Tây Ban Nha nhờ Mỹ sửa lỗi tàu ngầm “tự sát”

Google News

(Kiến Thức) - Công ty Navantia Tây Ban Nha buộc phải cầu cạnh tới Mỹ giúp đỡ giải quyết vấn đề tàu ngầm S-80 không thể nổi lên mặt nước sau khi lặn.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha, Công ty đóng tàu Navantia (Tây Ban Nha) vừa ký hợp đồng với hãng General Dynamics Electric Boat (Mỹ) sửa chữa tàu ngầm phi hạt nhân S-80 có trọng lượng quá lớn và không thể nổi lên mặt nước sau khi lặn xuống biển.

Nghĩa là, nếu ra biển và thực hiện cuộc lặn thì con tàu không có khả năng nổi lên mặt nước trở lại. Điều đó chẳng khác nào đó là chiếc tàu ngầm “tự sát”.

“Tàu ngầm phi hạt nhân S-80 nặng hơn 75 tấn so với thiết kế ban đầu, điều này làm cho nó không thể nổi trở lại lên mặt nước”, nguồn tin Công nghiệp Quốc phòng Tây Ban Nha nói. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, vấn đề không hoàn toàn nằm ở trọng lượng, mà còn là hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP).

Để giải quyết những vấn đề về trọng lượng, Navantia đã tìm tới sự giúp đỡ từ General Dynamics Electric Boat (Mỹ).

Hãng này từ lâu đã có truyền thống thiết kế và đóng tàu ngầm cho Hải quân Mỹ và hỗ trợ một số tập đoàn quốc phòng thế giới trong thiết kế tàu ngầm. Ví dụ, công ty này đã hỗ trợ cho BAE Systems trong thiết kế và chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Astute cho Hải quân Anh.
Tàu ngầm S-80 đang được đóng tại cơ sở của Navantia.

Vấn đề kỹ thuật của S-80 đã xuất hiện ngay từ chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên Isaac Peral vốn đã gần như hoàn chỉnh tại nhà máy của Navantia.

"Giải pháp cho các vấn đề trọng lượng có thể là tăng thêm chiều dài cho chiếc tàu ngầm. Hoặc một giải pháp khác đang được nghiên cứu là không lắp hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP). Navantia đang tích cực làm việc với General Dynamics Electric Boats và quyết định cuối cùng có thể được đưa ra vào giữa tháng 7", nguồn tin công nghiệp quốc phòng Tây Ban Nha nói.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 7/5, Navantia thông báo rằng họ đã phạm sai lầm khi xác định trọng lượng dự kiến của S-80. Nhưng hãng này cũng biện minh rằng "sự chậm trễ này là phổ biến trong các dự án này. S-80 có khả năng sẽ gặp phải những thách thức bởi các công nghệ tiên tiến”.

"Navantia nói rằng tất cả các chương trình tiên tiến đều phải đối mặt với vấn đề như vậy, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ," ông Rafael Bardaji nói.

Do sai sót kỹ thuật này, theo đại diện hãng Navantia thì ngày giao hàng sẽ lùi lại từ 1-2 năm để tiến hành sửa chữa.

Navantia đã không ước tính chi phí để giảm trọng lượng của tàu ngầm, nhưng nhà phân tích cao cấp Viện Nghiên cứu Chiến lược Madrid Rafael Bardaji cho biết sẽ không có giá rẻ.

"Vấn đề này có thể tốn kém lên đến nửa tỷ euro để trang trải cho việc thiết kế lại và bổ sung thêm. Đấy là chưa xem xét vấn đề động cơ đẩy AIP," ông này cho biết.

Hải quân Tây Ban Nha đã ký hợp đồng trị giá 2,8 tỷ USD mua 4 tàu ngầm S-80 từ Navantia. Loại tàu ngầm này có lượng giãn nước khi lặn khoảng 2.426 tấn, dài 71,05m, rộng 11,68m. Tàu được trang bị hệ thống động cơ diesel kết hợp hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) cho phép đạt tốc độ 19 hải lý/h dưới mặt nước.

Tàu được trang bị 6 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm có khả năng bắn ngư lôi chống ngầm và tên lửa chống tàu Harpoon. Để vận hành tàu cần thủy thủ đoàn 32 người, và thêm 8 người để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.
Nhiều khả năng nhà sản xuất phải kéo dài thân tàu để giải quyết việc vượt quá trọng lượng. Ảnh minh họa

Việc lùi thời hạn tiếp nhận các tàu ngầm mới sẽ buộc Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha phải xem xét lại ngân sách quốc phòng vốn đã bị cắt giảm 30% từ khi khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới bắt đầu  vào năm 2008. Quân đội nước này sẽ cần tiền không chỉ để thiết kế lại và sửa chữa các tàu ngầm S-80, mà còn để duy trì khả năng sẵn sàng về kỹ thuật cho các tàu ngầm hiện có.

Hiện nay, hải quân nước này chỉ còn 3 tàu ngầm Agosta nhưng 2 chiếc phải “đắp chiếu” do thiếu kinh phí, trong khi chiếc còn lại đang được tân trang để kéo dài thời gian phục vụ tới năm 2018.

"Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha đã yêu cầu quốc hội chi thêm ngân sách kéo dài thời gian phục vụ thêm 2-3 năm cho các tàu ngầm còn lại trong biên chế. Ngoài ra, ý kiến thuê một tàu ngầm từ Đức cũng đã được đề nghị,” ông Bardji nói.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Lương Minh

Bình luận(0)