Sự thật lá bùm sụm và đu đủ xanh chữa khỏi bướu cổ

Google News

Bướu cổ bệnh gây ra những khó khăn trong sinh hoạt và thường khó phát hiện vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng, ngoài một số biểu hiện như cổ to ra.

Tác dụng bùm sụm và đu đủ xanh?
Theo nhiều chị em chia sẻ trên mạng xã hội để chữa khỏi bệnh bướu cổ chỉ cần dùng lá bùm sụm và đu đủ xanh giã vắt lấy nửa chén nước cốt, uống nước cốt này vào buổi sáng sau khi ăn sáng. Ngoài ra, xác lá xào với 1 muỗng canh dấm, xào cho nóng, rồi bó xác lá này vô cổ, bỏ ra sau 2 tiếng một ngày bó 1 lần, bó trong 10 ngày. Còn nếu dùng trái đu đủ chỉ cần hơ nóng một trái đu đủ non, rồi lăn lên cổ, khi trái đu đủ hết nóng thì hơ cho trái nóng lại rồi lăn tiếp. Lăn như vậy từ 7 đến 9 lần trong một đợt. Một ngày lăn 3 đợt, lăn như vậy trong 2 tuần bệnh sẽ khỏi.
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với lương Y Bùi Hồng Minh (Hội đông Y quận Ba Đình). Ông cho hay, trong Đông y, lá bùm sụm (hay còn gọi chùm rụm) có tác dụng giải nhiệt rất tốt cho gan, nếu nấu nước này lên thay cho nước chè uống hàng ngày rất tốt. "Còn về chữa bướu cổ thì chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, bùm sụm có tác dụng hỗ trợ chữa đau lưng và buốt chân tay nếu dùng bụm xụm uống trong mùa lạnh rất tốt", ông nói.
"Trong quả đu đủ xanh có các loại vitamin như: vitamin A, C, B1, B2. Đặc biệt, nó chứa nhiều enzyme tự nhiên, trong đó enzyme rất tốt cho cơ thể và có công dụng trong hỗ trợ các bệnh về xương khớp. Chỉ cần dùng đu đủ xanh hầm xương hay nấu canh rất tốt cho những người mắc chứng bệnh về khớp. Nói về tác dụng chữa khỏi bệnh bướu cổ chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này. Vì vậy, khi dùng bất kỳ loại lá nào để chữa bệnh cũng cần tham khảo người có chuyên môn”, Lương Y Bùi Hồng Minh cho biết
Su that la bum sum va du du xanh chua khoi buou co
Khi sử dụng loại lá nào uống chữa bệnh nên tham khảo người có chuyên môn. 
Thấy dấu hiệu khác thường nên đi khám
Theo bác sĩ Đặng Bá Hiệp (Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội), bướu cổ còn có nhiều tên gọi khác như: bệnh Basedow, bệnh cường giáp, bướu tim, bướu độc. Bệnh bướu cổ thường tiến triển chậm và kéo dài nhiều năm. Có những trường hợp bệnh nhân không điều trị và bướu tồn tại hàng chục năm cho đến già mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, đại đa số các trường hợp bướu tăng dần và gây rất nhiều biến chứng như khó thở, chèn ép khó nuốt, nói khàn, rối loạn nhịp tim, thay đổi huyết áp.
Nguyên nhân của bệnh bướu cổ là do thiếu muối i-ốt, tuyến giáp trạng cần hấp thu các i-ốt vô cơ làm dinh dưỡng, tuy nhiên khi bộ phận này không thể nhận đủ lượng i-ốt cần thiết thì sẽ dẫn tới tình trạng kích thích tố tuyến giáp trạng dẫn tới suy giảm trong sự bài tiết. Lúc này, tuyến giáp trạng buộc phải tăng thêm kích thước để sản xuất hormone nên bị sưng to ra thành bướu cổ.
Ngoài ra, bướu cổ còn có thể là do một số nguyên nhân khác như rối loạn bẩm sinh, dùng một số loại thuốc kéo dài chữa hen, thấp khớp, thuốc kháng giáp tổng hợp…
Biểu hiện bệnh có thể khác nhau ở mỗi người nhưng thường là: Mệt mỏi, đau cơ, rụng tóc, táo bón, chán ăn, nói khàn, giảm trí nhớ. Khi mắc bệnh vùng cổ có một hoặc nhiều cục bất thường không đau nhưng lại di động theo nhịp nuốt. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng đáng nghi ngờ, bệnh nhân nên cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị.
Theo Phúc Linh/Em Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)