5 sai lầm tuyệt đối tránh khi cúng ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp

Google News

Ngày 23 tháng Chạp, các gia đình chuẩn bị mâm cúng chu đáo, dâng lên một cách thành tâm. Khi cúng ông Công, ông Táo, các gia đình tuyệt đối tránh 5 sai lầm dưới đây.

Lễ cúng ông Công, ông Táo thường được các gia đình người Việt tiến hành từ ngày 17 - 23 tháng Chạp. Lễ vật cúng Táo quân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, phổ biến là xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả... Đặc biệt là, các gia đình phải chuẩn bị 3 bộ mũ áo, hài; một hoặc 3 con cá chép (cá sống hoặc bằng giấy mã).
Khi thực hiện lễ cúng ông Công, ông Táo, các gia đình tuyệt đối tránh 5 điều dưới đây.
Đặt mâm lễ cúng ông Công, ông Táo dưới bếp
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà. Trong khi đó, ông Táo trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp. Do đó, vào ngày cúng ông Công, ông Táo, một số gia đình chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng: 1 mâm đặt trên ban thờ gia tiên và 1 mâm đặt ở dưới bếp.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về tâm linh cho rằng, việc cúng lễ ông Công, ông Táo như trên là không đúng. Ngày 23 tháng Chạp là cúng chung ba vị Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp. Dân gian thường gọi chung là Thần linh, Thổ địa và được thờ cúng trên ban thờ. Do vậy, làm lễ cúng ông Công, ông Táo cần được làm tại ban thờ chính.
Thêm nữa, bếp là nơi chế biến thực phẩm nên thường bị coi là không ngăn nắp, sạch sẽ. Nếu làm lễ cúng ở bếp sẽ thiếu trang trọng. Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo cần được đặt ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà là bàn thờ chính.
5 sai lam tuyet doi tranh khi cung ong Cong, ong Tao 23 thang Chap
Ảnh minh họa: Internet. 
Ném cá chép từ trên cao xuống
Sau lễ cúng ông Công, ông Táo, nhiều gia đình sẽ phóng sinh cá chép ở ao hồ, sông suối. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho hay phóng sinh cá đúng cách mang ý nghĩa công đức rất lớn.
Khi thả, chúng ta nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Nếu không mọi người có thể đặt cá vào lòng bàn tay rồi từ từ thả cá xuống nước. Thả cá chép cần được mọi người thực hiện một cách thành tâm.
Người dân tuyệt đối không đứng từ trên cao ném cá xuống phía dưới. Thêm nữa, không nên phóng sinh cá ở những nơi nguồn nước bị ô nhiễm vì cá sẽ khó có cơ hội sống sót.
Mâm cơm lễ ông Công, ông Táo quá cầu kỳ
Lễ vật cúng Táo quân không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn.
Nhưng lễ vật chỉ là một phần, quan trọng là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ của các gia đình. Khi cúng Táo quân, gia chủ nên tự khấn vì ông Táo là thần trong nhà, không cần sớ tấu. Văn khấn là lời tiễn biệt, tâm sự, mong muốn của gia chủ đối với Táo quân trước khi ngài lên đường về trời chầu Ngọc hoàng.
Cúng ông Công, ông Táo sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp
Theo tín ngưỡng dân gian, 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công, ông Táo đã bay về chầu trời. Do vậy, việc cúng ông Công, ông Táo cần được thực hiện trước thời điểm đó.
Các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
Khấn xin tài lộc, sung túc
Chủ nhà khi cúng ông Công, ông Táo phải thành tâm điểm lại những sai lầm, việc xấu đã phạm phải trong năm, những việc đã xảy ra trong gia đình. Đồng thời, gia chủ kiểm điểm, sám hối, hứa quyết tâm sửa đổi lỗi lầm và cầu xin Táo quân chỉ tấu báo những điều tốt đẹp, mong Ngọc hoàng ban phúc cho gia đình. Gia chủ không nên cầu xin tài lộc, sung túc trong lễ cúng Táo quân.

Mời độc giả xem video: Tết ông Công, ông Táo mùa dịch. Nguồn: VTV TSTC.


Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)