác với các đồng nghiệp Việt Nam tổ chức các khóa học cho các bác sĩ cập nhật hóa liệu pháp chẩn đoán, điều trị, và quản lí bệnh loãng xương. Ông còn cùng nhóm nghiên cứu lập trang web suckhoexuong.vn để cung cấp thông tin cho bác sĩ và bệnh nhân về bệnh loãng xương, với hi vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này.
Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn có 10 yếu tố để có một sự nghiệp độc lập trong khoa học, đó là: chọn một hướng đi, kiên trì theo đuổi ý tưởng, chọn môi trường làm việc tốt, chọn người hướng dẫn tốt, tương tác và tôn trọng đồng nghiệp, nhìn về bức tranh lớn trong chuyên ngành, nắm vững phương pháp, kĩ năng truyền đạt thông tin và công bố quốc tế.

Mời độc giả xem video: Hà Nội: Bắt đầu cấm một chiều lưu thông qua hầm Kim Liên. Nguồn: Tin tức 24h- ANTV.


Sơn Hà (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)