Mụn cơm sinh dục dễ lây và nguy hiểm thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Mụn cơm thường lành tính nhưng đôi khi lại gây nguy hiểm nhất là ở đường sinh dục.

Mụn cơm là những nốt sùi nhỏ lành tính trên da do một loại virus gọi là papillomavirus người (HPV) gây ra. Virus khiến cho các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh. Có người bị mụn cơm do HPV, còn bị một khiếm khuyết về gen khiến cho các nốt sùi mào gà mọc khắp thân thể và không ngừng tăng nhanh về kích thước và được mệnh danh là "người cây". Mụn cơm khác với nốt ruồi, không gây ung thư và thường tự khỏi. Tuy nhiên, có những người không khỏi được và để lại những hậu quả nghiêm trọng, không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm cho họ mất việc, tan vỡ hạnh phúc gia đình và có thể lây lan cho người tiếp xúc với họ, nhất là qua đường tình dục. 
 
HPV có hàng trăm tuýp khác nhau, một số týp rất dễ lây lan qua dịch tiết âm đạo khi quan hệ tình dục. Vì vậy, không nên quan hệ tình dục bừa bãi. Tốt nhất, là trong mọi trường hợp cần sử dụng bao cao su đúng cách, tức là phải mang bao cao su ngay từ khi bắt đầu quan hệ và tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể có thể mang rất nhiều virus HPV.
Các tuýp HPV khác có thể gây mụn cơm ở những vị trí khác nhau trên cơ thể. Mụn cơm lòng bàn chân xảy ra ở lòng bàn chân. Có biểu hiện là một nốt sần nhỏ màu hồng hoặc nâu nhạt với những chấm đen li ti. Những chấm này là các mao mạch bị huyết khối bít tắc. Mụn cơm sinh dục là bệnh hay gặp nhất trong số các bệnh lây qua đường tình dục. Mụn có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục, vùng mu hoặc trong ống hậu môn. Ở phụ nữ mụn cơm sinh dục có thể mọc trong âm đạo gây biến đổi tế bào cổ tử cung và thậm chí gây ung thư tử cung. Hay gặp trên da là mụn cơm phẳng, thường nhỏ hơn và mềm hơn các loại mụn cơm khác, thường mọc ở mặt hoặc chân và hay gặp ở trẻ em hơn ở người lớn.
Nguyên nhân gây ra mụn cơm là do virus HPV. Mụn cơm xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với papillomavirus người (HPV). Bệnh lây từ người sang người do chạm vào khăn hoặc các vật dụng khác mà người nhiễm virus đã dùng. Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với HPV đều sẽ bị mụn cơm, vì mỗi người có đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số loại mụn cơm, như mụn cơm sinh dục khá dễ lây, song khả năng bị lây mụn cơm thông thường từ người khác là rất ít.
Điều trị mụn cơm chủ yếu là dùng thuốc để tiêu diệt virus HPV vì mục đích thẩm mỹ hoặc để ngăn ngừa bệnh lây lan. Thuốc điều trị thông thường là axit salicylic, một chất dùng ngoài da để bạt sừng, bong vẩy và hạn chế virus lây lan. Một số biện pháp khác gồm như áp lạnh hay còn gọi là liệu pháp phun nitơ lỏng. Bác sĩ sẽ phun nitơ lỏng vào vùng có mụn cơm. Hơi lạnh sẽ tạo thành nốt phỏng quanh mụn, sau đó mô chế sẽ bong ra trong vòng khoảng một tuần. Hiện nay, người ta hay dùng biện pháp vi phẫu để giải quyết dứt điểm những mụn cơm trên da gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của bệnh nhân. 
Phòng bệnh mụn cơm cần chú ý không kỳ cọ, chải, kẹp hoặc cạo râu ở vùng có mụn cơm. Không dùng giũa hoặc bấm móng tay giữa chỗ có mụn cơm và móng lành. Khuyến cáo trẻ em không cắn móng tay, không châm chích vào mụn cơm vì có thể làm lây lan virus. Chú ý luôn giữ tay sạch và khô. Rửa sạch tay sau khi sờ vào mụn cơm. Đối với sự lây lan HPV cần chú ý nhất đến các mối quan hệ có yếu tố tình dục. Để bảo vệ an toàn cho bạn và gia đình, biện pháp hay nhất vẫn là sống lành mạnh, vệ sinh thân thể đúng cách và chung thủy trong quan hệ vợ chồng.
ThS Lê Quốc Thịnh (Bệnh viện Thanh Hóa)

Bình luận(0)