Chưa vào vụ, chủ vườn đã lo bội thu mùa quả

Google News

Do thời tiết năm nay rất phù hợp, nên các loại cây ăn quả như vải, xoài, nhãn… được trồng nhiều ở Hải Phòng cũng như các tỉnh phía Bắc những năm gần đây đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Chua vao vu, chu vuon da lo boi thu mua qua

Thời tiết tốt, giúp hoa vải thụ phấn đậu quả thuận lợi

Thời tiết thuận, hứa hẹn quả được mùa

Ông Phan Văn Trường, một chủ vườn ở xã Bát Trang (An Lão) chia sẻ, xã Bát Trang là vùng đất nằm liền kề (chỉ cách một bến đò qua sông Lạch Tray) với huyện Thanh Hà – vùng vải nổi tiếng của tỉnh Hải Dương.

Chính vì vậy, vải thiều của Bát Trang và Thanh Hà xem như cùng nguồn gốc, chất lượng cũng tương đương.

Bởi thế, Bát Trang từ lâu vẫn tự hào là vùng vải ngon nhất thuộc về địa phận Hải Phòng. Những năm gần đây, xã Bát Trang tiếp tục nổi lên là vùng vườn năng động, khi người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, đưa nhiều loại cây ăn quả khác về trồng cùng với vải, nhiều nhất là nhãn, rồi đến xoài.

Ngoài các khu vườn thổ cư truyền thống, nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng được cải tạo chuyển từ trồng lúa sang lập vồng trồng cây ăn quả. Đáng chú ý, cả ba loại quả điển hình này đều được thu hoạch vào mùa hè.

Ông Trường kể lại, năm ngoái thời tiết biến đổi dị thường, đêm giao thừa bỗng dưng nổi lên trận mưa cực lớn kèm sấm chớp, tiếp đó còn thêm nhiều cơn mưa lớn trái mùa khác. Cũng đúng vào thời điểm cây vải và xoài, tiếp đó là nhãn ra hoa, chưa kịp thụ phấn kết trái đã tan tác, khiến cho cả xã Bát Trang cũng như vùng lân cận bị mất mùa quả.

Ông Trường nói: “Thời điểm vải, xoài, nhãn trổ hoa, thụ phấn mà gặp mưa nồm, sương muối, chỉ dính một vài đợt tiết khí này xem như đã mất mùa”.

Nhưng năm nay thì hoàn toàn ngược lại, thời tiết rất thuận, có mưa cũng chỉ là phùn nhẹ, không có gió lớn, không nồm và sương muối, nên vườn vải – xoài – nhãn nào cũng nở rộ hoa, kết quả mà không gặp trở ngại nào.

Ngay tại khu vườn nhà ông Trường, các cây vải đã đậu quả bám chắc cuống, còn xoài cũng đã ra quả rất sai và đều, riêng hoa nhãn vụ muộn hơn nhưng cũng nở hoa trĩu cành.

“Nếu trong vòng một tháng nữa không gặp giông bão lớn, thì vụ quả năm nay sẽ được mùa nhất trong hàng chục năm trở lại đây” – ông Trường khẳng định.

Cũng theo ông Trường, cả ba loại cây nêu trên nếu đã đậu được quả thì phát triển rất nhanh, như vải nhà ông mới qua một tuần thành hình quả đã to bằng hạt đỗ xanh, nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi thì chỉ khoảng một tháng nữa sẽ “mở mắt”, nghĩa là bắt đầu vào cùi.

Trong khi đó, xoài thì gần như chắc chắn bội thu, vì mỗi chùm đều đã đậu hơn 10 quả, quả to đã bằng ngón chân cái người lớn. Cũng theo kinh nghiệm, vì ba giống quả cùng phụ thuộc vào yếu tố thời tiết giống nhau, nên nếu vải, xoài được mùa thì nhãn cũng tương tự, dù mùa thu hoạch của nhãn muộn hơn hàng tháng.

Chua vao vu, chu vuon da lo boi thu mua qua-Hinh-2

Hoa xoài nở trắng cây, hứa hẹn vụ mùa bội thu

Chủ vườn ngay ngáy lo tiêu thụ

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp hè đến mang theo những cơn nắng chang chang đổ xuống, đi về các vùng quê là cảm nhận được ngay khung cảnh các loại quả nối nhau khoe mã.

Nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy, năm nào vải, xoài, nhãn được mùa, người tiêu dùng thì vui mà nhiều người trồng vải sẽ buồn. Khổ vì càng được mùa thì càng khó tiêu thụ vì cung vượt quá cầu, có lẽ chẳng có loại quả nào rơi vào tỉnh cảnh trớ trêu đến vậy, dù là đặc sản.

