Cần thành lập Ban đại diện PG huyện Trường Sa

Google News

Cuộc dấn thân của chư vị giáo phẩm đến với Trường Sa đầu sóng ngọn gió để hoằng dương Chánh pháp...

Mùa xuân này, những cây bàng trên đảo Trường Sa đang nẩy chồi sau một mùa thay lá. Và, đây cũng là mùa xuân đầy sức sống tâm linh đến với những người dân, chiến sĩ trên các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn bởi sự hiện diện của 3 ngôi Tam bảo. 
 
Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa (Hoàng Sa thuộc TP.Đà Nẵng) với quần thể các đảo nhỏ, đá ngầm. Hiện tại H.Trường Sa có các đơn vị hành chánh trực thuộc gồm: thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Cả ba đơn vị hành chính này đều có 3 ngôi chùa mang cùng tên.

Chùa Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất trong 3 ngôi chùa của H.Trường Sa do Đại đức Thích Thánh Thành và Đại đức Thích Tâm Hiện điều hành; chùa đảo Sinh Tồn do Đại đức Thích Minh Huy trụ trì và chùa Trường Sa Lớn do Thượng tọa Thích Giác Nghĩa trụ trì. Tất cả ba ngôi chùa có thiết kế chánh điện hướng về phía Bắc - thủ đô Hà Nội mang ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc.

 Chùa Song Tử Tây.

Cuộc dấn thân của chư vị giáo phẩm đến với Trường Sa đầu sóng ngọn gió để hoằng dương Chánh pháp là niềm tự hào không chỉ riêng Phật giáo Khánh Hòa mà là của chung thế hệ Tăng Ni trẻ của thời đại.

Huyện Trường Sa dân cư thưa thớt, còn lại là cán bộ chiến sĩ biên phòng giữ đảo. Tuy vậy, công việc hoằng pháp không đơn điệu mà mang một ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc là sự hiện diện của ngôi chùa trên vùng hải đảo mà thời gian qua đã có những biến động về những vi phạm chủ quyền trên biển Đông. Sự hiện diện của những ngôi chùa đã góp phần làm điểm tựa tâm linh, là niềm tin Chánh pháp cho những người trên đảo.

Như đề cập phần trên, huyện Trường Sa là đơn vị hành chánh thuộc tỉnh Khánh Hòa, có đầy đủ cấp xã, phường và việc những ngôi chùa và chư Tăng hoạt động hoằng pháp trên đảo thực tế đã đặt ra những đòi hỏi tính pháp lý, hành chính cho tổ chức tự viện Tăng Ni theo tinh thần Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là việc xúc tiến thành lập Ban đại diện Phật giáo huyện Trường Sa.

Về điều kiện địa lý, sẽ có những khó khăn do cách trở giữa biển đảo và đất liền một khi chư Tăng trên đảo tham gia hội họp với Ban trị sư Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Tuy vậy, trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, khó khăn trên không còn là chính đáng. Việc thành lập Ban đại diện Phật giáo huyện Trường Sa sẽ là yếu tố khẳng định thêm vào những giá trị pháp lý hành chính và là thành viên góp phần làm lợi đạo ích đời trên huyện đảo Trường Sa và các xã Song Tử Tây và Sinh Tồn. Bên cạnh đó, bản đồ cơ sở chùa chiền về hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện cấp Giáo hội vùng biển đảo, mang ý nghĩa thời sự, chính trị và tâm linh sâu sắc.

Trao đổi với người viết, ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, với tư cách cá nhân bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ có một Ban đại diện Phật giáo huyện Trường Sa được thành lập. Ông cho rằng Ban đại diện Phật giáo huyện Trường Sa có một vai trò tôn giáo tâm linh quan trọng góp phần cùng nhân dân và cán bộ, chiến sĩ giữ gìn ổn định và tăng trưởng cuộc sống nơi đảo xa, bảo vệ lãnh thổ trên vùng biển Đông.

Mùa xuân này, tiếng chuông chùa đã ngân vang trên 3 đảo thị trấn Trường Sa, Song Tử Tây và Sinh Tồn và cũng như trong đất liền, người dân và chiến sĩ giữ đảo đã đến chùa đêm giao thừa để cầu nguyện quốc thái, dân an và hưởng những phúc lộc cho đầu năm mới được hạnh phúc, cuộc sống no đủ và nhiều may mắn.

Những ước mong giản dị này cần được sự chia sẻ dưới hình thức ủy lạo vật chất, xác lập bổ sung giá trị pháp lý hành chánh để cấp Giáo hội Phật giáo huyện Trường Sa sớm được hình thành và hoạt động đúng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Giác Ngộ Online

Bình luận(0)