Bản hợp đồng thế kỷ và quyết tâm vực dậy hải quân của Australia

Google News

Hãng tin Reuters nhận định 12 chiếc tàu ngầm lớp Shortfin Barracuda là trọng tâm trong kế hoạch tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Australia nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược và thương mại của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sau hai năm bế tắc, cuối cùng Australia và Pháp cũng chính thức đặt bút ký hợp đồng đóng 12 tàu ngầm tối tân tổng trị giá lên tới 35,5 tỷ USD cho Hải quân Hoàng gia Australia. Các chuyên gia phân tích quân sự nhận định thương vụ tỷ đô này là dấu hiệu cho thấy Australia sẵn sàng mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Reuters cho hay, lễ ký hợp đồng nói trên diễn ra tại thủ đô Canberra vào ngày 11/2 với sự có mặt của Thủ tướng Australia Scott Morrison.
Theo hợp đồng, hãng đóng tàu Naval Group của Pháp sẽ nhận trọng trách đóng 12 chiếc tàu ngầm lớp Shortfin Barracuda cho Australia. Những chiếc tàu ngầm này sẽ được đóng tại một xưởng đóng tàu ở thành phố công nghiệp Adelaide, thuộc miền Nam Australia.
Ban hop dong the ky va quyet tam vuc day hai quan cua Australia
 Thủ tướng Scott Morrison (giữa) tham dự lễ ký kết hợp đồng tại Canberra (Australia). Ảnh: EPA.
Dự kiến, chiếc đầu tiên trong tổng số 12 tàu ngầm lớp Shortfin Barracuda sẽ hoàn thiện vào đầu thập niên 2030 và chiếc cuối cùng có thể được đưa vào biên chế của Hải quân Australia vào thập niên 2050.
Trang theaustralian.com.au cho biết thêm, tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ được lựa chọn để thiết kế và cung cấp hệ thống chiến đấu cho các tàu ngầm này.
Một số nguồn tin cho biết, những chiếc tàu ngầm Shortfin Barracuda, hay lớp Attack theo cách gọi của Chính phủ Australia, sử dụng động cơ điện-diesel, dài 97m, lượng giãn nước 4.500 tấn khi lặn và tầm hoạt động 18.000 hải lý.
Hiện nay, Australia sở hữu hạm đội gồm 6 tàu ngầm lớp Collins, được đóng tại Thụy Điển và bàn giao cho Australia trong giai đoạn 1996-2003. Hãng tin RT cho rằng, trong tương lai không xa, những chiếc tàu ngầm lớp Collins đã luống tuổi này sẽ được thay thế bằng hạm đội tàu ngầm Shortfin Barracuda tân tiến, qua đó góp phần tăng gấp đôi sức mạnh của Hải quân Australia.
Không phải ngẫu nhiên mà hợp đồng giữa Australia và Pháp nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông hai nước cũng như quốc tế. Cứ nhìn vào khoản tiền 35,5 tỷ USD có thể khẳng định đây là một trong những thương vụ mua thiết bị quốc phòng lớn nhất của Australia, đồng thời cũng là hợp đồng đóng tàu lớn nhất của Naval Group với một đối tác nước ngoài.
Bản thân giới lãnh đạo của Australia và Pháp cũng không ít lần dành những mỹ từ để nói về thương vụ này. Phát biểu tại lễ ký kết ở thủ đô Canberra ngày 11-2 vừa qua, Thủ tướng Scott Morrison mô tả hợp đồng với hãng Naval Group là một phần trong khoản đầu tư quốc phòng lớn nhất lịch sử của Australia trong thời bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne thì phấn khởi tuyên bố, các tàu ngầm mới sẽ giúp bảo vệ an ninh và thịnh vượng của Australia trong hàng chục năm tới. Còn theo cách gọi của giới chức Pháp, đây là “hợp đồng quốc phòng thế kỷ” giữa Paris và Canberra.
Trước đó, năm 2016, Australia đã từ chối lời mời của hai nhà thầu Nhật Bản là Mitsubishi và Kawasaki cũng như tập đoàn ThyssenKrupp AG của Đức để chọn Naval Group đóng hạm đội tàu ngầm nêu trên. Thế nhưng hợp đồng này bị trì hoãn suốt hai năm qua trong bối cảnh truyền thông Australia thường xuyên đưa ra những chỉ trích và lo ngại, chẳng hạn như chi phí bị đội lên quá cao.
Ngay cả khi hợp đồng đã được ký vẫn tiếp tục xuất hiện những ý kiến trái chiều. Giới quân sự Australia kỳ vọng hạm đội tàu ngầm thế hệ mới trị giá hàng chục tỷ USD này sẽ giúp lực lượng hải quân của xứ sở Chuột túi duy trì năng lực răn đe trước bất kỳ hành động thù địch nào.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng hợp đồng đến quá muộn, khi mà vùng biển phía Bắc và phía Đông Australia đang chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ giữa Mỹ, Trung Quốc cũng như các cường quốc khác trong khu vực.
Hãng tin Reuters nhận định 12 chiếc tàu ngầm lớp Shortfin Barracuda là trọng tâm trong kế hoạch tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Australia nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược và thương mại của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và lợi ích dễ thấy nhất là dự án đóng tàu mới sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm mới ở Australia mỗi năm.
Theo Trung Dũng/Quân đội Nhân dân

>> xem thêm

Bình luận(0)