Căn bệnh chán ăn tâm thần gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Google News

Theo các bác sĩ, chán ăn tâm căn (chán ăn tâm thần) có thể dẫn đến tử vong do suy kiệt nhưng nhiều người mắc bệnh này không biết và họ vẫn sợ béo, không ăn nhằm giảm cân dù thân hình gầy như que củi.

Mất kinh do giảm cân

TS Nguyễn Quang Bảy – trưởng Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trước đó, ông có tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị mất kinh 6 tháng không rõ nguyên nhân, kèm theo tăng men gan. Bệnh nhân đã được làm rất nhiều xét nghiệm và điều trị nhiều nơi nhưng không có kết quả

Bệnh nhân là sinh viên năm thứ nhất, đã giảm gần 20 kg trong một năm (từ hơn 60kg xuống hơn 40kg). Khi bác sĩ hỏi kỹ thì được biết bệnh nhân do sợ béo nên đã nhịn ăn kéo dài để giảm cân. Các xét nghiệm cho thấy có giảm hormon sinh dục đơn thuần, ngoài ra không tìm thấy nguyên nhân gì khác gây mất kinh.

TS Bảy cho biết bệnh nhân này có thể bị mắc căn bệnh gọi là chán ăn tâm căn (hay chán ăn tâm thần - Anorexia Nervosa), là một dạng rối loạn hành vi ăn uống có đặc điểm là gầy bất thường, sợ tăng cân. Dù đã rất gầy nhưng họ vẫn tìm mọi cách giảm cân bằng cách nhịn đói, gây nôn, uống thuốc gây ỉa chảy, tăng tập thể dục…

Cách đây 3 năm BS cũng đã gặp một trường hợp tương tự, nữ sinh lớp 12 vì muốn giữ hình thể chuẩn “hot girl” nên đã nhịn ăn kéo dài và cũng bị mất kinh, phải điều trị tăng cường dinh dưỡng và điều chỉnh rối loạn tâm lý mất gần 1 năm mới trở về bình thường được.

Hậu quả là người bệnh rơi vào tình trạng mệt mỏi, thiếu máu, tăng men gan, rối loạn điện giải, rối loạn nội tiết trong đó có mất kinh do không rụng trứng… thậm chí có thể tử vong.

Can benh chan an tam than gay nhieu bien chung nguy hiem
Hình ảnh bệnh nhân bị chán ăn tâm căn.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám Nội tiết 131 Thái Hà, Hà Nội cho biết ông đã từng gặp nữ bệnh nhân cao 1,6 mét, nặng 30 kg. Điều đặc biệt nhìn bệnh nhân như bộ xương khô nhưng vẫn sợ ăn vì nghĩ mình béo. Bác sĩ Cường cho biết những trường hợp này có thể tử vong do suy kiệt. Nhiều người luôn sợ béo và không dám ăn gì mặc dù mình rất gầy như que củi. Với bệnh nhân chán ăn tâm căn phải điều trị chuyên khoa tâm thần. Một số bệnh nhân có thể “ép” truyền dịch, bổ sung thêm chất dinh dưỡng để phục hồi.

Biểu hiện của bệnh

PGS.TS Cao Tiến Đức – Chủ nhiệm Bộ môn tâm thần và Tâm lý học, Học viện Quân y 103 cho biết ở bệnh viện 103 đã gặp nhiều trường hợp chán ăn tâm thần, gây tổn hại lớn về sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

Lâm sàng chung là người bệnh lo do sợ tăng cân, hạn chế  ăn, dẫn đến rối loạn chuyển hóa và nội tiết tố. Người bị chán ăn tâm căn có thể bị chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ và thiếu năng lượng. Chán ăn tâm căn được đặc trưng bởi trọng lượng cơ thể thấp, thói quen ăn uống không phù hợp, nỗi ám ảnh với việc cần có một cơ thể gầy, và nỗi lo sợ tăng cân. Những đau khổ do tự cho mình là "quá béo" ngay cả khi họ đã giảm cân. Họ có thể lặp đi lặp lại cân, đong, đo, cùng với hành động ám ảnh khác để đảm bảo họ vẫn còn gầy.

Chán ăn tâm căn thường khởi phát trong thời niên thiếu. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy độ tuổi bắt đầu đã giảm trung bình từ 13 đến 17 xuống 9-12 tuổi. Nó có thể ảnh hưởng đến những người đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, và nền kinh tế xã hội và văn hóa.

Người bệnh cảm thấy đói, nhưng họ chỉ ăn với số lượng rất ít. Lượng calo trung bình của một người bị chán ăn tâm thần là 600-800 mỗi ngày, có trường hợp họ có thể nhịn ăn hoàn toàn. Đây là một bệnh tâm thần nặng với tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh luôn cố gắng để giảm cân, đôi khi đến mức chết đói.

PGS Đức cho biết người bệnh cần giải quyết ba vấn đề chính là khôi phục lại một trọng lượng cơ thể thích hợp; điều trị các rối loạn tâm lý có liên quan đến bệnh tật; giảm hoặc loại bỏ các hành vi hoặc tư tưởng ban đầu dẫn đến rối loạn ăn uống.

Nếu chán ăn tâm thần (chán ăn tâm căn) không được điều trị, biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim và suy thận có thể bắt đầu và cuối cùng dẫn đến tử vong. Có đến 6% những người bị rối loạn này chết vì lý do liên quan đến bệnh lý tim, thận.

Theo Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)