Là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á, nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn, trong đó có việc "cướp" thi thể của người mắc COVID-19.
Vấn nạn này liên quan đến tập tục, văn hóa và sự kỳ thị của người dân xứ vạn đảo.
Tuần trước, một đám đông ở tỉnh Madura đã chặn một chiếc xe cứu thương chở thi thể bệnh nhân mắc COVID-19. Các nhân viên y tế và tài xế đã cố gắng trấn tĩnh đám đông, nhưng họ đe dọa sẽ đốt xe cứu thương nếu không giao nộp thi thể. Theo cảnh sát địa phương, đám đông này là thành viên gia đình và hàng xóm của người quá cố, dường như họ không tin rằng anh ta đã chết vì COVID-19. Cuối cùng, họ đã "cướp" thi thể thành công và đưa về chôn không theo giao thức y tế đối với bệnh nhân COVID-19. Bốn người trong gia đình nạn nhân hiện đang bị cách ly và phải đối mặt với mức án 5 năm tù vì vi phạm luật dịch bệnh, luật kiểm dịch và điều KUHP điều 214 về việc dùng bạo lực đe dọa người thi hành công vụ.
|
Người dân tự chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 không theo giao thức y tế: Ảnh: Detiknews.
|
Tiến sĩ Eko Hariyanto, Giám đốc Trung tâm Y tế Balongganggang miền Đông Java, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Indonesia cho biết, ông không thể làm gì nhiều khi các gia đình đổ xô đến bệnh viện đòi mang thi thể bệnh nhân COVID-19 trở về nhà. Bệnh viện cũng không thể chủ động trực tiếp thực hiện nghi thức tang lễ COVID-19 nếu gia đình không cho phép. Các gia đình thậm chí mang thi thể về chôn bằng phương tiện giao thông công cộng và thi thể chỉ được bọc trong một tấm vải liệm. Các trường hợp tương tự xảy ra ở nhiều nơi trên toàn Indonesia.
Nhà nghiên cứu xã hội học từ trường Đại học Yogyakarta, ông Amika Wardana cho biết: Đối với người Indonesia, việc chôn cất và giữ gìn thanh danh của người quá cố trong thời gian để tang là rất quan trọng. Các quy trình tắm rửa, tẩy trần, quy trình chôn cất lí tưởng phải phù hợp với các tiêu chuẩn thường được cộng đồng thực hiện. Do vậy, khi các tang lễ theo nghi thức COVID-19 đã cắt bỏ nhiều nghi lễ và không có sự tham gia của nhiều thành viên gia đình, họ hàng và người thân thì nhiều người Indonesia thấy không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, ông Drahat Tri Hartono, nhà xã hội học từ Trường Đại học Sebelas Maret cho rằng, chính phủ đang cứng nhắc theo nguyên tắc mà không chú ý tới giá trị văn hóa cộng đồng. Theo ông cần có sự thỏa hiệp giữa chính phủ và gia đình bệnh nhân, chẳng hạn như cho phép 1 thành viên gia đình tham gia vào các nghi thức tẩy rửa thi thể trước khi chôn cất.
Nhà xã hội học Indonesia này cũng đưa ra dẫn chứng, trong hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 3 vừa qua về việc xử lý thi thể bệnh nhân COVID-19, trong đó có nêu chưa có nghiên cứu về việc COVID-19 có thể lây qua xác chết. Ông nhấn mạnh, "phẩm giá, truyền thống, văn hóa và tôn giáo người quá cố cũng như gia đình của họ cần phải được tôn trọng và bảo vệ."
Hiệp hội các chuyên gia y tế cộng đồng Indonesia (IAKMI) cho rằng, để đối phó với vấn nạn cướp thi thể bệnh nhân COVID-19, chính phủ cần phải chú ý hơn tới mong muốn của người dân và đưa ra các phương pháp hợp lý.
Hiện nay, Indonesia đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất Đông Nam Á với hơn 46.000 ca mắc COVID-19 và gần 2.500 người tử vong.