Người tị nạn có thể chết khi mua phải loại áo này

Google News

Ngành sản xuất áo phao giả đang bùng phát ở Thổ Nhĩ Kỳ, mở đường cho những tên gian thương chuộc lợi trên sinh mạng của những người tị nạn.

Trong giá lạnh giữa biển nước mênh mông với hy vọng về một cuộc sống mới của người dân tị nạn, sự sống còn hầu như là phụ thuộc vào mỗi chiếc áo phao mà họ mặc trên mình.
Thế nhưng mới đây, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã đột kích vào khu mua sắm tại thành phố Izmir - điểm khởi hành của những người tị nạn với hy vọng sẽ đến được châu Âu - và phát hiện ra cơ sở sản xuất áo phao giả với số lượng lên tới 1.263 chiếc.
Nguoi ti nan co the chet khi mua phai loai ao nay
 Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đột nhập một cơ sở chuyên sản xuất áo phao giả kém chất lượng.
Theo Hurriyet, một tờ nhật báo của Thổ Nhĩ Kỳ, những người tị nạn Syria có xu hướng tập trung ở thành phố cảng này để tìm đến những chiếc thuyền buôn lậu, trả tiền cho những tay lái thuyền để sang được bờ bên kia.
Họ ở lại khách sạn giá rẻ hoặc ngủ ở ngay trên đường phố, làm bất cứ công việc gì được thuê, ăn bất cứ thứ gì có thể ăn được, cốt chỉ để chờ cuộc gọi thông báo thời điểm tàu khởi hành của những tên buôn lậu và sẵn sàng lên đường ngay bất cứ khi nào, dù là giữa đêm.
Những tàu chở hàng lậu này thường không cung cấp sẵn áo phao, hoặc nếu có cũng sẽ không có những chiếc áo phao thông thường, mà chỉ là những loại trôi nổi, kém chất lượng.
Theo BBC, một chiếc áo phao đạt chuẩn có giá lên đến 150 USD (tương đương khoảng gần 3,5 triệu đồng) nhưng một chiếc áo phao giả thì chỉ có 15 USD.
Nguoi ti nan co the chet khi mua phai loai ao nay-Hinh-2
Hình ảnh một cửa hàng bán áo phao ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ được chia sẻ bởi phóng viên CNN. 
Trong hoàn cảnh kẹt tiền đến mức không đủ ăn nên nhiều người cố gắng gom góp hết tài sản cũng chỉ có thể mua được một chiếc áo phao giả giá bằng 1/10 chiếc áo phao thật, với suy nghĩ sẽ tăng thêm cơ hội sống sót.
Theo báo cáo của Hurriyet, ngày 7/1, cảnh sát ở Izmir cũng đã phát hiện ra khoảng 300 người di cư từ Syria mặc loại áo phao giả kém chất lượng.
Sait Güderoğlu, một trong những nhà sản xuất áo phao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, đã khẳng định với Hurriyet rằng, khi mặc những chiếc áo phao này, nguy cơ chết đuối còn cao hơn cả khi không mặc.
"Loại áo phao này được làm bằng chất liệu vải bao và bên trong nhồi đầy bọt biển. Vì bọt biển là hydrophilic nên hấp thụ nước nên chiếc áo sẽ trở nên nặng hơn và sẽ kéo họ xuống khỏi mặt nước", ông Sait phân tích.
Trang Guardian còn cho biết, tại khu trung tâm mua sắm lớn ở Izmir còn có những cửa hàng chào mời khách mua áo phao giả một cách công khai ngay trên mặt phố sầm uất, gần ngay hai trạm cảnh sát.
Nhằm đánh lừa người mua, cửa hàng còn dán nhãn áo là "Yamaxa" như một cách nhái thương hiệu Yamaha, giá chỉ bằng một nửa giá áo thật.
Một chủ cửa hàng còn chia sẻ, "Mỗi ngày chúng tôi chỉ bán hai hoặc ba đôi giày nhưng có thể bán được từ 100 - 300 chiếc áo. Mùa hè vừa qua đã có lúc bán được một ngàn chiếc mỗi ngày, đến nỗi các nhà máy không thể sản xuất kịp ".
Theo thông tin từ hãng thông tấn Associated Pressrong, tuần vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện ra 36 thi thể người tị nạn trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi chiếc tàu của họ bị đắm trên đường di chuyển tới các hòn đảo Hy Lạp.
Hình ảnh từ hiện trường thật khủng khiếp, cho thấy trong số thi thể của 30 người tị nạn bị chết đuối còn có cả những đứa trẻ vẫn còn rất nhỏ, trên mình vẫn còn mặc nguyên những chiếc áo phao ngấm đẫm nước.
Theo số liệu Tổ chức Di cư Quốc tế báo cáo mới đây, năm 2015 có hơn 3.700 người tị nạn đã thiệt mạng vì cố vượt qua Địa Trung Hải, và đây cũng được xem là năm đẫm máu nhất trong lịch sử người di cư và người tị nạn tại khu vực này.
Lượng người tị nạn bằng đường biển cũng đang ngày một tăng lên, khiến cho ngành sản xuất áo phao giả kém chất lượng bùng phát như một ngành công nghiệp mới nổi và mở đường cho những tên gian thương tìm cách chuộc lợi trên sinh mạng của những người dân vô tội.
Theo VTC News

Bình luận(0)