Sai lầm của cha mẹ khi dạy con

Google News

Bảo vệ trẻ khỏi mọi khó khăn, thử thách; chỉ chăm chăm khen ngợi các thành tích của trẻ; cấm con khóc… là những sai lầm của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con.

Nhà tâm lý Mary Trump - tác giả cuốn sách "Too much and never enough: How my family created the world's most dangerous man" (Tạm dịch: Cách gia đình tôi tạo ra người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới) đã phân tích về những hành vi của cha mẹ gây hậu quả đến sự phát triển của trẻ.

Theo Mary Trump, hầu hết mọi người đều thấy, hành vi ngược đãi nghiêm trọng như: lạm dụng hoặc bỏ rơi có thể ảnh hưởng lâu dài đến trẻ em. Nhưng còn những hành vi độc hại khác - ít được nhận ra của cha mẹ cũng có thể gây hại cho con.

Dưới đây là 10 hành vi nuôi dạy có thể để lại hậu quả xấu khi con trưởng thành được liệt kê trong cuốn sách:

1. Bảo vệ trẻ không bị đau

Nhiều phụ huynh không muốn để trẻ bị đau nên thường che chắn cho con khỏi mọi sự khó chịu.

Nhưng việc này vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ khiến đứa trẻ thiếu kinh nghiệm đối phó với nỗi đau. Khi trưởng thành, chúng có thể bị suy sụp, dễ đầu hàng khi gặp nghịch cảnh, khó khăn.

2. Triệt tiêu các cảm xúc của con

Việc yêu cầu trẻ "ngừng lo lắng" hoặc "ngừng khóc" sẽ gửi đi một thông điệp rằng, cảm xúc của con rất tệ. Điều này dạy con phải che giấu cảm xúc của mình. Khi lớn lên, đứa trẻ sẽ học cách che giấu cảm xúc thật hoặc làm tê liệt nỗi đau bằng những cách không lành mạnh.

3. Chỉ khen ngợi thành tích của con

Khi cha mẹ khen trẻ đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra toán hoặc nhiều điểm nhất trong trò chơi, họ dạy trẻ rằng, thành tích quan trọng hơn mọi thứ khác.

Nhiều đứa trẻ chỉ nghe được lời khen về thành tích thay vì nỗ lực để đạt được thành công hoặc dũng cảm thử một điều gì đó khi lớn lên sẽ trở thành những người bất chấp tất cả để thành công. Trẻ có thể sẵn sàng nói dối, gian lận và ăn cắp để có được chiến thắng.

4. Sống gián tiếp thông qua con

Rất nhiều cha mẹ có những vết thương lòng chưa lành nên đã muốn con thực hiện việc mình chưa làm được, như một cách để chữa lành những vết thương.

Những đứa trẻ này lớn lên sẽ không có niềm tự hào về bản thân, kém năng lực chịu trách nhiệm. Chúng có thể bực bội với cha mẹ, đồng thời cũng phụ thuộc cha mẹ để giúp đưa ra quyết định.

5. Mong đợi sự hoàn hảo

Đặt ra các yêu cầu có thể tốt cho trẻ em. Nó dạy con rằng, con có thể làm được nhiều hơn những gì con nghĩ.

Nhưng mong đợi sự hoàn hảo sẽ khiến trẻ cảm thấy áp lực. Trẻ lớn lên sẽ trở thành người dễ gục ngã trước một thất bại nhỏ hoặc cảm thấy mình không đủ tốt vì không thể đạt được những gì bạn đã nói.

6. Sử dụng nỗi sợ hãi để đạt được sự tuân thủ

Cha mẹ đe dọa, đánh mắng… khiến con nghe lời hơn nhưng việc khiến trẻ sợ hãi này có thể phản tác dụng.

Trẻ sẽ đưa ra quyết định dựa trên nỗi sợ hãi thay vì dựa trên những gì chúng thực sự tin là đúng. Điều này khiến con trở thành một người trưởng thành không có sự tự chủ, sống phụ thuộc vào ý kiến, thái độ của người khác.

7. Cố gắng tranh giành tình yêu của con

Một số cha mẹ dù ly hôn hay đang hạnh phúc thường tìm cách giành giật tình yêu của con. Thậm chí, không ít bà mẹ, ông bố nói xấu đối phương sau khi ly hôn để con trở thành đồng minh của mình.

Việc giành được sự ủng hộ của một đứa trẻ có thể khiến cha mẹ cảm thấy thoải mái trong giây lát, nhưng lại gây hại cho trẻ. Khi lớn lên, con bạn cũng tìm cách thao túng người khác như một cách để đạt được điều họ muốn.

8. Khiến con cảm thấy tội lỗi

Thường xuyên nhắc nhở con rằng, bạn đã làm việc chăm chỉ như thế nào để trả tiền mua đồ của chúng.

Bạn khăng khăng rằng, nếu con thực sự yêu bạn con phải làm theo điều bạn muốn, khiến trẻ cảm thấy tội lỗi khi không làm theo lời cha, mẹ.

Điều này cũng khiến trẻ có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ muốn lừa đảo lấy thông tin của trẻ hoặc lợi dụng trẻ làm công cụ cho chúng bằng việc sử dụng các tội lỗi tương tự.

Trẻ cũng có thể sẽ biến thành người sử dụng cảm giác tội lỗi như một vũ khí chống lại những người thân yêu.

9. Bắt con trở thành trụ cột từ sớm

Cha mẹ cung cấp cho trẻ nhiều thông tin và trách nhiệm hơn khả năng của chúng làm tăng lo lắng và khiến chúng cảm thấy như bạn không được trang bị để lãnh đạo gia đình.

Lớn lên con sẽ là người luôn lo lắng, cố gắng kiểm soát mọi thứ xung quanh để có cảm giác an toàn.

10. Không có tình cảm

Trẻ em cần sự hiện diện của bạn hơn là các món quà. Những bậc cha mẹ luôn dán mắt vào điện thoại hoặc quá bận rộn và căng thẳng với công việc, ít dành thời gian cho con đều không thúc đẩy sự phát triển cảm xúc của con họ.

Những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ không có tình cảm có thể gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ lành mạnh, có ý nghĩa khi trưởng thành.

Theo Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)