PVOil vẫn "mắc kẹt" 278 tỷ và 3,7 triệu USD tại OceanBank sau vụ Hà Văn Thắm

Google News

(Kiến Thức) - Trên báo cáo tài chính của PVOil hiện vẫn có "vết đen" tiền gửi nằm im năm này qua tháng khác tại OceanBank.

Căn cứ vào kết quả điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm liên quan đến việc nhận tiền ngoài lãi suất tền gửi, ngày 7/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Ngân hàng OceanBank.

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ luật Hình sự đối với 2 bị can gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc) và Vũ Trọng Hải (nguyên Kế toán trưởng PVOil).

Hiện CSĐT Bộ Công an đang tập trung điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm đại án OceanBank, HĐXX tuyên y án bị cáo Hà Văn Thắm mức án chung thân về các tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. 

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank, bị tuyên án tử hình về các tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản... 

HĐXX xác định ông Thắm, Sơn cùng các đồng phạm đã có nhiều sai phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng và gây thiệt hại cho OceanBank gần 2.000 tỷ đồng.

PVOil vẫn “mắc kẹt” 278 tỷ và 3,77 triệu USD

Mối liên quan giữa PVOil và OceanBank trên báo cáo tài chính hiện vẫn chưa dứt.

Cụ thể là tại thời điểm cuối năm 2019, PVOil ghi nhận tới 2.064 tỷ tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, trong đó hơn 21 tỷ đồng và 3,77 triệu USD là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng và đặc biệt 257 tỷ đồng có kỳ hạn tại OceanBank cũng bị hạn chế chi trả từ năm 2015 để tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ thanh toán của khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hiện PVN đang nắm giữ 80,52% vốn PVOil.

Ban Tổng giám đốc PVOil tin rằng các khoản tiền gửi này sẽ được giao dịch trở lại trong thời gian tới khi có quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Về các chỉ tiêu tài chính của PVOil, tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nguồn vốn của PVOil tăng thêm 1.817 tỷ đồng lên 26.481 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nằm ở nợ ngắn hạn với 15.278 tỷ đồng. 

Khoản mục Phải thu ngắn hạn vẫn ở mức rất cao với 9.150 tỷ đồng, trong đó đã phải trích lập khó đòi tới 846 tỷ đồng. Đầu tư tài chính dài hạn 786 tỷ đồng và cũng phải trích lập gần 26 tỷ đồng.

Mặc dù có lãi 230 tỷ đồng năm 2019 nhưng PVOil vẫn còn đang ghi nhận lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2019 tới 733 tỷ đồng do ảnh hưởng từ năm 2014 (lỗ 1.481 tỷ). Dù có lãi, song lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh PVOilvẫn âm tới 1.390 tỷ đồng.

Nợ xấu cũng là một vấn đề nhức nhối của PVOil khi ghi nhận tới 909 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi vỏn vẹn 34 tỷ đồng. 

PVOil van
 
Kiểm toán nêu hàng loạt vấn đề

Ngoài ra, tại báo cáo kiểm toán này, đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ hàng loạt vấn đề của PVOil. 

Thứ nhất, PVOil đang ghi nhận phải thu khác từ PVN liên quan đến khoản lỗ luỹ kế đến ngày 18/5/2011 (thời điểm công ty con là Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư Petec chuyển sang CTCP) với số tiền gần 170 tỷ đồng. Khoản phải thu này phát sinh từ việc xác định phần vốn Nhà nước tại Petec nhưng chưa được PVN và các cơ quan Nhà nước phê duyệt quyết toán.

Phía PVOil cho biết, đây là khoản lỗ trong giai đoạn xác định giá trị doah nghiệp (ngày 30/6/2010) đến thời điểm chính thức chuyển sang CTCP tại Petec, đang chờ PVN phê duyệt giá trị phần vốn Nhà nước.

Thứ hai, khoản mục nguyên giá tài sản cố định vô hình tại thời điểm cuối năm 2019 bao gồm giá trị các lô đất tại CTCP Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOil Sài Gòn) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được gia hạn thời gian sử dụng đất với số tền hơn 32 tỷ đồng. 

PVOil trần tình, PVOil Sài Gòn đã khắc phục tình hình hoàn thiện các thủ tục đất đai từ giá trị các lô đất theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán từ 60 tỷ năm 2018 giảm xuống còn 32 tỷ năm 2019.

Đây là giá trị các lô đất do PVOil Sài Gòn mua để đầu tư, xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng chưa hoàn thành các thủ tục sang nhượng do PVOil Sài Gòn chưa hoàn thành thủ tục đổi tên, chưa xong thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, và đã hết thời hạn thuê nhưng chưa ký mới.

Thứ ba, giá trị khoản đầu tư vào CTCP Hoá dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí được phản ánh theo phương pháp vốn chủ sở hữu với giá trị 279 tỷ đồng. Nhưng đơn vị kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng những thay đổi trong phần góp vốn sau ngày mua khoản đầu tư. 

PVOil lý giải, khoản đầu tư này phát sinh từ trước khi cổ phần hoá. Trong khi đó, tháng 10/2018, dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ được đề nghị xem xét phương án giải thể, phá sản.

PVOil đã có văn bản trình bày với PVN về phương án phá sản của CTCP Hoá dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí. Văn bản để đề xuất được xác định lạ khoản đầu tư này về mức 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hoá (được hiểu là loại khoản đầu tư này ra khỏi CTCP). 

Trong quá trình phá sản, nếu có phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản từ nhà máy nhiên liệu sinh học thì PVOil sẽ nộp toàn bộ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Vấn đề này đã được PVN xin ý kiến từ Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào ngày 1/7/2019. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi tư các cơ quan chức năng.

Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)