Những vụ bắt cóc và cưỡng bức gây chấn động thế giới

Google News

Dưới đây là câu chuyện về số phận của các nạn nhân qua lời kể lại về khoảng thời gian địa ngục trong cuộc đời họ.

Elisabeth Fritzl
 Elisabeth Fritzl.
28/8/1984 là ngày định mệnh đối với cô gái 18 tuổi Elisabeth Fritzl ở Amstetten (Áo) khi cha cô là Josef Fritzl nhờ mang hộ một cánh cửa mới xuống tầng hầm. Elisabeth không thể ngờ rằng công việc đơn giản đó đã đẩy cuộc đời cô vào địa ngục.
Josef là một kẻ bệnh hoạn, hắn đã từng làm nhục Elisabeth khi cô mới 11 tuổi. Vào ngày định mệnh đó, Elisabeth làm theo lời cha, cùng ông ta xuống tầng hầm và tại đây cô đã bị trói tay, đánh thuốc mê và giam giữ suốt hơn 24 năm. Trong quãng thời gian đó, Elisabeth cho ra đời 7 đứa con với chính cha đẻ của mình.
Trong thời gian bị giam cầm, không có một ai, từ mẹ của Elisabeth cho đến 6 anh chị em của cô hay biết về sự việc kinh khủng xảy ra trong chính ngôi nhà nhỏ bé của họ.
Mẹ của Elisabeth đã báo cảnh sát về sự mất tích của con gái nhưng vài tuần sau đó, Josef mang một lá thư tới cơ quan chức năng và nói rằng đó là thư của Elisabeth. Trong thư, Elisabeth cho biết cô quyết định bỏ đi và mọi người không nên tốn công tìm kiếm. Thực ra, đó là mưu kế thâm độc của Josef, bức thư do chính ông ta bắt Elisabeth viết nhằm che đậy việc cô mất tích.
Josef Fritzl. 
Josef đã lên kế hoạch bắt cóc Elisabeth từ năm 1979, khi ông ta xây căn hầm nhỏ dưới ngôi nhà 3 tầng. Hàng xóm nói họ từng nghe thấy những tiếng động của việc xây dựng ở quanh đó nhưng cũng không thắc mắc gì thêm bởi Josef là một kỹ sư điện. Trong khi đó, Josef yêu cầu người nhà không đến gần căn hầm nơi ông ta “làm việc”. Sau khi đã hoàn thành, tầng hầm được cách âm.
Trong năm đầu bị cha đẻ giam giữ, Elisabeth luôn bị trói chặt, sau đó một thời gian cô được “thả khỏi xích” và được “tự do” đi lại trong căn phòng nhỏ không có ánh mặt trời.
Josef từng cho ba đứa trẻ (là con của hắn với Elisabeth) ra khỏi hầm, giao cho vợ và nói rằng chúng là cháu ngoại của ông ta. Josef còn buộc con gái viết thư nói rằng cô phải nhờ bố nuôi hộ các cháu vì không có khả năng chăm sóc chúng, tất nhiên, đó là cách để Josef biện minh cho sự hiện diện của ba đứa trẻ.
Elisabeth sinh được 7 đứa con với Josef, một đứa trẻ đã chết khi mới chào đời vì vậy còn 3 đứa trẻ sống cùng cô trong căn hầm. Đối với Elisabeth và những đứa trẻ còn lại, Josef dọa nếu họ dám ra ngoài cửa thì sẽ bị chết bởi điện giật và khí ga. Josef thường đi mua sắm vật dụng cá nhân ở các thành phố khác rồi bí mật chuyển xuống hầm vào buổi tối nên không bị người trong gia đình phát hiện.
Tháng 4/2008, con gái đầu của Elisabeth, Krestin, cũng sống trong hầm, bị ốm nặng, Elisabeth khẩn cầu Josef đưa cô con gái 19 tuổi đến bệnh viện. Josef đồng ý và đó là lần đầu tiên Krestin được đưa ra ngoài hầm, được cảm nhận không khí và ánh mặt trời.
