Khóc cười những chuyện uống rượu ngày Tết

Google News

Trong những ngày Tết có mặt tại khoa Cấp cứu bệnh viện (BV) quận Thủ Đức và BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), chúng tôi đã ghi được nhiều câu chuyện hi hữu liên quan đến việc uống rượu.

Rạng sáng 5-2 (mùng Một Tết), cửa khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định bật mở. Hai điều dưỡng đẩy một phụ nữ tầm 46 tuổi nằm trên băng ca vào. Người này mắt nhắm nghiền, nồng mùi rượu, miệng ngậm cây đũa dính máu. Theo sau là hai người nhà hớt hải cấp cứu.
Để tôi chết!
“Bác sĩ (BS) ơi cứu chị tôi với! Chị tôi tự cắn lưỡi” – người thanh niên nói, giọng hốt hoảng.
Người thanh niên nói tiếp: “Không biết chị tôi buồn chuyện gì mà ba ngày nay liên tục uống rượu. Lúc thì uống một mình, khi thì uống chung vài ông hàng xóm. Hôm nay chị tôi uống từ trưa tới tối nên say dữ lắm. Đã vậy chị tôi còn cắn lưỡi nên tôi cho ngậm chiếc đũa”.
Khoc cuoi nhung chuyen uong ruou ngay Tet
Các bác sĩ đang cố gắng tiếp cận để điều trị cho người phụ nữ cắn lưỡi sau uống rượu. Ảnh: TRẦN NGỌC 
Trong lúc BS thăm khám, bà này liên tục quơ tay quơ chân nên các BS phải tạm buộc tay chân vào giường bệnh. Chưa hết, vài lần bà này ngồi dậy la toáng: “Để tôi chết, cứu tôi làm gì”. Lúc này, người nhà lật đật chạy tới giường bệnh. Tuy nhiên, BS Bá Duy Khương (trực Cấp cứu) khuyên người nhà nên ra ngoài để tránh bà này bị kích động.
Sau đó có lẽ do rượu ngấm nên người phụ nữ này tiếp tục mê man, không phản xạ.
Uống rượu đến nỗi nôn cả máu tươi
Tối 7-2 (mùng Ba Tết), khoa Cấp cứu BV quận Thủ Đức tiếp nhận liên tục ba người đàn ông trong tình trạng nôn ra máu.
Ông NVT (46 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu trong tình rạng nồng mùi rượu, mắt lơ mơ, không làm chủ bản thân.
Người nhà cho biết ông T. và vài người bạn đã “chén tạc chén thù” từ trưa tới tối. Trong khi những người bạn lần lượt “đầu hàng” và ra về thì ông T. tiếp tục uống một mình. Sau đó ông T. ói đến nỗi nôn ra cả máu tươi.
Tại khoa Cấp cứu, do ông T. luôn la hét, múa tay múa chân khiến các BS khó khăn tiếp cận. Chỉ khi ông T. rơi vào trạng thái mệt mỏi, các BS mới có thể cho uống thuốc cầm máu và giảm nôn.
Tương tự, ông VCB (48 tuổi, ở TP.HCM) cũng được đưa vào khoa Cấp cứu BV quận Thủ Đức trong tình trạng gọi không tỉnh, co giật, thở chậm, tụt huyết áp… Người nhà cho biết ông B. uống rượu đế và rượu ngâm cùng vài người hàng xóm liên tục trong sáu giờ đồng hồ. Khi hết chịu nổi, ông B. ói liên tục ra máu lẫn thức ăn.
Các BS cố gắng tiếp cận ông B. để điều trị nhưng liên tục bị ông này gạt tay gạt chân, thậm chí to tiếng rầy rà.
Xuất huyết tiêu hóa vì rượu
Cũng trong đêm 7-2, khoa Cấp cứu BV quận Thủ Đức tiếp nhận hai trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày tá tràng.
Vào BV trong tình trạng tỉnh táo, thở êm…, ông TVH (49 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) cho biết trước đó ông có uống rượu và ói ra máu, đi cầu phân đen. Ông H. còn cho biết có tiền căn viêm dạ dày do uống rượu nhiều.
Sau khi khám và thực hiện các xét nghiệm, các BS chẩn đoán ông H. bị xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày tá tràng.
Đồng “cảnh ngộ”, ông PVT (39 tuổi, ở TP.HCM) cũng được các BS chẩn đoán bị xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày tá tràng. Ông T. cho biết làm bạn với “ma men” được hơn 10 năm. Do là thợ hồ nên mỗi chiều ông T. cùng “chiến hữu” lai rai vài lít rượu đế. Chỉ khi ói ra máu và đi tiêu phân đen liên tục hai ngày ông T. mới đến BV.
BS Nguyễn Duy Khương (trưởng tua cấp cứu) cho biết, xuất huyết tiêu hóa cần được can thiệp sớm bằng nội soi. Nếu kéo dài sẽ mất nhiều máu, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, buồn nôn. Trường hợp nặng có nguy cơ tử vong.
Ngày Tết số người say rượu tăng gấp đôi
Theo BS Bá Duy Khương (khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định) hầu như ca trực cấp cứu nào cũng ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện do say rượu. Người say rượu vào điều trị lát sau sẽ khỏi. Tuy nhiên người say rượu nếu bị chấn thương đầu hoặc gãy tay, chân thì hậu quả để lại suốt đời.
Tương tự, BS Nguyễn Duy Khương (khoa Cấp cứu BV quận Thủ Đức) cho rằng ngày thường tiếp nhận độ 3-4 ca say rượu. Thế nhưng con số lượng các ca cấp cứu say rượu tăng gấp đôi trong những ngày Tết.
“Người say rượu thường rơi vào tình trạng kích thích, không tỉnh táo, không làm chủ bản thân, khó tiếp cận… nên gây không ít khó khăn cho BS trong quá trình điều trị.
Theo Trần Ngọc/ Pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)