"Đèn đỏ" kéo dài hơn 1 tuần có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Google News

Nếu “ngày đèn đỏ” của bạn kéo dài hơn 1 tuần thì bạn đã bị rong kinh và nên cẩn trọng với những căn bệnh này.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Nếu tình trạng kinh nguyệt kéo dài, đặc biệt là khi xuất hiện ở những phụ nữ trên 45 tuổi thì đây có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Trong trường hợp này, bạn nên đến bệnh viện ngay để kiểm tra. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ có lợi cho quá trình điều trị sau này.
U xơ tử cung hoặc polyp tử cung
U xơ tử cung sẽ gây ra những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt như đau bụng, chuột rút, xuất huyết nhiều, rong kinh…
Sự phát triển quá mức của tế bào lớp niêm mạc tử cung sẽ gây ra polyp tử cung hoặc polyp nội mạc tử cung. Căn bệnh này có thể làm xuất hiện tình trạng kinh nguyệt kéo dài, thậm chí xuất huyết nhiều hơn bình thường.
Ảnh minh họa. 
Bệnh tuyến giáp
Hormone tuyến giáp trong cơ thể giảm cũng có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt kéo dài. Chính vì vậy, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để phát hiện bệnh kịp thời.
Tăng prolactin huyết
Prolactin là một loại hormone cần thiết cho sự phát triển của ngực trong quá trình thai nghén và giúp kích thích tiết sữa mẹ nhiều hơn. Tăng prolactin huyết là tình trạng prolactin trong máu tăng cao, nếu bạn không mang thai mà gặp trường hợp này sẽ gây ra hiện tượng rong kinh.
Rối loạn máu
Rối loạn máu do thiếu chất có thể dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt kéo dài gây rong kinh. Những bạn gái đang trong giai đoạn dậy thì dễ gặp tình trạng này do cơ thể thiếu các dưỡng chất cần thiết như vitamin và khoáng chất. Bạn có thể bổ sung những chất dinh dưỡng này thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Sự mất cân bằng hóc môn trong cơ thể có thể gây ra tình trạng rong kinh. Đây có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang vì những người mắc hội chứng này thường dễ gặp hiện tượng kinh nguyệt kéo dài.
Ung thư cổ tử cung không chừa 1 ai
Ung thư cổ tử cung hiện đang là 1 trong số 10 căn bệnh ung thư mà phụ nữ Việt mắc nhiều nhất. Không chỉ vậy, theo cảnh báo của BS Phạm Thị Diệu Hà, Phó khoa ung thư phụ khoa (Bệnh viện K Trung ương), hiện đối tượng mắc căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa.
Trong quá trình công tác, BS Diệu Hà đã gặp không ít trường hợp mắc ung thư cổ tử cung khi tuổi đời còn rất trẻ. BS Hà nhớ lại, trường hợp nữ bệnh nhân tên M. tử vong vì biến chứng của căn bệnh này khi mới 17 tuổi.
Theo đó, M. là một cô gái quê Hà Tĩnh, sinh ra trong một gia đình khá giả, được trời phú cho ngoại hình xinh xắn, dễ thương. Do điều kiện sống đầy đủ, M. phổng phao hơn các bạn cùng trang lứa, đồng nghĩa với đó M. yêu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và từng quan hệ tình dục với không ít người từ thời còn là học sinh.
Đến năm 17 tuổi, M. bất ngờ phát hiện bị chảy máu vùng kín, nhưng ban đầu cô gái trẻ chỉ nghĩ do kinh nguyệt không đều nên không đi khám. Chỉ đến khi tình trạng kéo dài, kèm theo đó là cảm giác đau đớn, M. mới nói chuyện với gia đình và được đưa đi khám.
Dù mới 17 tuổi, nhưng kết quả xét nghiệm khiến không chỉ gia đình mà ngay cả bác sĩ cũng “giật mình”. M. bị ung thư cổ tử cung xâm lấn, chứ không đơn thuần là viêm nhiễm phụ khoa thông thường.
Đây là câu chuyện của một nữ bệnh nhân, mà cho đến bây giờ bác sĩ Hà vẫn còn ám ảnh. “Tôi đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân, nhưng đây là trường hợp còn rất trẻ. Đến giờ tôi vẫn nhớ khoảnh khắc người cha gần như khuỵu xuống van xin chúng tôi cứu chữa, nhưng mọi thứ đã quá muộn”, BS Hà nhớ lại.
Sau khi có kết quả chụp chiếu, xét nghiệm, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung cho M. đồng thời tiến hành xạ trị, nhưng chỉ 2 năm sau, bệnh tiếp tục tái nặng. M. ra đi vì biến chứng suy thận.
Theo Vũ Ngọc/Khỏe & Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)