Người phụ nữ bị hoại tử, phải tháo ngón tay từ vết ngứa nhỏ

Google News

Xuất hiện vết ngứa nhỏ rồi nhanh chóng lan rộng, sưng đỏ, đau nhức dữ dội, người phụ nữ 44 tuổi ở Hà Nội phải tháo một ngón tay và chịu nhiều di chứng.

Chiều 9/12, theo tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại đây vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân bị nhiễm tụ cầu vàng.
Trước đó, chị T. T. Y (44 tuổi, Hà Nội) xuất hiện một vết ngứa nhỏ ở bàn tay trái nhưng nhanh chóng lan rộng, sưng đỏ và đau nhức dữ dội. Khi tổn thương đã lan khắp bàn tay, chị Y đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và nhập viện điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống.
Nguoi phu nu bi hoai tu, phai thao ngon tay tu vet ngua nho
Bàn tay của bệnh nhân hoại tử nặng do nhiễm tụ cầu vàng. Ảnh BVCC. 
Tại đây, một phần da tay và ngón út của chị đã bị hoại tử và buộc phải tháo bỏ. Chị Y được chẩn đoán viêm mô bào bàn tay do nhiễm tụ cầu vàng. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm thường gặp trong các ca nhiễm trùng da.
Với ca bệnh này, các bác sĩ đã điều trị phối hợp phẫu thuật làm sạch nhiễm trùng và kiểm soát đường huyết của bệnh nhân. Các bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật cắt lọc hoại tử hai lần để loại bỏ mô chết, đồng thời đặt hệ thống hút áp lực âm nhằm thúc đẩy tái tạo mô.
Khi vết thương sạch, tổ chức hạt tốt, bác sĩ đã thực hiện chuyển vạt che phủ khuyết hổng và vá da dày cho bệnh nhân. Quá trình điều trị kéo dài hơn một tháng, bao gồm việc phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, cùng với vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng vận động bàn ngón tay.
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Mạnh Hà, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống, nữ bệnh nhân có tiền sử tiểu đường tuýp 2, thiểu năng trí tuệ, không được kiểm soát tốt đường huyết và không khám định kỳ. Trên nền bệnh tiểu đường, tình trạng nhiễm trùng lan rộng nhanh chóng. 
Các bác sĩ khuyến cáo, viêm mô bào là một bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt đối với bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường. Để phòng ngừa, người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt lưu ý các tổn thương trên da. Nếu phát hiện các dấu hiệu như sưng đỏ, đau nhức hoặc viêm tấy lan rộng, cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trước đó, người phụ nữ (30 tuổi, ngụ Vĩnh Long) xuất hiện nốt phồng nhỏ trong lòng bàn tay, có điều trị tại một cơ sở y tế nhưng không thuyên giảm.
Sau đó vết thương trên bàn tay sưng, đỏ, đau nhức dữ dội và lan rộng dần lên đến cổ tay. Nhận thấy cơn đau không thuyên giảm và có dấu hiệu nặng hơn nên chị đã quyết định đến khám tại Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long vào ngày 4/11.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa, nhận định đây là trường hợp nhiễm trùng nặng ở bàn tay, có nguy cơ nhiễm trùng huyết, cần sử dụng kháng sinh mạnh, theo dõi sát tình trạng bệnh nhân. Đồng thời giải thích, tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân về kế hoạch điều trị, tiến hành phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử, sau đó sẽ ghép da.
Bác sĩ Thanh Tùng (chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long) cho biết, nhiều trường hợp từ một vết thương rất nhỏ nhưng không được xử trí ban đầu tốt nên bị nhiễm trùng. Đặc biệt với viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở da và mô mềm dưới da do vi khuẩn xâm nhập. Viêm mô tế bào có biểu hiện đặc trưng là một vùng da bị sưng, nóng, đỏ và đau, có thể xuất hiện mụn mủ. Nếu chậm trễ xử lý, viêm mô tế bào có thể lan rộng và gây ra biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết.
"Để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ các vết thương, mọi người nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được đánh giá và xử lý vết thương đúng cách, đặc biệt đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền kèm theo", bác sĩ khuyến cáo.
Bình Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)