Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam: 35 năm một chặng đường

Google News

Ngày 26/3/1983, tại Hà Nội, Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại biểu 15 hội thành viên tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

GS. VS. Trần Đại Nghĩa, chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam (1983-1988) 
Tại đại hội, các đại biểu đã thông qua Điều lệ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, đứng dầu là Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa làm chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam. Sau 4 tháng thành lập, đến ngày 29/7/1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) ra Quyết định số 121/HĐBT về việc cho phép Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chính thức thành lập và hoạt động.
Sự kiện ra đời tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) năm 1983 đã gây được tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước, lần đầu tiên có một tổ chức mang tính chính trị - xã hội – nghề nghiệp của giới trí thức khoa học và công nghệ, với sứ mệnh đoàn kết, tập hợp trí thức, tổ chức và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu phát triển đất nước. Đại hội thành lập Liên hiệp hội Việt Nam cũng đã kết thúc giai đoạn trù bị lâu dài 18 năm kể từ khi Ủy ban liên lạc lâm thời các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam bắt đầu hoạt động.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham dự đại hội thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam 
Trong nhiệm kỳ I (1983-1988), Liên hiệp Hội Việt Nam tập trung công tác phát triển tổ chức, hoàn thiện cơ chế quản lý, tổ chức các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, triển khai các dự án đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển xã hội. Với đường lối đổi mới, Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong đó vị trí và vai trò của Liên hiệp hội và các hội khoa học- kỹ thuật càng ngày được khẳng định. Ngày 11/4/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 35-CT/TW "Về củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam". Bản Chỉ thị nêu rõ: "Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là tổ chức xã hội tự nguyện của tất cả các hội khoa học kỹ thuật của người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước... được tổ chức và hoạt động theo cơ cấu và quy chế của một đoàn thể quần chúng cấp trung ương".
Ngày 12/5/1988, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam diễn ra với sự tham gia của trên 100 đại biểu đại diện 23 hội thành viên. Đại hội thông qua Báo cáo của Ban Chấp hành, Điều lệ (bổ sung, sửa đổi), Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Đại hội bầu ra 49 ủy viên Hội đồng Trung ương. Hội đồng Trung ương bầu Đoàn Chủ tịch gồm 9 ủy viên do Giáo Sư, Tiến sĩ Hà Học Trạc làm Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam.
Sau Đại hội II, số lượng các hội thành viên của Liên hiệp hội tăng lên gần gấp đôi (từ 23 đến 42 hội). Hàng năm có nhiều hội ngành mới được thành lập. Sự phát triển mạnh mẽ của Liên hiệp hội và các hội khoa học và kỹ thuật thành viên đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Ngày 17/11/1990, Đảng ủy khối cơ quan Khoa giáo Trung ương ra Quyết định số 405/QĐ-ĐUK thành lập Đảng bộ Cơ quan Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam với 4 chi bộ và 36 đảng viên. Ngày 20/2/1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 436-NS/TW thành lập Đảng đoàn Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do Giáo sư Hà Học Trạc, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, làm Bí thư.
Trong nhiệm kỳ II, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng được chú trọng đẩy mạnh. Việc thực hiện chức năng hỗ trợ đưa tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất và đời sống đã đạt được những thành tựu mới. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã thể hiện được vai trò tích cực của Liên hiệp Hội Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, các nhà khoa học đã tích cực đóng góp ý kiến cho Cương lĩnh chính trị của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Ngày 27-28/9/1993, tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam diễn ra với sự tham gia của 184 đại biểu đại diện 42 hội thành viên (34 hội khoa học và kỹ thuật ngành trung ương và 8 liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố). Đại hội bầu ra Hội đồng Trung ương khóa III gồm 95 ủy viên. Hội đồng Trung ương khóa III tiếp tục suy tôn Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự, bầu Đoàn chủ tịch gồm 11 ủy viên với Giáo sư, Tiến sĩ Hà Học Trạc làm Chủ tịch. Trong nhiệm kỳ III, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển về xây dựng tổ chức, tập hợp và đoàn kết trí thức, điều hòa và phối hợp hoạt động của các hội thành viên. Hội đồng Trung ương có những thay đổi cả về số lượng và thành phần. Năm 1998, Hội đồng Trung ương có 130 ủy viên, đại diện cho 40 hội khoa học và kỹ thuật ngành ở Trung ương, 19 trong số 23 Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố, Cơ quan thường trực Liên hiệp hội trung ương và một số nhà khoa học. Cũng trong nhiệm kỳ III, lần đầu tiên mạng lưới các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát triển ra cả nước ngoài. Tiêu biểu là việc thành lập Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tại Liên Bang Nga (12/1993). Các hội thành viên phát triển theo hướng tổ chức các hội chuyên ngành hoặc phân hội mới trong từng hội và thành lập thêm các chi hội địa phương. Một số Hội thành viên đã đạt được những thành tích đáng khích lệ như Hội Luật gia Việt Nam được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Hội Những người làm vườn Việt Nam, Hội Khoa học và công nghệ Mỏ Việt Nam, Hội Khoa học và công nghệ xây dựng Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội được Nhà nước trao tặng các Huân chương Lao động hạng hai, hạng ba.
Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam nhiệm kỳ III (1993-1998)
Lễ ký kết hợp tác giữa Liên hiệp Hội Việt Nam và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 1998
Từ ngày 7 đến ngày 9/1/1999, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam diễn ra với sự tham gia của 213 đại biểu đại diện 63 hội thành viên (40 hội khoa học kỹ thuật ngành trung ương và 23 liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố). Đại hội thông qua các văn kiện của Hội đồng Trung ương khóa III và Điều lệ (bổ sung, sửa đổi). Đại hội bầu ra Hội đồng Trung ương khóa IV gồm 133 ủy viên. Hội nghị Hội đồng Trung ương lần thứ Nhất bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 17 ủy viên do Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng làm Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Trong nhiệm kỳ IV (1999-2004), Liên hiệp Hội Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về xây dựng tổ chức với nhiều loại hình tập hợp trí thức khoa học và công nghệ. Liên hiệp hội có 92 hội thành viên (tăng thêm 28 thành viên so với nhiệm kỳ trước), trong đó có 56 hội ngành Trung ương và 36 Liên hiệp hội địa phương. Trong tổ chức của hội thành viên có các hội chuyên ngành. Mạng lưới tổ chức của nhiều hội đã phát triển sâu rộng trong các thành phần kinh tế, khoảng 43% số hội có chi hội trong các doanh nghiệp nhà nước, 15% có chi hội trong các doanh nghiệp khác. Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp trong hàng ngũ của mình hơn 40 vạn trí thức KH&CN. Phạm vi hoạt động của các hội đã bao quát hầu hết các lĩnh vực KH&CN. Các hội Địa chất, Xây dựng được Nhà nước cho phép chuyển thành Tổng hội do có số lượng hội viên tập thể lớn.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động mà Liên hiệp hội đã kiên trì phấn đấu thực hiện trong suốt thời gian 5 năm (1999-2004) và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong nhiệm kỳ IV, Liên hiệp hội đã tổ chức tư vấn, phản biện và thẩm định hồ sơ của nhiều dự án đầu tư phát triển quan trọng, trong đó lớn nhất là dự án khả thi xây dựng thủy điện Sơn La trên sông Đà, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua vườn Quốc gia Cúc Phương, dự án làm sạch nước Hồ Tây. Kết quả tư vấn cho các dự án lớn nhất này đã được Thủ tướng chấp nhận và được Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La ra quyết định khen thưởng. Hoạt động phổ biến kiến thức về khoa học, kỹ thuật được thực hiện dưới nhiều hình thức (báo, tạp chí, tập san, chuyên san, bản tin, sách chuyên đề, tài liệu hướng dẫn, câu lạc bộ, triển lãm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề...). Các hội thành viên đều có ấn phẩm riêng. Năm 2002, Liên hiệp hội đã xây dựng mạng nội bộ cơ quan (LAN), thiết kế các phần mềm cơ sở dữ liệu, xuất bản "Tin hoạt động các hội khoa học và kỹ thuật" (1 kì/tháng), thiết kế trang Web gồm tiếng Việt và tiếng Anh thường xuyên cập nhật thông tin lên mạng.
Từ ngày 27 đến 28/12/2004, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam diễn ra với sự tham gia của 432 đại biểu thay mặt cho 92 hội thành viên. Đại hội bầu ra Hội đồng Trung ương nhiệm kỳ V gồm 212 ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất, Hội đồng Trung ương bầu Đoàn Chủ tịch gồm 29 ủy viên, Ủy ban kiểm tra gồm 9 ủy viên, trong đó Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng làm Chủ tịch. Trong 5 năm (2004-2009), việc củng cố, phát triển tổ chức, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp Hội Việt Nam. Mạng lưới cơ sở của Liên hiệp hội và các hội thành viên phát triển sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày càng có nhiều trí thức trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào các tổ chức thành viên của Liên hiệp hội. Tính đến tháng 1 năm 2010, Liên hiệp hội có 125 hội thành viên, gồm 55 Liên hiệp hội địa phương và 70 Hội ngành toàn quốc. Trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có trên 500 đơn vị KH&CN được tổ chức, hoạt động theo Nghị định số 81/2002/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là các đơn vị 81), trong đó có trên 260 đơn vị 81 trực thuộc Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương. Các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội đã tập hợp được khoảng trên 1,8 triệu hội viên, trong đó có khoảng gần 1/3 trí thức hiện có của cả nước.
Liên hiệp Hội Việt Nam điều hòa, phối hợp hoạt động các hội thành viên và các tổ chức trực thuộc bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị công tác văn phòng, hội nghị giao ban theo vùng, giao ban các Hội ngành toàn quốc... Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hội và hội viên thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ công tác hội, về tư vấn, phản biện, giám định xã hội và vận động chính sách...
