Sau 35 ngày phải đóng cửa, một phần Chính phủ Mỹ cũng đã có cơ hội mở cửa trở lại sau khi giới chính trị Mỹ tạm thời tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, thỏa thuận ngắn hạn này cho thấy, cuộc chiến pháp lý giữa một bên là đảng Dân chủ và một bên là Tổng thống xoay quanh khoản ngân sách dành cho việc xây dựng bức tường biên giới vẫn chưa ngã ngũ. Sóng ngầm vẫn hiện diện trong chính trường Mỹ.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu với báo giới sau khi ký thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ tạm thời hoạt động đầy đủ trở lại trong 3 tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông rất tự hào được công bố thỏa thuận cấp ngân sách cho Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại cho đến ngày 15/2 tới. Các nhân viên Chính phủ chịu sự tác động của những rắc rối về chính trị sẽ lại được trả lương đầy đủ.
Ông Donald Trump cũng nhấn mạnh, ông chưa phải viện đến một một biện pháp mạnh nhằm ám chỉ đến việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đổi lấy khoản ngân sách cho việc xây dựng bức tường biên giới. Tuy nhiên, Tổng thống nhấn mạnh, nước Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng bức tường biên giới. Ông cảnh báo, nếu không đạt được thỏa thuận từ Quốc hội, Chính phủ Mỹ sẽ lại phải đóng cửa sau ngày 15/2 tới hoặc ông sẽ sử dụng quyền được quy định trong hiến pháp và pháp luật để giải quyết vấn đề.
“Tôi cho rằng, chúng ta vẫn còn cơ hội, cơ hội tốt. Chúng tôi sẽ làm việc với phe Dân chủ. Mọi người hãy chờ xem. Nếu chúng tôi không làm được, chúng tôi sẽ phải thực hiện những hoạt động khẩn cấp. Chúng ta cần phải quan tâm đến vấn đề biên giới và nó phải được làm”, ông Trump nói.
Ngày 25/1, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ tạm thời hoạt động trở lại trong ba tuần sau khi Tổng thống Donald Trump đồng ý một thỏa thuận không bao gồm khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Với số phiếu ủng hộ áp đảo, dự luật trên đã được thông qua ở Thượng viện và cũng đã được bỏ phiếu ở Hạ viện cùng ngày trước khi chuyển tới Tổng thống ký phê duyệt.
Dù không bao gồm khoản ngân sách cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới nhưng dự luật này đặt ra thời hạn 3 tuần để các nghị sỹ và Nhà Trắng thảo luận về an ninh biên giới. Với tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, cuộc chiến liên quan đến khoản ngân sách dành cho việc xây dựng bức tường biên giới vẫn chưa ngã ngũ, vẫn còn tiếp diễn sau thời điểm ngày 15/2 tới. Tổng thống sẵn sàng “mặc cả” khoản ngân sách 5,7 tỷ USD mà ông yêu cầu cho việc xây dựng bức tường biên giới.
Một câu hỏi đặt ra ở đây là lý do gì khiến ông Trump lại chấp nhận một thỏa thuận khi thỏa thuận đó không bao gồm điều khoản mà ông vẫn khăng khăng yêu cầu Quốc hội phải thông qua. Theo nguồn tin từ hãng Reuters, ông Donald Trump chấp nhận thỏa thuận sau phiên tham vấn với một loạt cơ quan thực thi pháp luật Mỹ liên quan đến sự cố tê liệt hàng không Mỹ trong ngày 25/1 vừa qua. Hàng trăm chuyến bay đã bị đình chỉ tại các sân bay của Mỹ do nhân viên kiểm soát không lưu “cáo ốm” vì không được trả lương.
Cơ quan Hàng không liên bang (FAA) đã cho dừng các chuyến bay khởi hành từ sân bay LaGuardia ở New York trong vòng 1 giờ. Nhiều chuyến bay tại sân bay quốc tế Tự do Newark và sân bay quốc tế Philadelphia cũng đã bị trì hoãn vì thiếu nhân lực. Trong khi hàng nghìn nhân viên sở thuế vụ ở Mỹ đã không đến làm việc sau khi được yêu cầu quay trở lại làm việc mà không được trả lương lương.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các nhân viên Chính phủ Mỹ như “chết đuối vớ phải cọc” sau thỏa thuận cấp ngân sách tạm thời này, dù thỏa thuận chỉ cấp cho họ “một chút không khí ” để sống qua ngày. Ba tuần sau đó, nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa sẽ tiếp diễn. Mặc dù Tổng thống đã “có sự nhượng bộ song đó chỉ là sự nhượng bộ mang tính tạm thời”. Cuộc chiến giữa Nhà Trắng và Quốc hội sẽ còn tiếp diễn.
Các cuộc điều tra dư luận Mỹ cho thấy, thay vì đổ lỗi cho cả Tổng thống và đảng Dân chủ để xảy ra tình trạng Chính phủ phải đóng cửa, người dân Mỹ lại đổ lỗi cho ông Donald Trump nhiều hơn. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump – một người vốn được xem là khá bảo thủ - nhượng bộ được xem là chiến thắng đối với đảng Dân chủ và bản thân bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi – người vốn kiên quyết phản đối khoản ngân sách mà Tổng thống yêu cầu.
Đảng Dân chủ đã ngay lập tức chĩa mũi dùi công kích Tổng thống. Ông Robert Reich, từng là cựu Bộ trưởng Lao động dưới thời các thời Tổng thống Mỹ như Gerald Ford, Jimmy Carter and Bill Clinton đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng, ông Donald Trump đã nổi giận song kết quả chả có gì. Một số tờ báo ủng hộ đảng Dân chủ như Breitbart chạy dòng tít đỏ ngay khi có thông tin Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại: “Không có bức tường biên giới”.