Thượng đỉnh Biden - Putin: Cánh cửa mở cho quan hệ Mỹ - Nga

Google News

Hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin đã kết thúc với rất nhiều điều tích cực, mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Mỹ và Nga trong thời gian tới.

Cuộc gặp rất được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/6 tại Geneva, Thuỵ Sĩ đã kết thúc. Mặc dù còn nhiều điểm khác biệt, song với những gì đã diễn ra, hội nghị này được xem là khởi đầu mới cho quá trình “cài đặt lại” quan hệ Washington - Matxcơva trong thời gian tới.
Cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden và ông Putin kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, ít hơn một tiếng so với lịch trình trước đó. Thượng đỉnh lần này được tổ chức theo hình thức hẹp và rộng. Theo đó, cuộc họp đầu chỉ có ông Biden và ông Putin tham dự, cùng với hai ngoại trưởng, hai thông dịch viên. Sau đó sẽ là phiên thảo luận mở rộng với sự tham gia của các cố vấn hàng đầu của hai bên.
Kết quả tích cực
Hội nghị lần này, Mỹ và Nga đã thẳng thắn thảo luận những bất đồng trong quan hệ song phương, nhiều vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm cũng như chia sẻ quan điểm, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các vấn đề hai nước cùng chung lợi ích.
Thuong dinh Biden - Putin: Canh cua mo cho quan he My - Nga
Cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/6. (Ảnh: AP) 
Đáng chú ý, lãnh đạo hai nước cũng đã thông qua tuyên bố chung Mỹ - Nga về ổn định chiến lược nhằm ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, đồng ý thiết lập các khuôn khổ đối thoại mới về kiểm soát vũ khí và an ninh mạng.
“Ngay cả trong những giai đoạn căng thẳng, Mỹ và Nga có thể đạt được tiến bộ trong các mục tiêu chung, đảm bảo khả năng dự báo trong lĩnh vực chiến lược, giảm nguy cơ xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Hai nước tái khẳng định nguyên tắc, một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ diễn ra”, tuyên bố Mỹ - Nga cho hay.
Mỹ và Nga cũng đồng ý cho phép các đại sứ Nga và Mỹ trở lại thủ đô của hai nước và bắt đầu tham vấn về nhiều vấn đề - từ quan hệ ngoại giao đến ổn định chiến lược. Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ bắt đầu tham vấn theo sự tương tác của kênh ngoại giao. Về thời điểm các đại sứ trở về đại sứ quán hai nước, ông Putin cho biết đây thuần túy là vấn đề kỹ thuật.
Ngoài ra, Washington và Matxcơva cũng nhất trí hợp tác trong các mối quan ngại chung về an ninh mạng như cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu và coi đây là “lằn ranh đỏ” đối với hai nước. Hai bên đã đồng ý giao nhiệm vụ cho các chuyên gia của hai nước làm việc để tìm hiểu cụ thể về những gì vượt quá quá giới hạn…
Sau cuộc gặp, Tổng thống Vladimir V. Putin mô tả cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ mang tính xây dựng, trong đó hai bên đều thể hiện thiện chí, mong muốn hiểu biết lẫn nhau. Thậm chí, ông còn ca ngợi Tổng thống Biden là chính trị gia chuyên nghiệp.
"Cuộc gặp của chúng tôi diễn ra trên tinh thần xây dựng. Chúng tôi đã đánh giá về một số vấn đề, cả hai bên đều bày tỏ quan điểm của mình, mong muốn tìm kiếm điểm chung”, ông Putin nói.
Trong khi đó Tổng thống Joe Biden cho biết, hội nghị thượng đỉnh diễn ra tích cực và tuyên bố ông đã đạt được mục đích tại hội nghị lần này.
“Chúng tôi sẽ có thể hợp tác ở những lĩnh vực có lợi ích chung. Đối với những vấn đề có có sự khác biệt, tôi muốn ông Putin hiểu rằng chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để phản ứng trước những hành động gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ”, ông Biden cho hay.
Còn nhiều khác biệt
Mặc dù không khí cởi mở bao trùm tại hội nghị khi Mỹ, Nga nhất trí trong nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm song sự khác biệt giữa Washington và Matxcơva vẫn rất lớn, nhất là trong những vấn đề liên quan đến lợi ích của nhau.
Về các vụ tấn công mã độc, Tổng thống Biden tuyên bố trả đũa nếu cơ sở hạ tầng của Mỹ tiếp tục bị tấn công. Đáp trả, Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ, nhấn mạnh chính Mỹ đứng sau số lượng lớn các cuộc tấn công mạng.
Thuong dinh Biden - Putin: Canh cua mo cho quan he My - Nga-Hinh-2
Mặc dù đạt được nhiều tiến triển tích cực song sự khác biệt giữa Mỹ và Nga vẫn còn. (Ảnh: AP) 
Trong khi đó, đề cập đến số phận của nhân vật đối lập Alexei Navalny, ông Biden nói Nga sẽ gánh chịu "hậu quả tàn khốc" nếu Navalny chết.
Tổng thống Biden cho biết ông đã nêu ra một loạt vấn đề với ông Putin, bao gồm nhân quyền, tự do báo chí và can thiệp bầu cử. “Điểm mấu chốt là tôi đã nói với Tổng thống Putin rằng, hai bên cần phải tuân theo các quy tắc cơ bản”, ông Biden nói.
Về hành động gây hấn của quân đội Nga đối với Ukraine, ông Putin bác bỏ chủ đề này, nói rằng đó không phải là việc của Mỹ. "Giống như Mỹ thực hiện các cuộc tập trận trên lãnh thổ của họ, chúng tôi cũng đang làm như vậy. Chúng tôi không thực hiện các cuộc tập trận, mang khí tài đến Mỹ”, ông Putin nói.
Ngoài ra, đề cập đến vấn đề Ukraine gia nhập NATO, Tổng thống Putin phản ứng gay gắt, cho rằng điều này "không phải bàn cãi ở đây".
Có thể nói, mặc dù cuộc gặp Biden - Putin ở Geneva chưa tạo ra bước đi mang tính đột phá, tạo ra cú hích để “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga. Tuy nhiên, những tiến triển tích cực đạt được tại cuộc gặp lần này được xem là bàn đạp để Washington - Matxcơva từng bước tạo dựng niềm tin, thúc đẩy sự hữu biết lẫn nhau hơn nữa để cùng hợp tác, chia sẻ các giá trị chung với thế giới.
Theo giới phân tích, thực ra cuộc gặp lần này chỉ là bước đi để Mỹ và Nga thăm dò chính sách lẫn nhau nên khó tạo đột phá. Cái được sau hội nghị này là việc hai bên đã bày tỏ quan điểm, lập trường thẳng thắn của mình trong các vấn đề cùng quan tâm, vấn đề có chung lợi ích hay vấn đề còn khác biệt. Hơn nữa, hội nghị cũng đã mở ra cơ hội để ông Biden và ông Putin tạo dựng mối quan hệ cá nhân, tạo tiền đề cho việc quản lý những xung đột, mâu thuẫn giữa Mỹ và Nga trong thời gian tới.
Theo Kông Anh/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)