Phát triển mô hình kinh tế xanh: Làm thế nào vượt qua thách thức?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù có nhiều thuận lợi trong việc phát triển mô hình kinh tế xanh ở nước ta, thế nhưng luôn có những khó khăn rất lớn. Vậy giải pháp nào giúp Việt Nam có thể vượt qua thách thức?

Tại buổi hội thảo, theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh và TS. Lại Văn Mạnh - Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc phát triển mô hình kinh tế xanh.
Thuận lợi nhiều…
Cụ thể, Việt Nam đang có những thay đổi cơ bản sau quá trình “đổi mới và mở cửa”, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một sự phát triển vì con người, những yếu tố đó được thực hiện trong một môi trường chính trị ổn định tạo thuận lợi để thực hiện nền kinh tế xanh.
Nguồn lực lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, có truyền thống cần cù lao động, sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên theo truyền thống văn hóa phương Đông, có khả năng tiếp thu nhanh khoa học – công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực xanh.
Với lợi thế là nước đi sau, trình độ công nghệ còn thấp đang là cơ hội lớn cho nước ta áp dụng các công nghệ tiên tiến, có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, cũng như giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính.
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên lợi thế so sánh cao, vị trí địa chính trị quan trọng; về khách quan đang trở thành một trung tâm của vùng Đông Nam Á, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú để phát triển nền kinh tế xanh.
Với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong định hướng phát triển bền vững, Việt Nam đã, đang và sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế (UNDP, Ngân hàng Thế giới, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ…) trong ứng phó với BĐKH nói riêng và tăng trưởng xanh nói chung. Tất cả những yếu tố tích cực đó đang hội tụ lại thành bàn đạp cho Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh và khẳng định sự lựa chọn “tăng trưởng xanh” là phương án tối ưu cho PTBV, xóa đói, giảm nghèo của đất nước.
Phat trien mo hinh kinh te xanh: Lam the nao vuot qua thach thuc?
 Ảnh minh họa.
Nền kinh tế xanh không thể thiếu sự vận hành từ các nguồn năng lượng tái tạo. Với hơn 3000 km bờ biển và nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng gió với ước tính khoảng 500-1000 KWh/m2/năm.
Hiện tại cũng đã có một số dự án điện gió được triển khai ở một số tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận) và tại một số huyện đảo nơi gặp khó khăn trong kéo điện lưới quốc gia. Tiềm năng năng lượng sinh khối ở nước ta chủ yếu từ gỗ, phế thải từ cây nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, rác thải đô thị và chất thải hữu cơ khác… đều là những thứ có sẵn ở Việt Nam.
Sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm trong đó 40% sinh khối được khai thác đưa vào sử dụng cho mục đích năng lượng.
Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp. Bên cạnh đó là tiềm năng của nguồn năng lượng mặt trời.
Việt Nam có tổng số giờ năng trong năm dao động từ 1.400 đến 3.000 giờ, tổng bức xạ mặt trời trung bình năm khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5 KWh/m2/ngày phân bổ trên khắp đất nước.
Tuy nhiên tất cả các loại năng lượng này vẫn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác phục vụ. Trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, đây là cơ hội lớn của nước ta trong phát triển kinh tế phát thải các bon thấp, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong nhập khẩu nhiên liệu.
Khó khăn cũng lắm…
Bên cạnh những thuận lợi như đã nêu ở trên, phát triển mô hình kinh tế xanh ở Việt Nam đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức như sau:
Một là, nhận thức và trình độ phát triển nói chung còn thấp, bị tụt hậu so với nhiều nước sau những năm chiến tranh kéo dài đang để lại những hậu quả không nhỏ, cần có thời gian và nguồn lực lớn để khắc phục.
Hai là, thể chế quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, bất cập chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa.
Ba là, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, còn nhiều lãng phí, tài nguyên thiên nhiên (vốn tự nhiên), nhất là tài nguyên sinh vật, bị suy thoái nghiêm trọng, tài nguyên không tái tạo bị khai thác cạn kiệt.
Bốn là, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chậm đổi mới: công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới chủ yếu là công nghệ cũ, lạc hậu, đã làm cho quá trình sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, do đó, chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, gia tăng phát thải khí nhà kính. Chi cho đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ còn hạn chế.
Phat trien mo hinh kinh te xanh: Lam the nao vuot qua thach thuc?-Hinh-2
 Ảnh minh họa.
Năm là, hợp tác quốc tế chưa hiệu quả. Để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường là công việc của cả thế giới chứ không chỉ của riêng nước nào. Vì vậy, để xử lý vấn đề môi trường – những vấn đề có tính thách thức toàn cầu này đòi hỏi các nước phải cùng hành động. Trong khi đó, không phải nước nào cũng có thiện chí và thực hiện đúng cam kết với đối tác. Do đó, nó có thể phá vỡ mục tiêu chóng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Sáu là, nguồn lực cho thực hiện kinh tế xanh chưa được chuẩn bị đầy đủ. Phát triển mô hình kinh tế xanh liên quan đến đổi mới công nghệ. phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải các bon thấp, đầu tư phát triển một số lĩnh vực mới. Muốn làm được những điều đó đòi hỏi phải đầu tư và có nguồn vốn lớn không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nhất là việc sử dụng năng lượng tái tạo
Giải pháp nào?
Để thực hiện tốt và hiệu quả hơn các định hướng ưu tiên phát triển bền vững nền kinh tế, nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế xanh, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp, như sau:
- Tuyên truyền, giáo dục định hướng, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp xã hội, nhằm thay đổi tư duy, nhận thức về nền kinh tế truyền thống “nâu” không bền vững chuyển sang nền kinh tế xanh trường tồn, trên cơ sở đó có những hành động và giải pháp thích hợp để xây dựng nền kinh tế xanh ở Việt Nam.
- Hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.
Cần phải nhanh chóng rà soát lại những rào cản, hạn chế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ để tiến tới phân bổ và huy động nguồn lực từ vốn tự nhiên (đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên sinh thái) để phục vụ phát triển bền vững đất nước, tạo động lực đột phá để huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các tác động đến môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Thực hiện việc rà soát hệ thống chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội về kinh tế xanh. Xây dựng và từng bước để hoàn thiện hệ thống chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế xanh, trong đó chú trọng đến nền sản xuất các-bon thấp, xanh hóa nền sản xuất ở tất cả các lĩnh vực, thay đổi thói quen tiêu dùng và đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh cho đội ngũ cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Phat trien mo hinh kinh te xanh: Lam the nao vuot qua thach thuc?-Hinh-3
Ảnh minh họa. 
Thực hiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về tăng trưởng xanh trong ngành giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu, lựa chọn đưa các môn học và nội dung về kinh tế học sinh thái, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, tiêu dùng bền vững, kiểm toán môi trường, khai thác tài nguyên bền vững, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học vào các cấp học và bậc học trong hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học.
- Đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của “nền kinh tế xanh” như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; định hướng lại đầu tư, hướng tới mức đầu tư khoảng 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ môi trường. Dành nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý khoa học và tranh thủ khai thác, ứng dụng công nghệ từ các quốc gia phát triển…
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển “kinh tế xanh”, các cơ chế tài chính khác cho phát triển rừng...
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống công cụ kinh tế và tài chính hướng tới phát triển mô hình kinh tế xanh thông qua hệ thống thuế tài nguyên và thuế môi trường nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)