Đã gần 80 năm kể từ khi quân đội Liên Xô mở cuộc phản công ở mặt trận Stalingrad trong Thế chiến 2. Vào đầu cuộc chiến này, binh sĩ Liên Xô dường như đối mặt với thất bại khó tránh, không có khả năng kháng cự lại đòn tàn sát của quân đội Đức Quốc xã. Tuy nhiên sau đó Hồng quân Liên Xô đã lật ngược tình thế để giành chiến thắng giúp xoay chuyển cục diện cuộc chiến tranh chống phát xít Đức.
|
Nhà cửa bốc cháy ở Stalingrad sau khi bị máy báy phát xít Đức ném bom. Ảnh: MDF. |
Quân Đức mở cuộc tiến công vào thành phố Stalingrad mang tên vị lãnh tụ Liên Xô thời đó vào giữa tháng 7/1942. Nếu Stalingrad thất thủ, điều này sẽ giúp trùm phát xít Hitler tiếp cận được vùng Kavkaz cùng dầu mỏ ở biển Caspian, gây ra những hậu quả thảm kịch cho Liên Xô.
Cuộc chiến giành giật thành phố này bắt đầu sau một đợt oanh tạc khốc liệt vào ngày 23/8/1942 và kéo dài 2 tháng cho đến khi Hồng quân mở cuộc phản công.
Dưới đây là những ký ức đau thương của các nhân chứng tại địa ngục trần gian Stalingrad:
Stalingrad dưới mưa bom bão đạn
Bà Marina Krasnykh thuộc các trung đoan pháo cao xạ viết trong hồi ký: “Các vụ oanh tạc ồ ạt. Trong 2 giờ đồng hồ, thành phố bị san phẳng. Khói, chớp lửa, không khí ngột ngạt... Mọi thứ bốc cháy, kể cả gạch. Chúng tôi nhắm bắn các máy bay địch bằng cả súng trường. Đây đúng là địa ngục, địa ngục trần gian!”.
Trong khi đó Alexey Chuyanov, bí thư thành ủy Stalingrad, miêu tả những gì ông thấy trong những giờ oanh tạc đầu tiên như sau: “Các ngôi nhà bốc cháy. Các tòa nhà, cung văn hóa, trường học, viện nghiên cứu, rạp hát và các văn phòng khác đều đổ sụp. Thành phố biến thành địa ngục... Các trái bom tiếp tục rơi xuống từ bầu trời tối đen vì khói. Khu vực trung tâm thành phố chìm trong ngọn lửa khổng lồ không thể tin được. Mọi thứ đều như bốc cháy hết, từ bầu trời cho đến các đường chân trời”.
Người ta cho rằng nhiệt độ ở trung tâm thành phố phải lên tới 1.000 độ C. Khi đó đây là đợt ném bom quy mô lớn nhất của không quân phát xít Đức trong Thế chiến 2, với hơn 2.000 phi vụ. Stalingrad đã bị san thành bình địa. Không ai biết chính xác bao nhiêu cư dân đã bị thiệt mạng, con số tử vong dao động từ 40.000 đến 90.000 người.
Các sử gia cho rằng phát xít Đức khi đó có mưu đồ làm cho thành phố này không còn khả năng phòng thủ, phá hủy tiềm năng công nghiệp của nó và gieo rắc nỗi sợ hãi vào tâm trí những người lính phòng thủ.
Ngôi nhà của Pavlov
Ivan Afanasyev, một trong những người bảo vệ tòa nhà Pavlov, viết: “Vào ngày 3/10, kẻ thù bắt đầu tấn công tòa nhà của chúng tôi. Chúng cố gắng đánh chiếm tòa nhà bằng mọi giá do tòa nhà này đóng vai trò then chốt đối với sông Volga ở khu vực này. Hàng ngày chúng tôi phải chống lại vài cuộc tấn công dữ dội. Trong 2 tháng bảo vệ ngôi nhà, có 24 người tham gia phòng ngự, có lúc chỉ có không quá 15 người. Nhưng chúng tôi đã thanh toán được nhiều tên phát xít”.
Một trong những vị tướng chỉ huy lực lượng Hồng quân ở Stalingrad, Vasily Chuikov, sau này đã chỉ ra trong hồi ký của mình rằng khi cố gắng chiếm Ngôi nhà Pavlov, quân Đức mất nhiều lính hơn khi cả khi chiếm thủ đô Paris của Pháp.
|
Chân dung Yakov Pavlov và tòa nhà nổi tiếng mà anh bảo vệ trong trận chiến Stalingrad. Ảnh: RIA. |
Trung sĩ Yakov Pavlov, người mang tên gắn liền với tòa nhà này, về sau nhớ lại: “Chúng tôi, một nhóm nhỏ chiến sĩ, đã bị máy bay phát xít giội hàng loạt trái bom. Chúng tôi còn bị xe tăng địch tấn công, bị pháo binh và súng cối Đức nã vào một cách không thương tiếc. Hỏa lực từ súng máy và súng tiểu liên không ngừng tuôn dù chỉ trong một phút. Chúng tôi hết đạn, lương thực, và nước uống. Không còn mấy không khí để thở do đạn pháo nổ”.
Các chiến sĩ Hồng quân cho biết, trên các tấm bản đồ thuộc về tư lệnh lực lượng Đức ở Stalingad – Thống chế Paulus, Ngôi nhà Pavlov được gọi là một pháo đài. Trước chiến tranh, Ngôi nhà Pavlov là một tòa chung cư 4 tầng bình thường và sau đó trở thành một biểu tượng cho sự kháng cự kiên cường của các chiến sĩ Liên Xô ở Stalingrad.
Stalingrad là địa ngục của cả quân Đức
Một lính Đức không rõ tên viết trong nhật ký của mình vào ngày 10/12/1942: “Tôi đã không ăn từ ngày hôm qua. Tôi chỉ uống cà phê. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Chúa ơi, điều này sẽ kéo dài bao lâu? Những người lính bị thương vẫn ở bên chúng tôi. Chúng tôi không đưa họ đi chỗ khác được. Chúng tôi bị bao vây. Stalingrad đúng là địa ngục. Chúng tôi phải luộc thịt của những con ngựa chết. Không có muối. Nhiều người mắc chứng tiêu chảy. Cuộc sống thật hãi hùng làm sao! Tôi đã làm điều gì xấu xa trong đời hay sao mà lại bị trừng phạt như thế này? Trong căn hầm nhỏ ních tới 30 con người. Mới 2 giờ đã tối. Đêm kéo dài. Liệu có ngày mai?”.
Người lính Đức này có lẽ đã không còn sống sót vào lúc các chiến sĩ Xô viết tìm thấy các ghi chép của anh ta vào cuối tháng 12/1942 hoặc đầu tháng 1/1943.
Quân Đức bất ngờ trước việc Hồng quân phản công vào ngày 19/11/1942. Kết quả của cuộc phản công này là Hồng quân bắt đầu bao vây Tập đoàn quân số 6 của Đức và các đơn vị đồng minh của nó. Hơn 90.000 lính Đức bị bắt làm tù binh. Tổng cộng Đức và các nước chư hầu mất tới 1 triệu lính. Trận chiến Stalingrad trở thành một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại phát xít Đức./