Người đàn ông tâm thần bỗng dưng biến mất
Hai anh em nhà họ Mã, Cát Tường và Kiến Quân sống bằng nghề trồng lúa tại làng Tân Long, một vùng nông thôn hẻo lánh phía Đông Nam tỉnh Hồ Nam. Ông Cát Tường không có bạn bè, là một người có vấn đề về tâm thần, lại chưa bao giờ được thăm khám hay điều trị nên tính khí ông rất thất thường.
Tuy nhiên, bà Trần Tiểu Phấn (70 tuổi) - chị dâu của Cát Tường cho biết ông Cát Tường không phải lúc nào cũng có biểu hiện tâm thần. Những khi tỉnh táo, ông làm việc rất siêng năng. Thức dậy trước bình minh, ông ra đồng làm ruộng mà không một lời phàn nàn, kêu ca. Những lúc “lên cơn”, ông Cát Tường bỏ làm đi lang thang khắp làng. Sau khi gia đình ông bà Trần có 2 người con trai, họ đã chuyển lên thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông làm việc. Còn ông Cát Tường đơn độc không vợ không con vẫn ở lại trong làng…
|
3 năm trước, “xác của ông Mã Cát Tường” được chôn cất dưới nấm mồ đắp bằng xi măng kiên cố. |
Một ngày cuối năm 2009, Cát Tường đi không về nhà. Sau một ngày tìm kiếm mà không có manh mối, ông Kiến Quân nhờ đến cảnh sát tìm giúp em trai. Bà Trần cho biết cảnh sát thờ ơ với việc đi tìm em chồng bà. Thất vọng, vợ chồng bà Trần đã dán tờ rơi tìm kiếm khắp nơi nhưng cũng không có kết quả.
Một ngày tháng 2/2012, Trưởng thôn gọi gia đình bà Trần đến, cho biết về một vụ tai nạn giao thông chết người xảy ra trong đêm tại thành phố Hành Dương lân cận. Kết quả xét nghiệm ADN sau đó của phòng thí nghiệm tỉnh Hồ Nam cho thấy có sự tương đồng lớn giữa ADN của nạn nhân thiệt mạng và ADN của gia đình họ Mã và kết luận rằng “không thể loại trừ khả năng” nạn nhân là anh em với gia đình họ. Tin rằng cái xác là của em mình, ông Kiến Quân đã thuê người xây một ngôi mộ lớn bằng xi măng. Thi thể được cho là của ông Cát Tường được đem đi hỏa táng rồi chôn cất.
Người chết trở về
Nhưng bất ngờ đến cuối năm 2015 vừa qua, Trung tâm Cứu trợ người vô gia cư thành phố Hành Dương, Hồ Nam tiếp nhận một trường hợp có các đặc điểm nhận dạng giống ông Cát Tường. Người này hầu như không nhớ gì về quá khứ nhưng nói rằng nhà mình ở làng Tân Long. Hai ngày sau đó, khi nghe có tiếng xe máy trong sân, bà Trần chạy ra. Thật không thể tin đó là Bí thư làng Tân Long và người em chồng Cát Tường với những vết thương chằng chịt ở chân. Vợ chồng ông Kiến Quân cho rằng, Cát Tường có thể đã bị bắt cóc. Sự mất tích trong thời gian dài và những chấn thương trên cơ thể ông Cát Tường rất giống với những thông tin mà truyền thông đưa về các vụ bắt cóc, nhắm đến người bệnh tâm thần, về làm lao động khổ sai tại các nhà máy gạch bất hợp pháp.
Giám đốc một nhóm hoạt động vì người khuyết tật tại Bắc Kinh cho biết, các vụ bắt cóc như vậy là rất phổ biến. Trở về sau 3 năm “mất tích”, ở tuổi 58, ông Cát Tường hiện sống tại Trại dưỡng lão địa phương. Với số tiền trợ cấp 50USD, ngoài giờ ăn và ngủ, ông Cát Tường chỉ còn biết thơ thẩn một mình quanh trại. Những chấn thương trên đôi chân của ông đang được điều trị để phục hồi, nhưng vẫn chưa có khả năng trả lời các câu hỏi có liên quan đến sự mất tích bí ẩn trong suốt thời gian dài vừa qua cũng như những vết thương trên cơ thể ông.
>>> Mời quý độc giả xem video Những vụ bắt cóc táo tợn (nguồn Youtube):