Tổng thống Trump - Tâm điểm bàn tán trước Hội nghị thượng đỉnh G7

Google News

Tổng thống Trump trở thành tâm điểm bàn tán trước hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp cuối tuần này. Các chuyên gia lo ngại ông sẽ làm G7 "nổ tung" một lần nữa.

Các chuyên gia lo ngại "tính khí thất thường" của Tổng thống Trump có thể lại khiến ông nổi cơn thịnh nộ và bỏ về sớm như tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada năm 2018.
Họ dẫn ra quyết định hủy chuyến thăm Đan Mạch của Tổng thống Trump chỉ vì nước này từ chối thảo luận về việc bán đảo Greenland và lo ngại về "ngọn núi lửa trực chờ phun trào" tại G7.
Tâm điểm tại G7
Ông Trump thường xuyên đả kích các quốc gia và chỉ trích các nhà lãnh đạo bên kia bờ Đại Tây Dương.
Tháng trước, ông đã chỉ trích "sự dại dột" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi áp thuế kỹ thuật số với công ty Mỹ và đe dọa sẽ đánh thuế lên rượu vang Pháp.
Lường trước rắc rối của nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Macron quyết định hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz, Pháp, sẽ kết thúc mà không có tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử 44 năm của nó. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những bất đồng giữa các nước.
G7 là nhóm các nước có nền kinh tế phát triển gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Nhật Bản và Canada mà Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông ngày càng "chán ghét".
Tong thong Trump - Tam diem ban tan truoc Hoi nghi thuong dinh G7
 Bức ảnh cho thấy sự chia rẽ giữa Mỹ dưới thời Tổng thống Trump với các nước G7. Ảnh: Washington Post.
Một trong những lý do ông Macron coi nỗ lực để có tuyên bố chung G7 là "vô nghĩa" là vì ông Trump muốn thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương, nơi ông có thể tận dụng sức mạnh vượt trội của Mỹ, thay vì các hiệp định đa phương.
Hơn nữa, tổng thống Mỹ tin chủ quyền quốc gia, chứ không phải hợp tác đa phương, là nền tảng của quan hệ quốc tế, theo CNN.
Đặc biệt, những thay đổi mạnh mẽ của ông Trump trong chính sách đối ngoại Mỹ đã tạo ra khoảng cách với các nước châu Âu. Chẳng hạn như các chính sách về biến đổi khí hậu, Iran, thương mại...
"Với những gì chúng ta thấy, tôi nghĩ tuần này chúng ta sẽ chứng kiến Tổng thống Macron ở Pháp cố gắng dẫn dắt 6 nước nhìn về một hướng", bà Heather Conley thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế CSIS nói.
Hình ảnh Tổng thống Trump khoanh tay một mình ngồi "đối diện" với các nhà lãnh đạo G7 ở Quebec là biểu tượng của sự chia sẽ sâu sắc. Nó khiến các nhà phân tích lo ngại cảnh tượng sẽ tái diễn cuối tuần này.
Khoảng cách Mỹ - EU ngày càng lớn
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng tìm thấy một số lý do để mong đợi ở hội nghị.
Mở đầu, ông Trump có thể sẽ "khoe khoang" về những làn gió suy giảm kinh tế đang bắt đầu thổi qua châu Âu, nơi đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với nền kinh tế Mỹ. Mặc dù, Washington cũng đang xoay xở với nguy cơ suy thoái kinh tế.
"Bạn sẽ thực sự nghe thấy Tổng thống Trump nhấn mạnh thông điệp về sự tăng trưởng kinh tế (của Mỹ) và những gì ông ấy đã hoàn thành trong cuộc cải cách thuế lịch sử", CNN dẫn lời một quan chức cao cấp của chính quyền Trump nói hôm 22/8.
"Về bãi bỏ quy định, chính sách đầu tư, chính sách tập trung vào năng lượng và tự do và công bằng trong thương mại".
"Chúng tôi đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mà chúng tôi không nghĩ là làm được chỉ mới vài năm trước. Và bạn có thể thấy điều này tương phản với những gì đang xảy ra ở châu Âu", giới chuyên gia hình dung về những gì ông Trump sẽ "ba hoa" tại G7.
Tong thong Trump - Tam diem ban tan truoc Hoi nghi thuong dinh G7-Hinh-2
Khoảng cách giữa Mỹ và EU ngày càng lớn khiến các chuyên gia lo ngại. Ảnh: CNN. 
Tổng thống Trump quan tâm sâu sắc tới việc giúp châu Âu thoát khỏi tình trạng kinh tế bất ổn vì lo ngại hiệu ứng lan truyền sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Điều này cũng sẽ làm xấu "hồ sơ" tranh cử nhiệm kỳ hai của ông Trump.
Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc và việc áp thuế lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là nhân tố ảnh hưởng đến họ.
Việc nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi mời Nga quay trở lại G8 cũng đe dọa gây chia rẽ nhóm này. Moscow vốn bị loại khỏi nhóm sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Một quan chức cấp cao của Mỹ đã xác nhận rằng cả ông Trump và ông Macron đã đồng ý mời Tổng thống Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Mỹ vào năm sau.
Boris Johnson - "Trump của nước Anh"
Theo CNN, Tổng thống Trump có thể chọc giận các nhà lãnh đạo Pháp và Đức bằng việc ủng hộ thẳng thắn vấn đề Brexit. Ông đã thúc giục tân thủ tướng Anh rút nước này khỏi EU mà mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10.
Ông Trump cũng lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Anh Boris Johnson kể từ khi ông này mới nhậm chức.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới đây đã bay đến London để bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington với một thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ "ngoài EU".
Tong thong Trump - Tam diem ban tan truoc Hoi nghi thuong dinh G7-Hinh-3
 Tổng thống Trump đã gọi tân Thủ tướng Anh Boris Johnson là "Trump của nước Anh". Ảnh: Getty.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo ngại việc "chia tay" không có thỏa thuận, hay "Brexit cứng" sẽ dẫn đến sự hỗn loạn tại các cảng và cửa khẩu biên giới, gây tổn hại cho nền kinh tế của họ.
Họ cũng hoang mang trước thái độ của ông Trump đối với khối EU sẽ thay đổi so với những gì Mỹ đã ủng hộ từ sau Thế chiến II.
Ông Johnson và ông Trump có quan điểm khác biệt sâu sắc với các nhà lãnh đạo châu Âu không chỉ về Brexit, mà còn trong vấn đề biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Nhà Trắng đang nỗ lực làm suy yếu ảnh hưởng của châu Âu bằng cách "tách" Anh khỏi EU.
Bà Heather Conley thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho rằng sự ủng hộ của Anh với các vấn đề Iran, Trung Quốc và biến đổi khí hậu là không lớn.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Hà Lan/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)