Trong quá trình Krestin trị bệnh, các bác sĩ muốn gặp mẹ của Krestin để biết về tiểu sử bệnh của cô bé, vì vậy Elisabeth được Josef bí mật cho ra khỏi hầm với điều kiện phải giữ kín việc bị giam giữ. Khi Elisabeth đến bệnh viện, các bác sĩ thấy nghi ngờ và đã báo với cảnh sát. Sau khi được cảnh sát thuyết phục, Elisabeth đã khai mọi chuyện. Josef bị bắt giữ ngay sau đó.
Năm 2009, với các tội danh hãm hiếp, loạn luân, giết người và giam giữ người khác làm nô lệ, Josef Fritzl, 73 tuổi, bị tòa án Áo tuyên tù chung thân. Người cha loạn luân thừa nhận các tội danh và tuyên bố sẽ không kháng cáo.
Natascha Kampusch
Ngày 2/3/1998, như bao ngày khác, cô bé Natascha Kampusch 10 tuổi, lại vui vẻ rảo bước từ nhà ở quận Donaustadt, thủ đô Vienna (Áo) tới trường, thì đột nhiên một kẻ lạ mặt đã túm lấy Kampusch, đẩy cô bé vào một chiếc xe tải rồi đưa thẳng về nhà của hắn.
Sau khi Kampusch mất tích, cảnh sát đã mở cuộc truy tìm quy mô lớn nhưng kết quả là vô vọng.
Trong 8 năm bị giam giữ, Kampusch phải sống khổ cực trong hầm chứa rượu nhỏ chỉ rộng 5 m2 dưới gara của kẻ bắt cóc có tên Wolfgang Priklopil. Hắn đã lên kế hoạch vô cùng tinh vi: Thiết kế căn hầm chứa rượu cách âm; cửa vào hầm được làm bằng bê tông, gia cố bằng thép và được một chiếc tủ đựng thức ăn che khuất hoàn toàn. Trong thời gian đầu, Kampusch cố tình tạo ra tiếng động như ném chai nước vào tường để mong tìm sự giúp đỡ nhưng việc này chẳng có ích gì. Kampusch cũng đã từng có ý nghĩ sẽ giết Priklopil nhưng cô bé buộc phải từ bỏ vì không thực hiện được.
Kampusch không được phép rời khỏi căn hầm. Một thời gian dài sau khi bị bắt cóc và lạm dụng, cô mới được phép đi quanh ngôi nhà.
Sau này, theo lời kể của Kampusch, cô và Priklopil thường cùng ăn sáng, sau đó Priklopil sẽ đưa sách để cô tự học. Priklopil luôn cảnh báo tất cả cửa sổ và cửa ra vào trong nhà đều đã gài bom và rất dễ nổ. Hắn còn dọa dẫm hắn có súng và sẽ giết Kampusch cùng những người hàng xóm nếu cô có ý định trốn thoát.
Sau một thời gian dài sống trong địa ngục, ngày 23/8/2006, cơ hội thay đổi cuộc đời đã đến với Kampusch khi cô đang lau dọn chiếc xe của Priklopil. Khoảng gần 1 giờ chiều, có người gọi cho Priklopil, do tiếng ồn của máy hút bụi nên hắn đã ra ngoài để nghe điện thoại. Kampusch vội chớp lấy cơ hội và trốn thoát, cô gõ cửa nhà hàng xóm và một người hàng xóm khác đã gọi cho cảnh sát. Sau đó Kampusch được đưa đến đồn cảnh sát của thị trấn Deutsch-Wagram.
Priklopil phát hiện cuộc bỏ trốn của Kampusch và biết rằng cảnh sát sẽ lập tức tìm kiếm hắn. Hắn quyết định tự tử bằng cách nhảy vào trước một đoàn tàu đang chạy ở nhà ga Wien Nord, Vienna.
Sau này, trong một bộ phim tài liệu, Kampusch chia sẻ cô thấy cảm thông với Priklopil. Theo cảnh sát, Kampusch còn khóc khi biết tin kẻ bắt cóc mình đã chết. Nhiều người cho rằng Kampusch mắc hội chứng Stockholm - thuật ngữ mô tả trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình. Nguồn gốc của thuật ngữ này bắt nguồn từ vụ bắt cóc xảy ra năm 1973 tại Stockholm, Thụy Điển. Tuy nhiên trong cuốn tự truyện “3.096 ngày” xuất bản tháng 9/2010, Kampusch đã phủ nhận điều này.
Theo Hà Linh/Báo Tin Tức

>> xem thêm

Bình luận(0)