Tuần sau taxi, vận tải Sài Gòn giảm giá cước đồng loạt

Google News

Các hãng taxi, đang xây dựng kế hoạch giảm giá cước, trong khi mức giảm với vận tải hàng hóa được cho là khó xác định. 

Khẳng định từ Hiệp hội taxi TP HCM, giảm giá cước taxi đồng loạt trong đầu tuần tới, mức giảm cụ thể ra sao sẽ được các hãng họp thống nhất với nhau rồi sẽ công bố. Đợt giảm cước vận tải lần này được hỗ trợ rất lớn từ việc giá xăng liên tiếp giảm trong một thời gian ngắn (4 lần trong 2 tháng đầu năm) và xuống mức kỷ lục. Các hãng taxi đang xây dựng kế hoạch giảm giá cước xuống, mức dự báo 500-700 đồng/km.
Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Hãng taixi Vinasun - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho biết: “Một số đơn vị kinh doanh taxi mới đây đã giảm giá cước, riêng taxi Vinasun đã giảm cước xuống thêm 5%. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu nên các đơn vị thuộc Hiệp hội Taxi thành phố đang họp bàn để tiếp tục thực hiện việc giảm giá cước. Các hãng đã bắt đầu ngồi lại họp với nhau và sẽ công bố mức giảm vào thứ 2 tuần sau. Chúng tôi khẳng định với khách hàng là sẽ có sự giảm giá hợp lý”.
Là đơn vị sở hữu nhiều đầu xe nhất TP HCM, đại diện của Vinasun cho biết, với hơn 6.000 xe thì việc giảm giá cước cần phải tính toán, rà soát cẩn thận để có mức hợp lý. Điều quan trọng là mức giảm cũng phải được thống nhất hài hòa so với các hãng khác. Từ đó mới có cơ sở để trình lên Sở Tài chính TP HCM xem xét trong tuần sau.
Tuan sau taxi, van tai Sai Gon giam gia cuoc dong loat
 Cước taxi tại TP HCM sẽ đồng loạt giảm trong tuần tới, với mức giảm dự kiến 500-700 đồng/km. Ảnh: Vns
Tuy nhiên, vào cuối tuần này, tức ngày 26/2, Vinasun sẽ tiên phong công bố mức giá tham chiếu mới. Cụ thể, với loại xe 5 chỗ và 8 chỗ trong phạm vi 30 km có giá lần lượt là 14.000 đồng/km và 15.000 đồng/km. Từ 31 km trở đi thì giá cước cho hai loại xe này lần lượt là 11.200 đồng/km và 13.200 đồng/km.
Trước đó, Tập đoàn Mai Linh đã ra thông báo về việc giảm giá cước taxi. Tại TP HCM, Mai Linh kê khai mức giảm 500 đồng/km đối với xe 4 chỗ và 600 đồng/km đối với xe 7 chỗ. Đối với giá cước cho các vùng - miền ngoài TP HCM, Mai Linh sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi địa phương để điều chỉnh giảm giá cước phù hợp.
Ngoài cước taxi đang đề xuất lộ trình giảm giá thì cước vận tải cũng đang đối diện với sức ép giảm giá. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội vận tải TP HCM, cước vận tải sẽ giảm nhưng mức điều chỉnh có thể sẽ phức tạp hơn. Vì trong vận tải còn phải chia ra hai loại hình là vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách. Như vậy mức giảm sẽ khó có sự thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP HCM cho biết: “Đối với các hãng vận chuyển hàng hóa thì mức giảm cụ thể ra sao khó xác định được, vì loại hình này vận chuyển theo hợp đồng chứ không phải theo giá niêm yết. Đặc thù của vận tải hàng hóa là mức giá mỗi lúc khác nhau, tuyến đường, phương tiện, mức thỏa thuận hợp đồng giữa chủ hàng và doanh nghiệp vận tải trong từng lô hàng… Giá xăng dầu giảm sâu, tuy nhiên với ngành vận tải hàng hóa có những đặc thù riêng, và giá xăng dầu chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định trong việc quyết định giá”.
Trong khi đó, đại diện cho đơn vị quản lý loại hình vận tải hành khách, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: “Đa phần phương tiện vận chuyển dùng nhiên liệu dầu, ngay sau khi giá dầu giảm của chu kỳ trước đó thì hầu hết các đơn vị vận tải hành khách đã điều chỉnh giá vé 2-3%. Còn đợt giảm giá này chỉ có giá xăng giảm nên không tác động nhiều tới vận tải hành khách tuyến cố định. Hiện còn 7/28 doanh nghiệp vận tải ở TP HCM chưa kê khai giảm giá. Dự kiến ngày mai (25/2) các doanh nghiệp này sẽ kê khai giảm giá cước với Sở Tài chính. Còn các doanh nghiệp vận tải do các cơ quan địa phương quản lý thì việc điều chỉnh được cơ quan địa phương đó xem xét”.
Khi được hỏi về chính sách hỗ trợ cho tài xế taxi như thế nào khi giá cước giảm xuống và có thể sẽ giảm hơn nữa trong thời gian tới, đại diện một hãng taxi lớn cho biết: “Hầu hết hãng taxi khoán nhiên liệu xăng cho tài xế, khi tăng giá thì lái xe taxi không muốn chạy, khi xăng giảm thì tài xế bỏ túi, nên doanh nghiệp không được lợi nhuận.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải chịu phí kiểm định đồng hồ khi điều chỉnh giá là 105.000 đồng mỗi xe, doanh nghiệp có số xe lớn thì mất chi phí nhiều. Do đó giá xăng giảm thì doanh nghiệp buộc phải giảm giá cước, chứ thực chất chi phí để điều chỉnh đồng hồ cũng đã ngốn tương đối mỗi lần điều chỉnh”.
Theo Zing

Bình luận(0)