Thân xác đôi mươi, tâm trí vẫn chỉ 10 tuổi vì… nghiện game online

Google News

Tại Bệnh viện Quân y 103, khoa Tâm thần của viện này đã và đang điều trị cho không ít bệnh nhân dù thân xác sinh học đã 16-20 tuổi nhưng bác sĩ đánh giá, trí tuệ, tương tác của em chỉ như một đứa trẻ lên 5, lên 10 tuổi.

Mê game đến nghiện, đánh cả người thân
T.V.V (16 tuổi, ở Hà Nội) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mẹ ly hôn từ khi em còn nhỏ, V sống cùng mẹ và bà ngoại, họ cũng rất bận rộn với công việc của mình. Mẹ V đã sắm nguyên dàn máy tính “xịn” với mong muốn con tìm kiếm tốt thông tin phục vụ học tập nhưng không ngờ đó lại là công cụ để V dồn hết thời gian của mình vào việc chơi game. Được vài năm, V thành game thủ nổi tiếng trên mạng.
Than xac doi muoi, tam tri van chi 10 tuoi vi… nghien game online
Nghiện game sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não. Ảnh: Chí Cường 
Thấy con mải chơi, mẹ V nhiều lần khuyên con ra ngoài chơi cùng bạn bè nhưng V lại nhất quyết ở trong phòng máy tính, bởi lý do đơn giản: Ra ngoài không có Internet, không thể thoả mãn đam mê game của mình.
V chơi game quên ăn quên ngủ, quên các mối quan hệ xung quanh. Thậm chí, tính tình V cũng thay đổi, rất dễ nổi cáu, thường xuyên đánh, quát lại mẹ và bà ngoại. Quá lo lắng, mẹ V quyết định cách ly con với máy tính và game, nhưng cháu lại tìm cách trốn ra khỏi nhà để tìm đến chỗ có thể thỏa mãn cơn nghiện game. Đến lúc thấy con mình ốm yếu, gầy gò, mặt mũi lờ đờ, gia đình tức tốc cưỡng chế đưa V đi khám ở Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103.
ThS.BS Nguyễn Tất Định, người thăm khám cho V chia sẻ, bác sĩ đã tư vấn cho gia đình phối hợp cùng bệnh viện điều tiết sinh hoạt để cắt cơn nghiện game của V dần dần, khuyên cháu ăn uống và sinh hoạt điều độ. “Bệnh nhân được nhập viện làm một số xét nghiệm thường quy, sau đó điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, nếu trường hợp nặng phải kết hợp với thuốc an thần. Nếu các thuốc không phát huy khả năng ngăn các dấu hiệu sẽ sử dụng liệu pháp sốc điện làm thay đổi 5 hormone thần kinh, đồng thời xóa tạm thời đường thần kinh trong cơ thể, những sự kiện không mong muốn…", BS Định cho hay.
Điều quan trọng là V dù đã 16 tuổi nhưng các bác sĩ đánh giá, trí tuệ, tương tác của em chỉ như một đứa trẻ lên 10 tuổi. Trước đó, cũng tại khoa Tâm thần này từng tiếp nhận trường hợp một nam thanh niên nghiện game online rất trầm trọng, khi vào viện điều trị tuy đã 21 tuổi nhưng mọi cảm xúc và trí tuệ, hiểu biết thể hiện ra chỉ như đứa trẻ 12 tuổi.
“Với những người nhiều tuổi hơn vào điều trị do nghiện game online thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật. Đặc biệt, một tỷ lệ lớn trẻ nghiện game online kéo dài sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo”, BS Định cho biết thêm.
Con mải game online, khi nào nên đưa đi khám?
Thông tin tại Hội thảo “Nghiên cứu điều trị về nghiện game và trầm cảm ở thanh, thiếu niên” vừa được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức, ThS.BS Lê Thanh Hà - Học viện Quân y cho hay: 10 năm qua, tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam tăng với tốc độ chóng mặt, gấp 10-100 lần các nước khác trong khu vực châu Á. Độ tuổi sử dụng Internet trung bình ở Việt Nam (năm 2015) cũng trẻ nhất (21 tuổi), đặc biệt tỷ lệ người sử dụng dưới 19 tuổi rất cao, lên đến 50%. Qua khảo sát các hành vi sử dụng Internet trực tuyến của người Việt Nam, có đến 87% người Việt vào Internet nghe nhạc trực tuyến và tới 62% để chơi game online.
“Theo một nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, có đến 11,6% thanh niên Việt Nam tuổi từ 15-19 bị trầm cảm, 17,9% thanh niên từ 20-24 tuổi bị trầm cảm. Trong đó, có nhiều bệnh nhân trầm cảm liên quan đến việc nghiện chất, nghiện game”, BS Lê Thanh Hà nói.
Chuyên gia y tế Trần Thị Mỹ Hạnh (ĐH Y tế Công cộng) cho biết, người nghiện game thường có biểu hiện tự cô lập mình với gia đình, bạn bè hoặc mọi hình thức tiếp xúc với xã hội và dồn sự tập trung nhiều nhất vào chơi game vì bị thu hút mạnh hơn tất cả các sự kiện khác trong cuộc sống. Vị chuyên gia này cho rằng, nghiện game online gây nhiều tác hại. Người sử dụng Internet 5 - 6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội. Bản chất cơ chế bệnh sinh của nghiện game và trầm cảm đều gây ra bởi tình trạng rối loạn cân bằng của nhóm 5 hormone Dopamin, Endorphin, Testosterol, Oxytocin, Serotonin – còn gọi là dàn nhạc 5 hormone hạnh phúc.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu con có biểu hiện chơi game thâu đêm không ăn uống; loạn thần như hay gào thét bất thường hoặc ủ ê, không quan tâm mọi thứ xung quanh; hoang tưởng, phải đi khám ngay.
Hiện tại, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng các cộng sự đang tiến hành nghiên cứu điều trị về nghiện game và trầm cảm ở thanh, thiếu niên. Dự án này vừa được khởi động và dự kiến nghiên cứu trong 3 năm trên các đối tượng thanh, thiếu niên nghiện game online. Đây sẽ là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về nghiện game online, với hy vọng mở ra cơ hội điều trị tốt các rối loạn tâm thần cũng như đem lại cơ hội bảo tồn được ổn định tâm lý của trẻ sau điều trị nghiện game online.
Theo Quỳnh An/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)