Khủng hoảng này đã đặt Châu Âu rơi vào một giai đoạn bất ổn “chưa từng có”.
Chính phủ Pháp đã chính thức sụp đổ sau khi quốc hội Pháp hôm 4/12 đã thông qua bỏ phiếu “bất tín nhiệm” do liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP) đề xuất với sự giúp sức từ đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN), buộc chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier phải nộp đơn xin từ nhiệm.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình lan rộng phản đối các chính sách cải cách lương hưu và kinh tế. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1962 một Chính phủ Pháp sụp đổ do bỏ phiếu bất tín nhiệm. Việc chính phủ tan rã đặt nước Pháp vào tình trạng hỗn loạn chính trị, đe dọa ổn định kinh tế và vai trò lãnh đạo trong Liên minh châu Âu.
Tình hình càng trở nên xấu hơn khi Đảng Cánh tả “nước Pháp bất khuất” yêu cầu Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon từ chức. Tuy nhiên ngay sau đó, Tổng thống Pháp bác bỏ lời kêu gọi từ chức trên, đồng thời khẳng định sẽ vẫn “hoàn toàn” nắm giữ cương vị nguyên thủ quốc gia Pháp cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ.
“Nhiệm vụ mà các bạn trao cho tôi là nhiệm vụ có thời hạn 5 năm, và tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ đó một cách trọn vẹn, cho đến cùng. Chúng ta không thể để mình bị chia rẽ hoặc không làm gì cả. Đó là lý do tại sao tôi sẽ chỉ định một thủ tướng trong những ngày tới. Tôi sẽ yêu cầu họ thành lập một chính phủ vì lợi ích chung, đại diện cho tất cả các đảng phái chính trị có thể tham gia vào chính phủ, hoặc ít nhất là những đảng đồng ý không lật đổ chính phủ”, ông Macron nói.
Trong khi đó tại Đức, khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao, và chia rẽ nội bộ trong liên minh cầm quyền đã khiến chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz tan rã. Các chính sách kinh tế bị chỉ trích nặng nề, trong khi sự trỗi dậy của các đảng cực hữu đẩy nước Đức vào tình trạng bất ổn.
Phản ứng với các diễn biến khủng hoảng chính trị trên đồng euro mất giá mạnh so với các loại tiền tệ khác. Thị trường tài chính châu Âu chứng kiến tình trạng bán tháo lớn, kéo theo nguy cơ suy thoái toàn khu vực. Đặc biệt, trước mắt chính trị, EU đang có khoảng trống lãnh đạo từ hai quốc gia chủ chốt, khiến các quyết định quan trọng về chính sách đối ngoại và năng lượng bị đình trệ. Ngoài ra, sự sụp đổ của chính phủ Pháp Đức dễ gây ra hiệu ứng “domino” khi tạo ra tâm lý lo sợ lan rộng, biểu tình và xung đột bùng phát ở nhiều quốc gia trong khối từ Italy và Tây Ban Nha.
Theo Reuters, ông Achim Wambach, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu, nhận định: “Sự sụp đổ chính trị của Pháp và Đức không chỉ làm suy yếu EU mà còn tạo điều kiện cho các cường quốc bên ngoài gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu”.
Trong khi đó, OECD cảnh báo rằng tình trạng này có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế âm và đẩy EU vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Các quốc gia thành viên EU đang gấp rút tổ chức các hội nghị khẩn cấp để tìm kiếm giải pháp, trong đó có đề xuất cải tổ cơ chế lãnh đạo của khối. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng nếu không có sự ổn định nhanh chóng, EU sẽ đối mặt với nguy cơ tan rã hoặc suy yếu nghiêm trọng. Tình hình hiện nay đặt châu Âu trước thử thách lịch sử, với những diễn biến khó lường trong thời gian tới.