Bà Vũ Thị Hiên ở xã Trường Thành (An Lão) tâm sự, bà làm dâu xã Trường Thành nhưng quê gốc ở Bát Trang, các cụ nhà bà Hiên đã khuất núi nhưng vườn tược được anh chị em bà bảo tồn nguyên vẹn. Trong đó có khoảng chục cây vải cổ thụ, hàng năm mấy gia đình bàn bạc phân bổ cho nhau, phần ai nhà đó bán để góp tiền lộc vườn lo hương hỏa cho tiên tổ.

Nhưng gặp năm được mùa, mỗi cây vải được mấy tạ quả, bán thì vừa rẻ vừa khó, mà ăn cũng chẳng xuể. Khổ nhất là bẻ vải, cây vừa cao vừa rộng tán, thuê công cao cũng ít người nhận, mà tự bẻ thì người không chuyên càng khổ khi gặp những cơn nắng như đổ lửa của mùa hè.

Vừa kể chuyện, bà Hiên vừa chỉ ra vườn nhà bà (ở xã Trường Thành): “Vườn nhà tôi đây cũng rộng hơn ba sào, vải chỉ có hai cây to, còn xoài và nhãn thì có tới vài chục, vì chín không ai vặt là nó tự rơi xuống mọc hàng loạt cây khác, mọc hoang chi chít thế mà đã thuận là sai trĩu trịt”.

Theo bà Hiên, hai năm trước thời tiết tốt nên cả ba loại quả được mùa, bà phải bán xoài từ lúc còn xanh chỉ 3.000 đồng/kg mà hết vụ cũng chỉ bán được một nửa. Đến vụ nhãn cũng vậy, do nhãn vườn tuy ngọt nhưng xấu mã hơn các loại nhãn nhập từ nơi khác, nên nếu bội thu cũng đành để nhãn khô rũ trên cây.

Đối với vải thì càng khổ hơn, trở lại với câu chuyện của ông Trường, ông cho biết dù đại trà nhưng vùng quả Bát Trang chỉ là số nhỏ so với các vùng thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang… kể cả Hà Nội. Mấy năm qua, người ta nói nhiều đến các vùng trồng theo tiêu chuẩn G.A.P để xuất khẩu, nhưng lượng xuất khẩu vẫn rất khiêm tốn so với tổng sản lượng thực tế.

Vì vậy, năm nào mùa quả bội thu cũng đồng nghĩa với giá rớt thê thảm. “Năm nay, dịch bệnh Covid-19 thế này, người trồng cây chúng tôi cũng thắc thỏm, nếu xuất khẩu gặp khó, nguồn quả trông hết vào tiêu thụ nội địa thì sống dở, chết dở…” – ông Trường bày tỏ sự lo lắng.

Thật là câu chuyện trớ trêu, khi nỗi lo được mùa lại hiện hữu đối với những người trồng cây ăn quả. Nhìn lại mấy năm gần đây, nhờ các chính sách thúc đẩy bao tiêu, nên lượng tiêu thụ quả của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, nhất là nguồn xuất khẩu sang Trung Quốc và một số thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, do đặc thù về bảo quản, cả vải, xoài và nhãn đều là bài toán khó giải, khi mà người tiêu dùng chỉ muốn được hưởng thụ nguyên bản chứ không phải sản phẩm chế biến. Cho nên việc chuyển hóa các loại quả này thành nguyên liệu cũng là điều hết sức khó khăn.

Mặt khác, thời điểm thu hoạch các loại quả trên cũng trùng với đại trà mùa vụ của nhiều loại quả đặc sản khác như đào, mận, chôm chôm, dứa, dưa hấu, mít… mà sản lượng các miền trong nước cũng như Trung Quốc đều khá lớn, sẽ tạo ra sức cạnh tranh không hề nhỏ.

Mặc dù so với các loại quả cùng vụ, vải và nhãn chiếm nhiều lợi thế về chất lượng, nhưng đó cũng không phải điều mừng dù những loại quả này chiếm lĩnh một thị phần rất lớn.

Khiến câu chuyện về những thứ đặc sản vừa rẻ vừa ngon, nhưng càng được mùa càng khổ, để người trồng chưa đến vụ đã lo ngay ngáy xem ra vẫn còn rất dài.

Theo Lê Minh Thắng/ An ninh Hải Phòng

>> xem thêm

Bình luận(0)