Ngày 27 và ngày 28/4/2010, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam diễn ra tại thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 677 đại biểu, đại diện cho 125 hội thành viên gồm 70 hội khoa học và kỹ thuật ngành toàn quốc, 55 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay mặt cho 1,8 triệu hội viên trong cả nước và các đại biểu đại diện các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam. Đại hội bầu ra Hội đồng Trung ương khóa VI gồm 144 ủy viên. Hội đồng Trung ương bầu Đoàn Chủ tịch gồm 23 ủy viên, trong đó GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam.
Quang cảnh Đại Hội đại biểu lần thứ VI Liên hiệp Hội Việt Nam
Tại nhiệm kỳ VI, Liên hiệp Hội Việt Nam đẩy mạnh phát triển tổ chức và hướng các hoạt động về cơ sở. Tính đến hết năm 2014, Liên hiệp hội có 140 hội thành viên, trong đó có 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố và 77 hội ngành toàn quốc. Hầu hết các liên hiệp hội địa phương đều có các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp ủy địa phương, việc phát triển hội thành viên cũng tăng lên nhanh chóng (1.289 hội). Liên hiệp Hội Việt Nam chú trọng việc thành lập các tổ chức KH&CN. Tổng số hội viên của toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có trên 2,8 triệu người, tăng thêm gần một triệu so với nhiệm kỳ trước. Nhiều thay đổi về số lượng và chất lượng được thể hiện rõ.
Nhiệm kỳ VI cũng chính là thời gian Liên hiệp Hội Việt Nam tiến hành triển khai giai đoạn 1 Chiến lược phát triển Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đến nay, Liên hiệp hội đang tiến hành đánh giá kết quả 5 năm đầu triển khai Chiến lược này. Các hoạt động xã hội hóa của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng thiết thực và có hiệu quả, tạo được uy tín đối với các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Những kết quả tích cực về xóa đói, giảm nghèo, tập hợp được nhiều trí thức KH&CN tham gia hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn trí thức trẻ đều được ghi nhận. Nhiều tổ chức, cá nhân đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khen thưởng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tổ chức KH&CN ngoài công lập. Hoạt động tôn vinh trí thức cùng nhiều hoạt động khác đã gặt hái được nhiều thành tựu làm nên thành công chung trong nhiệm kỳ VI của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Trong 2 ngày 2-3/6/2015, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 với sự tham dự của 600 đại biểu tiêu biểu cho trên 2,8 triệu trí thức KH&CN. Đại hội đã biểu quyết thông qua các báo cáo, Nghị quyết Đại hội và bầu Hội đồng Trung ương khóa VII gồm 173 ủy viên. Hội đồng Trung ương mới đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 25 ủy viên. GS.TSKH Đặng Vũ Minh tái đắc cử Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam.
Với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Trí tuệ - Phát triển”, Đại hội đã thông qua báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VI, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác nhiệm kỳ VII. Theo đó, tính đến hết năm 2014, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có 140 hội thành viên, gồm 63 Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 77 hội ngành toàn quốc. Một số hội thành viên đã phát triển tổ chức không những ở cấp tỉnh mà còn tới cấp huyện như Liên hiệp Hội tỉnh Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Thành phố Hà Nội… Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách; chủ động đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thiết thực, phát triển khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân... Trong nhiệm kỳ VII, Liên hiệp Hội Việt Nam phấn đấu để đạt được mục tiêu Chiến lược là: Đến năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị-xã hội thực sự vững mạnh từ trung ương đến địa phương; giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội; là nhân tố quan trọng đưa KH&CN trở thành động lực phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, với 6 kỳ Đại hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình. Tổng bí thư nhắc nhở: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN; đồng thời sát cánh cùng với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phải thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam, trước hết là đội ngũ trí thức KH&CN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020, phấn đấu từng bước xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Trải qua 35 năm thành lập và phát triển, qua 7 kỳ Đại hội, cho đến nay Liên hiệp hội Việt Nam đã ghi những dấu ấn lịch sử quan trọng của giới trí thức khoa học và công nghệ, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, là cầu nối quan trọng của Đảng và nhà nước đối với trí thức, với nhân dân. Liên hiệp Hội Việt Nam là “mái nhà chung” của giới trí thức khoa học và công nghệ, với ngọn cờ đoàn kết, tập hợp trí thức, phát huy trách nhiệm, giá trị và những hành động thiết thực của người trí thức vì mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Vusta

>> xem thêm

Bình luận(0)