Những tuyệt chiêu diệt “nạn” phong bì bác sĩ

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội mở dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, chi phí đắt đỏ, để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận bệnh nhân và cải thiện nguồn thu cho bệnh viện.

Hiện nay, bài toán ngăn chặn triệt để “nạn phong bì” của ngành y tế vẫn đang trong quá trình tìm lời giải. Theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện phải tiến hành ký cam kết với toàn bộ các khoa và cán bộ trong bệnh viện về việc không nhận quà biếu trước và trong quá trình điều trị hay xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như nhận phong bì của bệnh nhân … Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa thực sự mang lại những kết quả như mong đợi.

Trong thực tế, có rất nhiều bệnh viện công ngoài thực hiện sự chỉ của Bộ Y tế về việc ngăn chặn “nạn phong bì” thì mỗi bệnh viện cũng đang chủ động áp dụng những phương pháp riêng nhằm giải quyết dứt điểm tệ nạn này. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế thì những biện pháp dưới đây có thể xem là khả thi khi áp dụng.

Nâng cao thu nhập công khai bằng dịch vụ

Hiện nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội mở dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, chi phí đắt đỏ, để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận bệnh nhân và cải thiện nguồn thu cho bệnh viện.

Trao đổi với Kiến Thức, ông Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, có nhiều cách để nâng cao thu nhập chính đáng cho các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trong đó có thể dựa vào hai nguồn chính: nguồn cung từ ngân sách nhà nước và tự thân các bệnh viện. Theo đó, bệnh viện có thể mở những dịch vụ tự nguyện cho bệnh nhân nhằm tăng nguồn thu cho bệnh viện, từ đó có thêm những khoản phụ cấp cho các bác sĩ, điều dưỡng.

Thực tế, tại các bệnh viện lớn các dịch vụ khám tự nguyện cũng đã được áp dụng, điển hình như Bệnh viện Bạch Mai có khoa Khám bệnh tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có dịch vụ đẻ và mổ theo yêu cầu, hay bệnh viện Nhi Trung ương có Khoa Điều trị tự nguyện A …
 Dịch vụ khám bệnh tự nguyện đang được một số bệnh viện Trung ương ở Việt Nam áp dụng.

PGS. TS Nguyễn Thanh Liêm - GĐ BV Nhi Trung ương cho biết, khoa Điều trị tự nguyện A của viện Nhi đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm tải bệnh viện và là nguồn thu để tăng thêm thu nhập cho bệnh viện từ đó có những phụ cấp chính đáng cho đội ngũ bác sĩ. 

Còn bác sĩ Trần Kinh Trang, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, chia sẻ: “Đây là một cách làm hiệu quả giúp giảm tiêu cực và nạn đưa và nhận phong bì trong ngành y”.

Tăng cường giám sát

Biện pháp thứ hai cũng được cho là khá khả thi, đó là tăng cường kiểm tra giám sát chặt trẽ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện.

Bệnh viện Đà Nẵng là một trong những bệnh viện đầu tiên áp dụng bệnh viện điện tử, từ quản lý nhân sự, bệnh nhân đến dược phẩm... Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Đây là tiền đề quan trọng để bệnh viện nâng cấp và ứng dụng mô hình bệnh viện điện tử trong thời gian tới”.

Theo dược sĩ Nguyễn Tấn Hải, Trưởng khoa Dược bệnh viện Đà Nẵng, việc áp dụng quản lý theo dõi thông tin qua mạng nội bộ của bệnh viện sẽ giúp quản lý chính xác đến từng viên thuốc. 

Cũng theo lãnh đạo bệnh viện này, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện không chỉ giúp quản lý chính xác vật tư, dược liệu mà nó còn góp phần chống tình trạng quá tải trong bệnh viện cũng như quản lý nhân sự tốt hơn để tránh tình hối lộ, phong bì.

Một kiểu giám sát "cứng" nữa được các bệnh viện áp dụng là lắp đặt camera theo dõi. Thông thường, camera được đặt ở các khu vực quan trọng trong bệnh viện như phòng khám, phòng phẫu thuật, phòng hậu phẫu, khu vực thu viện phí..., những nơi có thể xảy ra tiêu cực. Ví dụ, ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, camera được đặt ở khu vực phòng khám (cả hành lang khu khám bệnh), phòng hậu phẫu... Bệnh viện này bố trí hẳn một nhóm nhân sự giám sát hệ thống camera và một lãnh đạo bệnh viện sẽ trực công việc giám sát này.

Kinh nghiệm thế giới

Trên thế giới, nhiều nước coi việc tăng thu nhập cho bác sĩ không chỉ để đền bù sự vất vả và trách nhiệm cao của bác sĩ, mà còn là biện pháp tối ưu phòng tránh tiêu cực.

Điển hình là ở Nga, trong cuộc vận động ứng cử năm 2012, Thủ tướng Nga Putin (thời điểm lúc đó – p/v), đã cam kết sẽ tăng gấp đôi lương bác sĩ vào năm 2018. Hay ở Mỹ, theo thống kê mới nhất cuối năm 2012, 10 công việc hưởng lương cao nhất tại Mỹ đều liên quan đến sức khỏe. Trong đó thu nhập của các bác sĩ luôn dẫn đầu: bác sĩ nhãn khoa (94.990 USD/năm), bác sĩ trị liệu (72.320 USD/năm), chuyên gia y tế 76.700 USD/năm...
 Áp dụng mô hình bệnh viện điển tử đang được nhiều nước áp dụng.

Trung Quốc là một quốc gia rất chú trọng đến vấn đề hối lộ trong ngành y. Cuối năm 2012, Bộ Y tế Trung Quốc đã ra một Thông tư yêu cầu bệnh nhân và các bệnh viện nước này phải ký một văn bản cam kết không có hành động đưa và nhận "phong bì". 

Theo đó, khi một bệnh viện công tiếp nhận một bệnh nhân mới, hai bên sẽ phải ký thỏa thuận bệnh nhân cam kết không hối lộ còn bệnh viện và các bác sĩ cam kết không nhận hối lộ. Thỏa thuận này sẽ được coi là một phần bắt buộc trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Các văn kiện mới này cũng yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh giám sát quyền hạn và trách nhiệm của các nhân viên y tế. Đặc biệt cần tập trung vào các vị trí dễ phát sinh tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ.

Lê Phương

Bình luận(0)