Phụ nữ thổ dân bị cảnh sát bắn chết gây rúng động Canada

Google News

Cảnh sát Canada đang phải đối mặt với sự chỉ trích về khả năng giải quyết tình huống liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc hoặc người có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Cảnh sát ở Canada đang bị giám sát chặt chẽ sau khi hai phụ nữ, đều là người thuộc nhóm thiểu số và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, đã chết sau cuộc chạm trán với các sĩ quan.
Cái chết xảy ra trong bối cảnh hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình ở Mỹ để phản đối việc cảnh sát sử dụng bạo lực chống lại người da màu, châm ngòi bởi sự việc người Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát đè đầu gối lên cổ ở Mỹ.
Hàng loạt sự cố liên quan tới cảnh sát
Phu nu tho dan bi canh sat ban chet gay rung dong Canada
 Người dân biểu tình ở trung tâm Toronto phản đối cảnh sát sau cái chết của Regis Korchinski-Paquet ngày 30/5. Ảnh: Canadian Press/REX/Shutterstock.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 4/6 nói rằng đất nước của ông đang theo dõi các sự kiện ở Mỹ “trong sự bàng hoàng”, nhưng thêm vào đó nhà lãnh đạo khẳng định: “Chúng tôi biết có rất nhiều việc phải làm ở Canada. Là chính phủ, chúng tôi đã và đang dần thực hiện từng bước một, nhưng… vẫn còn rất nhiều điều phải làm”.
Thách thức trên đã leo thang rõ rệt trong tuần này khi một loạt các sự cố xảy ra đã đặt ra câu hỏi về khả năng của lực lượng thực thi pháp luật Canada trong việc giải quyết các vấn đề căng thẳng liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc hoặc người có vấn đề về sức khỏe tâm thần - hoặc cả hai.
Regis Korchinski-Paquet, 29 tuổi, một phụ nữ người gốc thổ dân bản địa sống ở Toronto, đã qua đời vào ngày 27/5 sau khi mẹ cô gọi cảnh sát cầu xin đưa cô đến một bệnh viện tâm thần sau khi họ cãi nhau.
Một lúc sau, năm sĩ quan đến căn hộ tầng 24 của gia đình, Korchinski-Paquet rơi xuống từ ban công.
Cảnh sát chưa công bố chi tiết vụ việc và đang tiến hành điều tra. Những gì đã xảy ra chưa được sáng tỏ, nhưng gia đình Korchinski-Paquet đã nói họ tin rằng đáng lẽ cô vẫn còn sống nếu cảnh sát đã can thiệp khác đi.
Trong một vụ việc khác, vào sáng 5/6, cảnh sát ở Edmundston, New Brunswick đã trả lời một cuộc gọi liên quan tới một người phụ nữ gốc thổ dân bản địa 26 tuổi, Chantel Moore.
Cảnh sát nói khi một sĩ quan đến nơi, anh ta bị một người phụ nữ dùng dao tấn công, và không còn cách nào khác, phải tự vệ bằng cách bắn cô ta nhiều phát súng.
Cái chết của hai người phụ nữ trẻ tuổi, rõ ràng đều đang trong tình trạng khủng hoảng tâm lý, đã khiến dư luận chĩa mũi dùi về việc đào tạo cảnh sát để giải quyết các tình huống căng thẳng một cách an toàn.
Gốc rễ của vấn đề
Phu nu tho dan bi canh sat ban chet gay rung dong Canada-Hinh-2
 Người biểu tình Canada thể hiện sự đoàn kết với người Mỹ trong cuộc biểu tình chống lại cảnh sát gây ra cái chết của George Floyd. Ảnh: David Tesinsky/ZUMA Wire/REX/Shutterstock.
Akwasi Owusu-Bempah, giáo sư xã hội học tại Đại học Toronto, chuyên nghiên cứu về chính trị và bất công xã hội, phát biểu: “Lâu nay chúng ta, cơ bản là, yêu cầu cảnh sát phải giải quyết quá nhiều thứ. Hiện nay, cảnh sát thậm chí còn phải thực hiện các chức năng mà đáng lẽ các tổ chức xã hội hoặc tổ chức khác có thể làm hiệu quả hơn. Và tôi nghĩ vấn đề sức khỏe tâm thần là một trong số đó”.
Các nhà văn hóa tội phạm nói, văn hóa và cách đào tạo cảnh sát, phần lớn, là nguồn gốc của vấn đề.
“Cảnh sát được đào tạo để đối phó với các tình huống xã hội phức tạp bằng vũ lực”, ông Alexander McClelland, một nhà hoạt động và nghiên cứu sinh sau đại học tại Đại học Ottawa, nói. “Và ý tưởng sử dụng bạo lực trong một tình huống xã hội phức tạp và mong đợi một kết quả phi bạo lực là không hợp lý. Cảnh sát ở đây chỉ làm khủng hoảng trầm trọng thêm”.
Bên cạnh hai cái chết trên, nhiều trường hợp khác về việc lạm dụng quyền của cảnh sát gần đây đã được ghi nhận, bao gồm sự việc một sĩ quan Cảnh sát Hoàng gia Canada đã đâm một người đàn ông Inuk bằng xe cảnh sát và trường hợp một phụ nữ vô gia cư dương tính với Covid-19 có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã bị 6 sĩ quan cảnh sát giam giữ tại Toronto.
Những sự việc này đã làm dấy lên lời kêu gọi thu hồi hàng tỷ USD duy trì hệ thống an ninh của cảnh sát để chuyển sang đầu tư vào các chương trình xã hội mang tính phòng ngừa và phản ứng.
Theo ước tính, người nộp thuế ở Canada phải chi trả 11,2 tỷ USD để duy trì hoạt động của hệ thống cảnh sát trên cả nước, trong đó chỉ riêng ở Toronto là 750 triệu USD.
Ông McClelland nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể tiêu số tiền đó vào nhiều việc ‘sáng tạo’ hơn, bao gồm cả một hệ thống hỗ trợ tâm lý để đối phó với những trường hợp như thế này đầu tiên, thay vì cảnh sát […] Tại sao bạn cần một người có súng để đối phó với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, trừ khi bạn vốn đã cho rằng người đó chắc chắn sẽ sử dụng súng vào một lúc nào đó?”.
Nạn nhân của những sự việc như vậy thường thuộc các nhóm thiểu số. Tại Toronto, người da đen có khả năng bị cảnh sát bắn chết gấp 20 lần.
Cảnh sát Toronto đã cam kết cải thiện việc đào tạo giải quyết khủng hoảng và sử dụng máy ảnh gắn trên người. Thị trưởng thành phố đã thừa nhận vẫn còn nạn sự phân biệt chủng tộc trong thành phố. Nhưng các chuyên gia cho rằng cảnh sát thường không phải là người phù hợp để giải quyết các tình huống như vậy.
“Cảnh sát có mặt là để giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm, để đảm bảo trật tự và an ninh công cộng”, ông Owusu-Bempah nói. “Tuy nhiên, chúng ta thực sự cần các hệ thống mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề đối với những trường hợp khủng hoảng tâm lý. Phòng bệnh sẽ tốt hơn nhiều”.
Theo Khánh Linh/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)