TSB Liêu Ninh “kém cỏi” hơn so với tàu Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Tàu sân bay Liêu Ninh được đánh giá là "kém cỏi" hơn so với tàu Mỹ khi chỉ đáp ứng yêu cầu hoạt động của tiêm kích phản lực và trực thăng.

Theo tạp chí Flight Global, việc máy bay cảnh báo sớm không có khả năng cất, hạ cánh trên boong tàu Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc, gây bất lợi lớn cho Hải quân Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn sức mạnh Hải quân Mỹ ở Đông Á.
 
“Mặc dù gần đây Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công trong thử nghiệm tiêm kích hạm J-15 cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng vẫn còn thách thức khác đối với Hải quân Trung Quốc trước khi hoạt động của tàu sân bay có thể nâng lên đẳng cấp cao hơn A-Class,” chuyên gia quân sự Greg Waldron cho biết.
Chỉ có tiêm kích hạm J-15 và trực thăng là có thể cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh.

Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc Song Xue cho biết, máy bay trinh sát, máy bay chống ngầm, máy bay tác chiến điện tử máy bay trực thăng rất cần thiết cho hoạt động của liên đội hàng không hỗn hợp đầy đủ cho tàu sân bay Liêu Ninh.

“Liên đội hàng không hỗn hợp như vậy đòi hỏi tàu sân bay phải thiết kế với máy phóng thủy lực để hỗ trợ cất cánh. Các quốc gia sở hữu tàu sân bay có khả năng này hiện chỉ có Mỹ, Pháp và Brazil”, ông Waldron cho biết.

Cũng theo ông Waldron, hiện chỉ có máy bay tiêm kích J-15 và trực thăng là có thể vận hành từ boong phóng của tàu sân bay Liêu Ninh. Nhưng Liêu Ninh không thể đáp ứng yêu cầu hoạt động của các loại máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy đường không giống như loại E-2 Hawkeye của Mỹ và máy bay khác nếu không có máy phóng thủy lực.

Thực tế, Trung Quốc được cho là đang nỗ lực phát triển máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm cho tàu sân bay mang tên JZY-01 dựa trên khung thân cơ sở máy bay vận tải Y-7. JZY-01 được miêu tả có nhiều đặc điểm giống với máy bay cảnh báo E-2 của Mỹ.
Máy bay cảnh báo sớm cho tàu sân bay JZY-01.

Tuy nhiên, chương trình này được cho là đang gặp rất nhiều khó khăn vì kích cỡ của JZY-01 khá lớn, việc chuyển đổi kiểu cánh thông thường thành cánh gấp (tiết kiệm diện tích trên tàu sân bay) là không đơn giản.

Ngoài ra, JZY-01 sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt, khó có khả năng cho phép máy bay cất cánh từ boong phóng kiểu nhảy cầu mà đòi hỏi cần máy phóng. Hầu như toàn bộ tàu sân bay thiết kế kiểu boong phóng này trên thế giới đều không có khả năng tiếp nhận máy bay cánh bằng, động cơ cánh quạt.

Giải pháp tạm thời của Hải quân Trung Quốc tạm thời là sẽ sử dụng trực thăng làm nhiệm vụ vận tải, chống ngầm và cảnh báo sớm đường không. Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi so với máy bay cánh bằng thì trực thăng thua kém về tầm bay, trần bay, tốc độ.

Theo Phó Tham mưu trưởng Song Xue, tàu sân bay tương lai của Hải quân Trung Quốc sẽ lớn hơn và mang được nhiều máy bay hơn. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại tàu sân bay Liêu Ninh còn “thua kém nhiều” so với tàu Mỹ. 




 

Hoàng Lê

Bình luận(0)