“Cầu” nghiên cứu chủ quyền quốc gia của người Việt hôm nay?

Google News

Hiện trong mỗi người biết trăn trở với từng bước đi của dân tộc, có cả một đống câu hỏi về lãnh thổ lãnh hải nhưng đáp án thì lưa thưa

- Đã có nhiều thống kê về công bố quốc tế (cả khoa học tự nhiên và xã hội), bằng sáng chế khiêm tốn của Việt Nam. Không ít người đổ cho điều kiện nghiên cứu, cơ sở vật chất... “Chúng mày vẫn còn may đấy”, dì họ tôi, một giảng viên thanh nhạc và hiện là người duy nhất viết sách về phương pháp giảng dạy môn này, bảo tôi. Câu nói ấy rõ ràng không hàm ý "than nghèo kể khổ chuyện ngày xưa".

[links()]

Cái sự nghiên cứu của phó thường dân nhiều khi xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu văn hoá của một nước khác. Khi sinh thời, ông Phạm Chí Nhân, một nhà tuyên huấn, kể với tôi rằng khi đi học “trộm” tiếng Nga, nửa đầu những năm 60, ông đã gặp một nhà văn hoá lớn - cựu Bộ trưởng Quốc gia giáo dục đầu tiên của Cụ Hồ, ông Vũ Đình Hoè.

Đến lượt tôi, cũng là một kẻ bị “cấm” đi học tiếng Pháp giữa những năm 80 (!). Nhưng sau đó ít lâu, một thủ trưởng của tôi (ông Nguyễn Lập “Dị” – ông đội mũ nồi lệch kiểu Che Guevara sau khi đi công tác ở Cuba về, nhưng tự gọi mình là “lập trường”, quả thực ông rất nguyên tắc trong công việc), đã gọi tôi (và một người nữa) lên, ra lệnh: “Nhiệm vụ các cậu quý này là tập trung vào nghiên cứu…” Trong một thời kỳ còn khá là “giáo điều” ấy, ông Lập dặn tôi: “Trong nghiên cứu, không được nhìn một chiều”. Nay ông đã đi gặp các bậc tiền bối, nhưng tôi luôn nhớ ơn ông.

a
Đúng là các bài viết của tác giả Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa còn rất ít. Ảnh minh họa

Ấy vậy nên dì tôi mới nói "còn may".

Ngẫm đi ngẫm lại, trong cái thời đoạn mà khoa học và thời sự gắn với nhau như hình với bóng thì "may"  nhất là "nghiên cứu chủ quyền quốc gia". Việc nghiên cứu chủ quyền quốc gia hôm nay xuất phát từ “cầu”. Hiện trong mỗi người biết trăn trở với từng bước đi của dân tộc, có cả một đống câu hỏi về lãnh thổ lãnh hải của nước nhà, nhưng đáp án thì lưa thưa, có phần nhuế nhoá. Đây không còn là cảm giác phải ăn mãi một món, nên cố nhìn vào “thực đơn” đa văn hoá xem còn món gì nữa. Đây là một phần trí lực của phương án làm sao “giữ yên phên dậu” mà dường như  mỗi người dân Việt đều thấm nhuần.

Mới đây nhất, TS. Nguyễn Hồng Thao là người Việt Nam có công trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đăng trên tạp chí ISI “Ocean Development & International Law” (ODIL).

Vị Tiến sĩ này thực tế: "Đúng là các bài viết của tác giả Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa còn rất ít. Chúng ta kêu nhiều nhưng nghiên cứu lập luận chặt chẽ thì còn có vấn đề. Việc thiếu các bài viết chất lượng, bảo đảm tính khoa học bằng tiếng Anh trên các tạp chí quốc tế không có lợi cho cuộc đấu tranh chung”.

Đọc lại sử, trộm nghĩ sở hữu văn hoá phương Bắc khá phong phú của cha ông có thể chính là một ưu thế để “Chương dương cướp giáo giặc”… Đọc lại Hịch tướng sĩ, thấy Hưng Đạo vương đã nêu tên của tướng Nguyên là Cốt đãi ngột lang (Ngột Lương Hợp Thai, Uriyangqatai) hai lần, và cả tên tuỳ tướng của tướng (giặc) này để làm gương cho quân sĩ Đại Việt. Các nhà Việt Nam học nổi tiếng nhất của Pháp, như J. Lacouture, và các tác giả sách về chiến tranh Việt Nam ở Mỹ, đã không ít lần chỉ ra rằng, nghệ thuật chiến dịch Tướng Giáp cho thấy, trong số những người thày của bộ đội Việt Nam hiểu rất rõ kẻ thù của họ (quân Pháp, quân Mỹ - những lính thiện chiến bậc nhất thế giới). Hồi ký của “Những người lính da trắng của Hồ Chí Minh” (các lính lê dương chạy sang hàng ngũ Việt Minh) cũng cho thấy điều này. G. Boudarell, một trong những nhà Việt Nam học tiền bối, khoảng năm 1970 đã cho rằng cách đánh cuộc chống Mỹ của Việt Nam có vẻ chiến tranh quy ước châu Âu (tác chiến hiệp đồng dùng xe tăng, hoả tiễn…).

Như vậy, nếu dần hình thành một khuynh hướng nghiên cứu về Trung Hoa trong các thế hệ Việt hôm nay, hẳn nó sẽ là trào lưu mang tính lý trí hơn là cảm tính. Hy vọng rằng nó sẽ định hướng đa diện và đủ sâu về sự trỗi dậy của siêu cường “trẻ” này và ảnh hưởng của nó đối với quan hệ Việt – Trung, với Đông Dương, với khối Đông Nam Á…; rằng nó sẽ thể hiện các quan điểm lý thuyết và thực tiễn một cách mạch lạc, hệ thống, sống động, như cha ông ta từng “đối đầu thành công một cách có phương pháp” (đánh giá của báo Mỹ); rằng việc nghiên cứu như thế sẽ hấp dẫn được nhiều bạn trẻ, với những góc nhìn, cách quan sát, phân tích mới, khoa học và thiết thực.

Lê Đỗ Huy

Bình luận(0)