Chiến thắng của ông Trump có ý nghĩa gì cho Quân đội Mỹ?

Google News

Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ mang đến những thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Quân đội Mỹ, cùng với sự điều chỉnh ngân sách và các nỗ lực cải cách.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, kế hoạch cải tổ ngân sách và ưu tiên quốc phòng sẽ tập trung vào việc khắc phục các lỗ hổng chiến lược. Các đề xuất chính bao gồm tối ưu hóa lực lượng để nâng cao hiệu quả, tăng cường tuyển dụng và “giữ chân” quân nhân, phục hồi sức mạnh của Hải quân, loại bỏ các dòng máy bay cũ tốn kém của Không quân, đầu tư vào sản xuất đạn dược quy mô lớn và điều chỉnh lại ngân sách từ các cơ quan khác trong Chính phủ.
Chien thang cua ong Trump co y nghia gi cho Quan doi My?
 Máy bay ném bom chiến lược Boeing B-52 Stratofortress - một trong những loại máy bay ném bom lâu đời nhất và vẫn còn được sử dụng bởi Không quân Mỹ. Ảnh: The National Interest
Trong một cuộc thảo luận của Nhóm Chiến lược Viện Reagan (RISG) vào mùa hè vừa qua, một số ưu tiên quan trọng đã được đưa ra về tương lai của ngân sách và chính sách quốc phòng vào tháng 1/2025. Đội ngũ mới tin rằng phân bổ ngân sách quốc phòng hiện tại chưa phản ánh đúng các ưu tiên trong chiến đấu.
Trong bài phát biểu và báo cáo của mình, ông Ryan McCarthy - cựu Bộ trưởng Lục quân Mỹ dưới thời ông Trump nhiệm kỳ đầu tiên - đã nêu ra những vấn đề quốc phòng có thể sẽ được đưa vào chương trình làm việc của đội ngũ mới tại Lầu Năm Góc. Những vấn đề này bao gồm:
Giảm yêu cầu đối với lực lượng quân đội
Quân đội Mỹ hiện nay không đủ sức mạnh để thực hiện các nhiệm vụ rộng lớn theo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia. Lực lượng vũ trang vẫn duy trì vai trò ngăn chặn các đối thủ trên ba mặt trận, bảo vệ tổ quốc, chống lại các thế lực phi nhà nước và mối đe dọa khủng bố. Tuy nhiên, trong những thập kỷ qua, quân đội đã suy giảm đáng kể cả về quy mô lẫn khả năng chiến đấu.
Khi các hệ thống vũ khí trở nên cũ kỹ và lực lượng quân đội bị thu hẹp, toàn bộ hệ thống buộc phải làm việc hết công suất để hoàn thành các nhiệm vụ ngày càng gia tăng. McCarthy nhấn mạnh Lục quân là ví dụ điển hình cho vấn đề này. Ông chỉ ra rằng dù là lực lượng chủ lực đảm nhận 60% nhiệm vụ chiến đấu, Lục quân vẫn phải đối mặt với tình trạng cắt giảm ngân sách nghiêm trọng, giảm hơn 25% trong vòng bốn năm. Điều này xảy ra trong bối cảnh nhu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng cao.
Một giải pháp là “tái cơ cấu” các bộ chỉ huy tác chiến để cân đối hiệu quả hơn giữa nhu cầu và khả năng cung ứng lực lượng. Đây có thể là một phần trong kế hoạch của Tướng C.Q Brown - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - nhằm yêu cầu các chỉ huy đánh giá rủi ro trên quy mô toàn cầu và chuẩn bị cho tình huống không có thêm nguồn lực hỗ trợ trong mọi cuộc khủng hoảng.
Tăng cường tuyển quân, giữ chân và thu hút nhân lực cho quân đội
Nhiều năm liên tiếp sụt giảm trong số lượng người nhập ngũ đã trở thành bài toán nan giải cho các lực lượng vũ trang. Dù những sáng kiến mới đang cho thấy tín hiệu khả quan trong việc đảo ngược xu hướng này nhưng để khắc phục hoàn toàn vấn đề và đạt được kết quả lâu dài vẫn cần nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn.
Tình trạng thiếu hụt quân số và chỉ tiêu chưa đạt có thể khiến áp lực giữ lại nhân sự cho lực lượng quân đội ngày càng lớn. Việc khôi phục niềm tin vào nhiệm vụ quốc gia và thu hút, truyền cảm hứng cho thế hệ quân nhân tiếp theo đòi hỏi phải có sự chỉ đạo mạnh mẽ và bền bỉ từ các nhà lãnh đạo cấp cao.
Thay đổi cục diện: Đưa Hải quân và ngành đóng tàu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng
Ngành đóng tàu là một trong số ít các lĩnh vực ngân sách quốc phòng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Ngân sách đóng tàu được đề xuất năm 2025 lên tới 32,4 tỷ USD, gấp đôi so với mức 12,4 tỷ USD của năm 2015. Tuy nhiên, trong đề xuất ngân sách năm 2015, kế hoạch là đóng 8 tàu mới, còn đề xuất năm 2025 chỉ dự kiến xây dựng 9 tàu tương tự.
