Vụ bắt cóc thế kỷ và cái chết của con trai phi công giỏi nhất thế giới

Google News

Một mực cho rằng mình không biết và không có bất kỳ liên quan tới vụ bắt cóc con trai đại tá Lindbergh nhưng khi khám xét nhà của Bruno Richard Hauptmann, rất nhiều bằng chứng được phát hiện đã chống lại lời khai của người đàn ông này.

Charles Augustus Lindbergh là một phi công, nhà phát minh và thám hiểm nổi tiếng bậc nhất thế giới. Năm 25 tuổi, việc thực hiện chuyến bay vượt Đại Tây Dương đầu tiên của thế giới đã khiến cho tên tuổi của Lindbergh nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Cuộc sống của gia đình Lindbergh rất hạnh phúc và êm ả cho tới khi đứa con trai 20 tháng của họ bị bắt cóc, và ra đi mãi mãi. Vì liên quan đến một người nổi tiếng nên vụ án càng thu hút sự chú ý của giới truyền thông và đông đảo người dân. Đã gần 90 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại vụ bắt cóc và thảm sát này, nhiều người vẫn rùng mình.
Vu bat coc the ky va cai chet cua con trai phi cong gioi nhat the gioi
Chân dung Bruno Richard Hauptmann. 
Vật chứng khó chối cãi
Tại nhà của nghi phạm, các điều tra viên đã không mất nhiều thời gian để tìm thấy hơn 14.000 USD tiền mặt giấu trong gara có số seri trùng với số tiền mà đại tá Lindbergh đã giao cho tên bắt cóc.
Ngoài ra, nhiều chứng cứ khác cũng được thu lại bao gồm số điện thoại và địa chỉ nhà ông John F. Condon được viết lên tường bằng bút chì, một cuốn sổ tay có bản vẽ phác thảo chiếc thang mà sau khi so sánh, cảnh sát nhận thấy nó tương tự như chiếc thang mà hung thủ để lại hiện trường nhà đại tá Lindbergh.
Khám xét kỹ hơn, cảnh sát cũng thu được trong xưởng gỗ của Hauptmann một vài thanh gỗ cùng loại với chiếc thang ấy, kèm theo đó là một đôi găng tay, hai cái túi lớn bằng vải có dính đất mà theo nhận định nghi phạm đã sử dụng để bọc vào giày nhằm xóa dấu vết.
Lục lại hồ sơ của nghi phạm, các nhà điều tra nhận thấy Hauptmann nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ năm 1923 khi 23 tuổi. Trước đó, năm 17 tuổi, nghi phạm này từng tham gia Thế chiến thứ nhất. Sau chiến tranh, Hauptmann đã có thời gian đi tù vì trộm cắp tài sản. Trong phi vụ trộm cắp của mình, Hauptmann sử dụng một chiếc thang và cũng để lại hiện trường. Sau khi nhập cư vào Mỹ, năm 1925 Hauptmann kết hôn với một người hầu bàn và làm nghề thợ mộc.
Những lời khai mâu thuẫn
Khi bị bắt để thẩm vấn, Hauptmann liên tục phủ nhận những cáo buộc dành cho mình. Nghi phạm này khai rằng số tiền đó mình nhận từ một đối tác thân thiết tên là Isador Fisch, nhưng Fisch đã quay lại Đức vào tháng 12/1933 và đã chết vì bệnh lao sau đó vài tháng. Căn nhà mà Hauptmann đang ở là nhà của Isidor Fisch từng thuê sau đó để Hauptmann tiếp tục thuê lại và khi Hauptmann dọn về thì tất cả những thứ cảnh sát tìm thấy đã có sẵn ở đó.
Giải thích về địa chỉ nhà của ông Condon, Hauptmann cho biết: “Khi vụ bắt cóc xảy ra, tôi có đọc thông tin trên báo và cũng giống như nhiều người dân khác, tôi quan tâm đến nó nên đã ghi lại địa chỉ của ông Condon”. Tuy nhiên, điều Hauptmann không lý giải được là tại sao lại có số điện thoại của Condon vì báo chí không hề công khai số máy này. Về bản phác thảo chiếc thang trong cuốn sổ tay, Hauptmann giải thích: “Có thể một đứa trẻ của nhà Isidor Fisch đã vẽ nó. Khi ông Fisch về Đức, họ vứt nó lại”.
Ngoài ra, dù đã hơn hai năm kể từ lần nghe thấy giọng nói của tên tống tiền ở nghĩa trang, nhưng cả đại tá Lindbergh và ông Condon đều vẫn nhớ và xác nhận giọng nói của Hauptmann chính là giọng nói mà mình đã từng nghe.
Cuối cùng, Hauptmann được yêu cầu lấy mẫu chữ viết tay. Với những bức thư đòi tiền chuộc, 8 chuyên gia về chữ viết tay được mời giám định và cả 8 người đều kết luận: “Do cùng một người viết ra”.
Với tất cả những bằng chứng này, thẩm phán đã quyết định Hauptmann sẽ bị dẫn độ về New Jersey, phải đối mặt với việc bị kết án bắt cóc và giết cậu bé Lindbergh. Thời điểm dẫn độ là gần nửa đêm nhưng trên suốt quãng đường ấy, những tiếng la ó của rất nhiều người dân đứng hai bên đường gần như không dứt.
Theo Đàm Anh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)