Vùng đất nuôi loài cá tiền tỷ “chết” vì cá tầm Trung Quốc

Google News

Thương hiệu cá tầm ở huyện Kon Plông vốn được nhiều người biết đến. Sản phẩm cá tầm Kon Plông (Gia Lai) được xuất bán đi khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Sau khi nuôi thử nghiệm cá tầm thành công ở Măng Đen, huyện Kon Plông quyết tâm xây dựng nghề nuôi cá nước lạnh thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để thúc đẩy chủ trương trên trở thành hiện thực, huyện đã có những chính sách riêng khuyến khích người dân phát triển diện tích nuôi cá tầm.
Đã có thời gian, trên địa bàn huyện Kon Plông, phong trào nuôi cá tầm phát triển rất mạnh và được nhiều người biết đến; nhưng đó chỉ là 4 năm trở về trước...
Vung dat nuoi loai ca tien ty “chet” vi ca tam Trung Quoc
Một cơ sở nuôi cá tầm bị bỏ hoang ở Kon Plông. Ảnh: P.N 
Thời điểm đó, huyện Kon Plông có 4 hợp tác xã và 2 công ty nuôi cá tầm, cùng một vài hộ cá nhân nuôi với số lượng hàng chục nghìn con mỗi năm. Cá tầm Kon Plông được xuất bán đi khắp nơi không chỉ ở Kon Tum mà còn đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Chúng tôi cùng một cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đến thăm hồ nuôi cá tầm của Công ty CP Hoàng Ngư do ông Trần Nhi Kha (60 tuổi) làm chủ.
Vậy mà, lần này trở lại cơ sở nuôi cá tầm của ông Kha, chúng tôi chứng kiến cảnh đìu hiu, không một bóng người ở nơi đây. Bên ngoài cỏ hoang mọc um tùm, bên trong thì nước ở đập ngăn từ suối nước lạnh chảy lênh láng trên đường vào hồ nuôi cá. Căn nhà ngày trước ông Kha ở giờ chỉ là những khung gỗ trơ trọi. Nhà ấp trứng cá tầm không có bóng người.
Như để trả lời cho những thắc mắc của chúng tôi, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đi cùng cho biết, năm 2016, khi cá tầm nuôi không có đầu ra, ông Kha đã xuống thành phố Đà Nẵng mở nhà hàng, còn cơ sở nuôi cá thuê hai vợ chồng người dân tộc thiểu số trông giữ. Ai đến mua cá tầm thì người trông cơ sở bán lẻ, giá 250.000 đồng/kg.
Rời cơ sở nuôi cá tầm của ông Kha, tôi tìm đến cơ sở nuôi cá tầm một thời của Công ty CP Thủy sản Măng Đen - đơn vị nuôi và làm nên thương hiệu cá tầm Kon Plông đầu tiên ở xã Hiếu. Hàng chục hồ với dày đặc cá tầm tung tăng bơi lội trước đây giờ chỉ còn là những chiếc hồ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Bao nhiêu vật dụng, bể chứa để mọc rêu xanh rì. Căn nhà khép kín được đầu tư bài bản để ấp, nuôi cá tầm khi nhỏ cũng để bỏ đồ, hoang hóa… tất cả lặng im như tờ.
Tiếp tục hành trình tìm hiểu, chúng tôi đến một số cơ sở nuôi cá tầm khác ở Đăk Long, Măng Cành, xã Hiếu để mục sở thị, thì tất cả các hồ nuôi cá tầm đã không còn, chỉ thấy cỏ dại xanh rì mọc kín hồ nuôi…
Tìm hiểu mới biết, nguyên nhân cá tầm Kon Plông không cạnh tranh được vì cá tầm sản xuất từ Trung Quốc đưa vào ngay tại Măng Đen cũng bán với giá 70.000 - dưới 100.000 đồng/kg; trong khi đó, cá tầm mua tại hồ ở Măng Đen có giá từ 250.000-300.000 đồng/kg. Chính sự chênh lệch giá này đã “bóp chết” nghề nuôi cá tầm ở Kon Plông.
Ông Trịnh Xuân Quý - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết, cạnh tranh không lại cá tầm Trung Quốc, ngay từ thời điểm cuối năm 2014, nhiều cơ sở nuôi cá tầm Măng Đen đã bước vào nuôi "cầm chừng"; đến năm 2016 thì chuyển sang ngành nghề khác; đến nay thì trên địa bàn huyện chỉ còn Công ty CP Hoàng Ngư nuôi cá tầm với số lượng ít để bán lẻ.
Bà Đào Thị Hương - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tầm Đăk Long “than thở”, không hiểu Trung Quốc nuôi kiểu gì mà bán ra thị trường quá rẻ. Trong khi đó, những người nuôi cá tầm đều biết, chất lượng cá tầm Trung Quốc rõ ràng không ngon như cá tầm Măng Đen. Vậy mà khách vẫn lựa chọn cá tầm Trung Quốc vì cho rằng giá cá tầm Măng Đen bán ra quá cao. Chính vì cạnh tranh không lại với cá tầm từ Trung Quốc tràn vào nên cá tầm Kon Plông đã không trụ nổi, nhiều cơ sở nuôi cá tầm bị thua lỗ, phá sản, cơ sở nuôi thả cá tầm rơi vào cảnh đìu hiu. Không biết đến bao giờ, cá tầm Kon Plông mới trở lại được “thời kỳ hoàng kim” trước đây…?
Theo Phúc Nguyên/Báo Kon Tum

>> xem thêm

Bình luận(0)