Zheng Linghua (23 tuổi), sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ở Chiết Giang, vui mừng khi nhận thông báo trúng tuyển lớp thạc sĩ Âm nhạc. Để kỷ niệm ngày vui, cô đăng bức ảnh chụp chung với ông mình, người đang bị bệnh nặng và phải nằm viện.
Tuy nhiên, sau khi bức hình được đăng lên vào ngày 13/7, mái tóc nhuộm hồng của Zheng trở thành tâm điểm bàn tán, biến cô thành mục tiêu bắt nạt trên mạng xã hội.
"Tại sao một sinh viên vừa tốt nghiệp lại nhuộm tóc như gái quán bar thế kia" là bình luận nổi bật được nhiều người lan truyền. Nhiều người khác thậm chí gọi cô là "gái hộp đêm", "gái điếm" hay "ác quỷ" vì màu tóc.
|
Bức ảnh Zheng Linghua chụp cùng ông bị nhiều kẻ đánh cắp và bịa ra những câu chuyện xuyên tạc để bôi xấu, xúc phạm.
|
Một số người còn lấy cắp hình ảnh của Zheng để sử dụng cho mục đích cá nhân, bao gồm quảng cáo để bán các khóa học trực tuyến. Những kẻ lợi dụng bịa ra những câu chuyện xuyên tạc như người đàn ông già yếu kết hôn với cô gái trẻ, hay tạo ra mối liên hệ giữa mái tóc hồng và gái mại dâm.
Không ít ý kiến còn lấy mái tóc nhuộm hồng làm cái cớ chỉ trích về học vấn của Zheng khi cô theo đuổi tấm bằng sư phạm. Họ nói rằng những người nhuộm tóc hồng "không đủ tiêu chuẩn để trở thành giáo viên tương lai".
Ngày 26/7, Zheng đã có thư yêu cầu ngừng hành động lạm dụng, tuyên bố sẽ có hành động pháp lý chống lại những người sử dụng hình ảnh của cô. Zheng nói rằng họ đã xâm phạm quyền đối với hình ảnh cá nhân và làm tổn hại danh tiếng của cô.
"Những kẻ đã xúc phạm giáo viên nói chung, sinh viên ngành âm nhạc, Đại học Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải), ông tôi và tôi sẽ phải chịu trách nhiệm", cô viết trong một bài đăng trên Weibo.
Bài đăng từ ngày 27/7 đã nhận được hơn 3.500 lượt thích, 1.700 lượt chia sẻ. "Chúng tôi không chiến đấu một mình", Zheng bày tỏ sự cảm ơn đối với những người đã ủng hộ cô.
"Những chuyện xảy ra đã khiến tôi mất tập trung vào việc học và tôi đang bị trầm cảm", cô gái 23 tuổi giải thích lý do từ chối trả lời phỏng vấn trên truyền thông trong một bài đăng sau đó.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, rất khó có khả năng Zheng đưa được ai ra tòa, trừ khi việc lạm dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tự sát, rất khó để truy tìm và chứng mình danh tính những kẻ đứng sau các tài khoản.
Trước đây, trong một vụ án nổi tiếng, 3 người thân của một bé trai ở Tứ Xuyên đã bị kết án tù từ 6 tháng đến 18 tháng vì kích động bắt nạt trực tuyến. Nạn nhân của những người này là một phụ nữ từng tranh cãi với cậu bé tại bể bơi hồi năm 2018.
Người phụ nữ trên đã tự tử 5 ngày sau khi vụ việc xảy ra, khi thông tin cá nhân bị rò rỉ, cô và gia đình bị tấn công trên mạng.
Sự phổ biến của bắt nạt trực tuyến đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng, đáng báo động ở Trung Quốc, trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ ở nước này.
|
Thiếu niên 17 tuổi tự sát vì không chịu nổi sự xúc phạm của dân mạng.
|
Đầu năm 2022, vụ thiếu niên 17 tuổi bị bố mẹ ruột bỏ rơi, cuối cùng tự tử do bị dân mạng xúc phạm đã làm rúng động dư luận Trung Quốc.
Nạn nhân là Liu Xuezhou, bị bố mẹ ruột bán đi khi mới chào đời năm 2005. Đến năm 2022, nhờ đăng tin trên mạng xã hội, cậu tìm được lại gia đình. Tuy nhiên, bố mẹ đã ly hôn và đều có gia đình mới nên từ chối chăm sóc Liu.
Kết quả, Liu tranh cãi với phụ huynh và bị họ đăng bài tố lên mạng. Thanh niên 17 tuổi bị dân mạng lao vào "ném đá". Không chịu đựng nổi dư luận, cậu tự sát và thi thể được phát hiện ngày 24/1.
Theo một nghiên cứu hồi tháng 4 của WhyNot, một tạp chí tin tức tiếng Trung có trụ sở tại Mỹ, gần 40% trong số hơn 2.000 người dùng mạng xã hội Trung Quốc ở độ tuổi 18-35 cho biết họ từng trải qua các mức độ bắt nạt trực tuyến khác nhau.
Khoảng 16% nạn nhân cho biết bị bắt nạt khiến họ có ý định tự tử, và 16% khác tự làm tổn thương bản thân hoặc có ý định tự sát vì lạm dụng trực tuyến.