Làn sóng đại gia địa ốc Sài thành đầu tư ra Bắc

Google News

Nhiều nhà đầu tư tại khu vực miền Nam đang có xu hướng đầu tư ra Bắc do thị trường bất động sản khu vực miền Bắc có nhiều sự lựa chọn hơn.

Quỹ đất khan hiếm, nguồn cung dự án mới tại phía Nam sụt giảm, nhiều chủ đầu tư (CĐT) bất động sản (BĐS) lớn tại TP.HCM đã Bắc tiến tìm thị trường mới.
Bất động sản đảo chiều
Nếu trước đây xu hướng các CĐT phía Bắc đầu tư Nam tiến rất rầm rộ thì vài năm trở lại đây, xu hướng này đã đảo chiều. Những ông lớn trên thị trường BĐS TP.HCM như Masterise Group, Phú Mỹ Hưng, Phú Long, Nam Long... đã có mặt tại thị trường BĐS phía Bắc khi liên tiếp công bố những dự án lớn.
Bắt đầu từ năm 2019, Tập đoàn Nam Long đã công bố mở rộng thị trường ra miền Bắc với dự án đầu tiên là khu đô thị Nam Long - Hải Phòng với quy mô 21 ha. Đây là một khu đô thị cung cấp cho thị trường các sản phẩm biệt thự, nhà phố thương mại, căn hộ kèm theo hệ thống tiện ích như trường học, trung tâm thương mại, công viên cây xanh, sân thể dục thể thao…
Một CĐT khác tại TP.HCM là Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cũng đã góp mặt tại phía Bắc với một dự án khu đô thị quy mô lớn được quy hoạch và đầu tư tại phía tây Hà Nội với tổng diện tích lên tới hơn 264 ha. Đại gia Him Lam Land công bố ra thị trường dự án khu đô thị gần 27 ha tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 2.600 tỉ đồng.
Công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng phát hành trái phiếu với giá trị 1.700 tỉ đồng (xấp xỉ 75 triệu USD) để dùng nguồn vốn này xây dựng khu đô thị ở Hòa Bình trong vòng 15-20 năm tới. Dự kiến khi hoàn thành, khu đô thị cung cấp hơn 1.000 đơn vị nhà ở cùng trường học, bệnh viện, khách sạn.
Trước đó, một số đại gia địa ốc TP.HCM như Hưng Thịnh, Thuduc House… cũng đã đặt chân tìm thị trường mới tại Hà Nội.
Không chỉ đầu tư dự án BĐS, nhiều công ty địa ốc lớn tại phía Nam đã thành lập các sàn giao dịch quy mô lớn để thu hút nhà đầu tư phía Bắc. Tập đoàn Hưng Thịnh là một trong những doanh nghiệp địa ốc đầu tiên của TP.HCM mở sàn giao dịch bán các sản phẩm BĐS phía Nam ở Hà Nội. Novaland cũng đã khai trương trung tâm BĐS tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, giới thiệu kịp thời đến các nhà đầu tư miền Bắc những sản phẩm mới nhất của tập đoàn này.
Trước đây, các doanh nghiệp chỉ chú trọng thị trường ở Long An, TP.HCM, Bình Dương, thế nhưng từ năm 2019 tới nay, Trần Anh Group xây dựng hệ thống sàn BĐS tại các tỉnh phía Bắc để tiếp cận khách hàng tốt nhất. Ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Trần Anh Group, cho biết qua khảo sát khách hàng các dự án của tập đoàn thì thấy rằng khách hàng đến từ phía Bắc đang chiếm tỉ lệ khá lớn.
Lan song dai gia dia oc Sai thanh dau tu ra Bac
 Nhiều doanh nghiệp phía Nam dịch chuyển khai thác thị trường bất động sản mới tại phía Bắc. Ảnh: QUANG HUY
Phải hiểu thị trường
Đại diện Savills Việt Nam cho biết do khan hiếm quỹ đất, vướng mắc về thủ tục pháp lý dự án ở TP. HCM là một trong những nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp BĐS dịch chuyển, mở rộng thị trường ra phía Bắc.
Theo Savills, hiện tượng này dễ hiểu bởi có ba yếu tố chính khiến Hà Nội trở thành một thị trường tiềm năng.
Thứ nhất, tính pháp lý ở Hà Nội khiến các nhà đầu tư yên tâm. Thứ hai, các nhà đầu tư TP.HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các CĐT Hà Nội. bản thân các CĐT có đủ khả năng và năng lực để kết hợp với các nhà đầu tư tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn có thể đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
“Các CĐT phía Nam phải hiểu được tâm lý khách hàng, hiểu được thị trường phía Bắc, đặc biệt là bài toán về giá bán. Các CĐT BĐS phía Nam có kinh nghiệm phát triển thị trường, điều kiện bàn giao, đầu tư hạ tầng, tiện ích dịch vụ… vẫn có thể tạo được lợi thế cạnh tranh tại thị trường phía Bắc” - đại diện Savills chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết số lượng nhà đầu tư quan tâm tới BĐS khu vực miền Bắc hiện rất cao. Dự báo trong quý IV-2020 sẽ có thêm một số CĐT có tiếng ở thị trường miền Nam gia nhập thị trường miền Bắc.
Theo ông Quốc Anh, lượng tin đăng ở khu vực miền Bắc có xu hướng tăng cao, kể cả trong giai đoạn dịch covid-19 cho đến hiện nay. Bên cạnh đó, lượng giao dịch của thị trường BĐS miền Bắc vẫn duy trì ở mức tốt, đặc biệt là phân khúc nhà đất thổ cư.
“Giữa thách thức và cơ hội của các doanh nghiệp địa ốc phía Nam khi Bắc tiến, cơ hội là nhiều hơn. Giá BĐS phía Bắc thấp hơn khu vực phía Nam và còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là tại các thị trường tỉnh. Tuy nhiên, CĐT cần hiểu khách hàng và hiểu thị trường vì thị trường miền Bắc khác miền Nam, từ đó đưa ra chiến lược phát triển các sản phẩm phù hợp” - ông Quốc Anh chia sẻ.•

Vốn ngoại đổ về bất động sản công nghiệp phía Bắc

Theo báo cáo JLL Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2020, dòng vốn đầu tư vào BĐS công nghiệp liên tiếp đổ vào phía Bắc. Hầu hết CĐT ở các thị trường phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương) giữ được lợi thế thương lượng bất chấp khủng hoảng đại dịch.

Giá thuê đất trong quý III-2020 đã đạt đỉnh mới với 102 USD/m2/chu kỳ thuê (khoảng 50 năm), tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2019. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ, dao động 4,1-5,2 USD/m2/tháng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo JLL Việt Nam, quỹ đất hiện hữu ở phía Bắc vẫn đủ để đáp ứng làn sóng đầu tư sắp tới, trong đó dẫn đầu là Hải Phòng, Bắc Ninh và có thêm dự án mới tại các khu vực trọng điểm như Bắc Ninh, Hải Dương và Bắc Giang… Nguồn cung đất công nghiệp ở phía Bắc sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2021, đến từ cả các khu công nghiệp cho thuê đất và hạ tầng, cũng như từ các đơn vị cho thuê kho và nhà xưởng xây sẵn. Nguồn cung kho, xưởng xây sẵn dự kiến tăng 15%-20% trong năm tới, ở các vị trí gần TP hoặc nhà máy sản xuất lớn. 

Theo Quang Huy/Pháp luật TP HCM

>> xem thêm

Bình luận(0)