Hải quân đang đối mặt với một bài toán khó khi số tàu ngừng hoạt động ngày càng tăng, trong khi số lượng tàu mới lại quá ít, khiến hạm đội ngày càng bị thu hẹp.
Cựu Bộ trưởng McCarthy nhấn mạnh rằng, ngay cả khi cắt giảm được những khoản chi không hiệu quả trong lĩnh vực này, một nguồn vốn khổng lồ vẫn là điều cần thiết để giải quyết tình trạng tồn đọng. Nếu không, Hải quân sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, ảnh hưởng đến các kế hoạch hiện đại hóa và tham vọng của họ.
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này đòi hỏi những giải pháp đột phá, như các hợp đồng linh hoạt và một quỹ đặc biệt ngoài ngân sách thường xuyên của Không quân và Hải quân để đầu tư vào các trang thiết bị và công nghệ hiện đại.
Loại bỏ những thiết bị lỗi thời, nhường chỗ cho công nghệ mới trong Không quân
Không quân Mỹ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường trong những năm 2020 đầy thách thức, đồng thời đối mặt với việc các chương trình hiện đại hoá liên tục bị trì hoãn. Trong bối cảnh đó, cựu Bộ trưởng McCarthy và các quan chức khác đang thúc đẩy quá trình loại bỏ các máy bay cũ tốn kém để nhường chỗ cho công nghệ tiên tiến.
Mặc dù cắt giảm chi phí là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là chính quyền tiếp theo cần đảm bảo rằng việc cắt giảm ngân sách sẽ đi đôi với việc tăng cường đầu tư vào các chương trình mới như Máy bay Chiến đấu Hợp tác. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai các hệ thống mới để thay thế những hệ thống cũ sắp ngừng hoạt động.
Một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra về việc tái sử dụng các hệ thống cũ để kéo dài tuổi thọ của chúng. Ví dụ, Hải quân Mỹ gần đây đã nâng cấp tên lửa AIM-174B, giúp tăng tầm hoạt động và hiệu quả chiến đấu của máy bay Super Hornet với vai trò chiến đấu mới và khả năng tấn công nhiều mục tiêu hơn. Không phải mọi thiết bị cũ đều nên bị loại bỏ, đặc biệt khi chưa có phương án thay thế nào sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt.
Tăng cường đầu tư đồng bộ vào các loại đạn dược
Sự yếu kém của ngành công nghiệp sản xuất đạn dược đã được phơi bày khi Mỹ nỗ lực hỗ trợ đồng minh trong hai cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Các cuộc chiến này còn cho thấy những dự báo lạc quan về mức tiêu thụ đạn dược là không chính xác và dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng chiến đấu của quân đội.
Trước đây, ngân sách cho đạn dược thường bị cắt giảm để ưu tiên cho các kế hoạch khác của Lầu Năm Góc, làm suy yếu khả năng sản xuất và thiếu hụt kho dự trữ đạn dược. McCarthy đề xuất khôi phục quy mô sản xuất đạn dược lớn như những năm 1980. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn đà suy giảm suốt 30 năm qua, mở rộng nguồn cung tên lửa mới, và duy trì các hợp đồng mua bán dài hạn ngay cả khi xung đột hiện tại chấm dứt nhằm phục hồi kho dự trữ và nâng cao khả năng sản xuất khẩn cấp.
Tinh giản bộ máy của Lầu Năm Góc và tái phân bổ nguồn ngân sách
Kho ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ là để dành cho các cơ quan và tổ chức quốc phòng không thuộc các lực lượng quân sự truyền thống. Đội ngũ này đảm nhận các nhiệm vụ từ chiến dịch đặc biệt và thu thập thông tin tình báo đến nghiên cứu có tính chất bảo mật và phòng thủ tên lửa.
Cựu Bộ trưởng McCarthy đề xuất rằng 10-15% trong tổng số 140 tỷ USD này có thể được chuyển giao cho các lực lượng quân sự để cải thiện việc tuyển binh lính, huấn luyện và trang bị cho lực lượng liên quân.
Mô hình "Tòa án Đêm" mà Esper và McCarthy áp dụng khi quản lí Quân đội sẽ được triển khai trên toàn bộ ngân sách của Lầu Năm Góc, không chỉ giới hạn ở các hệ thống vũ khí, mà còn bao gồm việc rà soát lại toàn bộ các khoản chi tiêu ngân sách.
Chien thang cua ong Trump co y nghia gi cho Quan doi My?-Hinh-2
 Rockwell B-1 Lancer - máy bay ném bom chiến lược của Mỹ. Đây là một trong những máy bay ném bom siêu thanh có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, được sử dụng bởi Không quân Mỹ. Ảnh: The National Interest.

