Clip quảng cáo sữa Abbott dùng ảnh dân không xin phép: Xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Hãng sữa Abbott phải bồi thường thế nào trong vụ clip quảng cáo sữa Abbott sử dụng hình ảnh mẹ con bà Thảo cùng nhiều thông tin đời tư mà chưa được nhân vật đồng ý.

Vụ việc clip quảng cáo sữa Abbott sử dụng hình ảnh của mẹ con bà Ngọc Thảo cùng nhiều thông tin đời tư về gia đình bà Thảo mà chưa được sự đồng ý của nhân vật đang khiến cư dân mạng xôn xao. Nhiều người băn khoăn việc làm trên của hãng sữa Abbott vi phạm điều luật cụ thể nào, doanh nghiệp sẽ phải giải quyết sự việc và bồi thường cho khách hàng ra sao?
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, Luật sư Mạc Kính Thi, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, việc hãng sữa Abbott dùng hình ảnh của mẹ con bà Thảo cho video quảng cáo sản phẩm của mình mà không có sự đồng ý của nhân vật là vi phạm điều 31 và điều 38 Bộ Luật Dân sự 2005. Cụ thể:
 
Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”
Điều 38. Quyền bí mật đời tư
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, rõ ràng clip quảng cáo sữa của Abbott đã xâm phạm tới quyền bí mật đời tư và quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 khi đăng tải thông tin cá nhân và hình ảnh của mẹ con bà Thảo khi chưa được sự đồng ý của họ.
Về vấn đề với vi phạm trên, hãng sữa Abbott phải giải quyết và bồi thường cho mẹ con bà Thảo ra sao, công ty Cổ phần sản xuất Phim Hạt Nhân – đơn vị được hãng sữa Abbott thuê làm clip quảng cáo trên, chịu trách nhiệm cụ thể gì trong vụ việc này, theo Luật sư Mạc Kính Thi, việc xác định trách nhiệm của Abbott và Công ty CP SX Phim Hạt Nhân trong việc giải quyết/bồi thường trong trường hợp này phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận giữa Công ty Phim Hạt Nhân và Abbott trong hợp đồng quảng cáo giữa 2 bên.
Thông thường trong các hợp đồng quảng cáo sẽ có điều khoản cụ thể quy định về trách nhiệm pháp lý đối với hình ảnh/thông tin/âm thanh… cũng như các vấn đề về bản quyền liên quan đến hình ảnh/âm thanh được sử dụng trong clip quảng cáo. Có thể tạm thời nhận định trong trường hợp này, Abbott là chủ nhãn hàng đã thuê Công ty CP SX Phim Hạt Nhân thực hiện clip quảng cáo. Nếu trong hợp đồng quảng cáo giữa 2 bên có quy định về việc bên nào phải chịu trách nhiệm về hình ảnh/âm thanh/thông tin… trong phim quảng cáo thì bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý vụ việc/bồi thường thiệt hại. Nếu trong hợp đồng quảng cáo không quy định nội dung này, 2 bên sẽ cùng phải liên đới chịu trách nhiệm giải quyết/bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bà Thảo theo quy định tại điều 616 Bộ luật Dân sự 2005.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại (nếu có) trong trường hợp này, theo điều 260, 307, 604, 605 Bộ luật Dân sự 2005 quy định có 2 loại thiệt hại được xem xét bồi thường đó là thiệt hại về vật chất và thiệt hại/tổn thất về tinh thần. Trong trường hợp bà Thảo có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì việc xác định thiệt hại có thể thông qua thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, bà Thảo có quyền khởi kiện yêu cầu TAND cấp có thẩm quyền giải quyết.
Trích dẫn luật:
Điều 260. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại.
Điều 307. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Điều 616. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Minh Hiếu

Bình luận(0)