Thực tế khách quan: Quân đội vẫn cần được đầu tư nhiều hơn

Mặc dù trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, ngân sách quốc phòng đã tăng lên so với các dự báo trước đó – đạt 225 tỷ USD trong suốt 4 năm ông cầm quyền – nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Các lỗ hổng trong khả năng sẵn sàng chiến đấu và các vấn đề nghiêm trọng khác do Đạo luật Kiểm soát Ngân sách để lại đã khiến kế hoạch tái xây dựng quân đội của ông Trump gặp trở ngại khi phải ưu tiên khắc phục các vấn đề cấp bách trước tiên.

Tổng thống Reagan đã cam kết tăng cường quân đội trong suốt nhiệm kỳ của mình và ông đã thực hiện được điều đó. Trong 8 năm, ông Reagan đã mở rộng Hải quân, Không quân và Lục quân Mỹ. Việc tăng cường quân sự này đi kèm với sự gia tăng về ngân sách quốc phòng, mặc dù phải đối mặt với sự hoài nghi của Quốc hội, bao gồm cả hai đảng. Kết quả là ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc đã tăng hơn 30% và chi tiêu quốc phòng đạt mức cao nhất, gần 6% GDP.
Hiện nay, nước Mỹ hoàn toàn có đủ khả năng tài chính để chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng nhưng trên thực tế, họ chỉ bỏ ra một khoản tiền nhỏ - chỉ khoảng 3%, mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Nếu Tổng thống Donald Trump muốn cải tổ và xây dựng lại quân đội, ngân sách cần phải tăng trưởng vượt mức lạm phát trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của ông. Mặc dù vẫn có thể tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả trong bộ máy hành chính nhưng quân đội vẫn cần thêm nguồn lực để tránh rơi vào tình trạng suy yếu về mặt chiến lược.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Các nước chúc mừng ứng cử viên Donald Trump 

Nguồn video: VTV

Bích Phương (Theo The National Interest)

>> xem thêm

Bình luận(0)